Giấc mơ Thung lũng Silicon và điều gì đã trở nên sai lầm (Phần II)
(Bài viết này là phần hai của loạt bài gồm ba phần. Quý vị có thể tìm đọc phần I tại đây)
Từ cái gốc phục vụ quân sự tới tập trung vào công chúng
Thung lũng Silicon được thành lập trong thời kỳ Đệ nhị Thế Chiến để giúp Quân đội Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Chính phủ đã tài trợ cho các công ty như Fairchild Semiconductor. Berkeley, với Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore của mình, được giao nhiệm vụ chế tạo một quả bom nguyên tử. Những người từ Stanford được giao nhiệm vụ tìm ra cách chế tạo bóng bán dẫn, vi mạch bán dẫn và radar. Hãng HP (Hewlett-Packard) và nhiều công ty khác đã tham gia giúp Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Đầu tư của chính phủ vào Thung lũng Silicon về căn bản đã hình thành một mạng lưới giữa Bờ Tây và Đông. Sau Đệ nhị Thế chiến, mọi người đều chuyển hướng công nghệ và kiến thức của mình sang việc tạo dựng những điều tốt đẹp cho đại chúng.
Trong những thập niên 1980 và 1990, các công ty bắt đầu độc lập hơn khỏi chính phủ. Sự độc lập mới này đã tạo ra một tâm lý chống chính phủ trong nhiều công ty.
Tôi đến Thung lũng Silicon vào đúng thời điểm hoàn hảo vì sự phát triển của máy điện toán là rất lớn. Đầu tiên là máy điện toán lớn (mainframes), sau đó là máy điện toán mini (minicomputers), và tiếp đến là máy điện toán cá nhân thu hút được nhiều sự quan tâm.
Thung lũng Silicon tăng trưởng theo cấp số nhân nhờ các hãng như Intel, HP, và Sun Microsystems.
Sun Microsystems là một trong những công ty tôi đã từng làm. Tôi thiết kế các vi mạch bán dẫn, vì vậy tôi đã ở Thung lũng Silicon để thiết kế silicon. Tôi cũng đã làm việc tại Silicon Graphics, nơi tôi tham vấn ý kiến cho các công ty, chẳng hạn như hãng Broadcom hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
Tôi rất may mắn; Tôi đã thành lập một vài công ty. Công ty đầu tiên, [là công ty] ông Bill Gates muốn mua và đưa ra lời đề nghị xúc phạm mà tôi đã từ chối.
Sau đó, ông ta nói: “Này, anh không bán cho tôi, tôi sẽ biến công ty này thành một phần của hệ điều hành (OS) và anh sẽ đi tong.”
Tôi đáp lại rằng, “Tôi không nghĩ vậy đâu Bill, bởi vì nếu ông biến nó thành một phần của hệ điều hành, thì ông sẽ phải trả tiền phí bản quyền và ông sẽ không làm vậy.”
Tôi cũng may mắn được giao thiệp với ông Steve Jobs, một kẻ thô lỗ khác. Nhân tiện, theo quan điểm của tôi, Steve Jobs là một Donald Trump của lĩnh vực công nghệ cao: cùng một tính cách, thô lỗ, cay nghiệt, nhưng cực kỳ hiệu quả trong những gì ông ấy làm, và yêu cầu sự tôn trọng. Mọi người đã thần tượng ông ấy.
Đó là Thung lũng Silicon mà tôi yêu mến và biết đến. Tuy nhiên, dần dần, các nhà tiếp thị và những người chỉ quan tâm đến tiền bạc đã tìm ra lý do tại sao phải tạo ra một vi mạch bán dẫn, hoặc chế tạo một thứ gì đó rất đắt tiền, trong khi chúng ta có thể, chẳng hạn như Google, kiếm tiền từ sự phù hợp. Họ nhận ra rằng mọi người muốn trở thành người đầu tiên khi quý vị tìm kiếm, thì mới trở nên phù hợp. Các công ty sẽ trả rất nhiều tiền để có tên trong “danh sách phù hợp” đó.
Tôi đã may mắn được gặp một số người sáng lập Google. Tại một thời điểm, ông Sergey Brin, một trong những người đồng sáng lập của hãng này, sống trên cùng một con phố với tôi. Một ngày nọ, cả hai chúng tôi đang dắt chó đi dạo, và con chó của tôi bắt đầu sủa con chó của ông ta, tôi sợ rằng ông ta sẽ kiện tôi. Đó là một ngôi làng nhỏ; mọi người đều nói chuyện với nhau. Bọn trẻ nhà ông ấy đã một thời học cùng trường với các con tôi, cùng với nhiều người nổi tiếng khác.
Tại một thời điểm nhất định, ông Sergey Brin và ông Larry Page và nhóm sáng lập của Google có ý định “Không gây hại.” Mô hình này là những gì các bác sĩ thường hay tuyên thệ sẽ tuân thủ, nhưng sau đó họ tính phí rất đắt cho các dịch vụ của mình. “Không gây hại” về lý thuyết nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng trên thực tế, theo quan điểm của tôi, nó không tốt.
