Giá thịt của Hoa Kỳ có thể đạt đến ‘mức cao nhất trong nhiều thế hệ’
Món thịt khoái khẩu của người Mỹ chuẩn bị thêm đắt đỏ.
Các dự báo thị trường cho rằng người tiêu dùng sẽ trả nhiều tiền hơn cho thịt bò, thịt lợn và thịt gà do các yếu tố như chi phí thức ăn gia tăng và tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Nhìn chung, giá thực phẩm đã tăng 8.8% kể từ tháng Ba năm 2021.
Vào đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã có một triển vọng lạc quan hơn về giá thịt tăng cao. Tuy nhiên, đánh giá này nhanh chóng thay đổi vào đầu quý II.
Giờ đây, người tiêu dùng có thể phải trả thêm 6–7% cho thịt bò và thịt bê trong năm nay. Theo USDA, các sản phẩm thịt lợn sẽ tăng 4-5%, và giá gia cầm có thể tăng hơn 8% do dự trữ đông lạnh ở mức thấp trong lịch sử.
Ngoài ra, chi phí ăn uống tại nhà hàng và thức ăn mang đi sẽ tăng lên 6.5% trong năm nay.
Tại Texas, chủ tịch của Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc miền Tây Nam và Texas (TSCRA) 145 năm tuổi, ông Arthur Uhl, nói với The Epoch Times rằng không