Miễn là các công ty này biết quý vị đủ rõ để họ có thể bán dữ liệu thực về quý vị, họ có thể hướng các sản phẩm của họ đến quý vị trong một quảng cáo–xuất hiện khi quý vị đang ở trong thời điểm chông chênh nhất của cuộc đời.
Đó là những gì họ làm. Vậy làm thế có tốt không? Không, không phải ý kiến của riêng tôi, mà có khá nhiều người khác đang nói, không, điều này không tốt. Họ đang kiếm tiền? Vâng, rất nhanh. Có phải họ đang cố tình làm điều xấu không? Tôi không nghĩ vậy, nhưng ý định và kết quả lại không giống nhau.
Tương lai của Thung lũng Silicon
California xinh đẹp và Thung lũng Silicon vẫn là một nơi tuyệt vời, nhưng tương lai của Thung lũng này trong 20–30 năm tới phụ thuộc vào con người. Nó phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra khi mọi người hiểu ra và bắt đầu quan tâm rằng họ chính là sản phẩm.
Khi hình ảnh riêng tư của mọi người hiển thị trên một số trang web hoặc khi ông Epstein bị một phong trào MeToo hạ bệ, thì mọi người bắt đầu quan tâm.
Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, Google đang đưa ra cho quý vị và tôi một lời đề nghị tuyệt vời, phải vậy không? Chúng ta sử dụng Google Maps để định hướng nơi chúng ta cần đến. Google cung cấp cho chúng ta email miễn phí, Google Maps miễn phí, hình ảnh miễn phí, và nhiều thứ khác. Đây là những sản phẩm rất hữu ích, nhưng đó là lý do tại sao Google rất dễ gây nghiện.
Tuy nhiên, phần miễn phí này là chúng ta một cách vô tình và hợp pháp, đúng là như vậy, ký kết là chúng ta đồng ý cho các công ty truy cập thông tin của chúng ta, bởi vì nếu không thì chúng ta không thể sử dụng các sản phẩm này. Ngay cả khi quý vị phản đối chuyện này, thì mời quý vị ra khỏi cổng [truy cập], vì vậy quý vị không còn lựa chọn nào khác.
Đây là điều mà các công ty độc quyền lẽ ra không được làm, nhưng nó đã diễn ra như vậy. Về phương diện tài chính mà nói, các công ty này đang kinh doanh rất phát đạt.
Tôi không biết liệu câu thần chú “Không gây hại” sẽ tồn tại về lâu về dài hay không. Rõ ràng là nó không hiệu quả với Facebook và Twitter, và tôi cũng không nghĩ nó sẽ hiệu quả với Google.
Tôi không biết phải mất 5 năm hay 50 năm nữa thì chuyện này mới được giải quyết. Chắc chắn là sự tiến bộ của nhân loại sẽ kịp thời giải quyết những chuyện này.
Có điều là nhiều người hài lòng với môi trường hiện tại. Nhiều người không sẵn sàng đứng lên chống lại nó. Ông Jeff Bezos sở hữu tờ Washington Post và sẽ không ai nói bất cứ điều gì tiêu cực về ông ta. Điều này cũng đúng khi vợ của ông Steve Jobs, bà Laurene Powell Jobs, sở hữu The Atlantic. Bởi vì toàn bộ số tiền mà họ đã chi ra và tất cả các giao dịch họ đang thực hiện với các chính trị gia, sẽ không có quy định, không phải trong môi trường này.
Có thể nếu ông Donald Trump tiếp tục nắm quyền, hoặc có thể khi trở lại, ông ấy sẽ đủ giận dữ đến mức sẽ làm những điều đúng đắn, có lẽ vì lần này ông ấy sẽ nói, này, điều này cần phải dừng lại. Có thể là như vậy, nhưng tôi cũng không biết nữa.
Cuối cùng, lợi ích quý vị nhận được từ Facebook là họ cho quý vị thấy những thứ mà quý vị thực sự quan tâm vì họ hiểu quý vị.
Với Google cũng vậy. Nó đưa quý vị đi từ chỗ này đến chỗ khác, hiển thị cho quý vị thời tiết và tất cả các loại thông tin rất hữu ích. Đây là những công ty đang cố hết sức để tối đa hóa lợi nhuận của họ. Đó là những gì họ làm. Chuyện là vậy. Khi nào tình huống này sẽ thay đổi? Tôi không biết.
Thung lũng Silicon đã quy tụ một số thiên tài sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới. Tại một số thời điểm, họ có thể nói một cách đầy hy vọng rằng lợi nhuận là lợi nhuận, nhưng có một lằn ranh “không được vượt qua.”
Một ngày nào đó, hy vọng những đại công ty này có thể tìm thấy đạo đức của họ.
Ông George Haber là một doanh nhân, chuyên gia tiếp thị, và chiến lược gia. Ông là một nhà đầu tư thiên thần (angel investor, thuật ngữ chỉ nhà đầu tư cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp); ông là một trong những người chủ chốt của Microsoft Xbox. Năm 1996, công ty đầu tiên ở Thung lũng Silicon của ông là công ty tiên phong trong công nghệ MPEG-1 và MPEG-2 và sáng tạo ra phần mềm DVD đầu tiên trên thế giới cho phép phát DVD trên máy điện toán.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do George Haber thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: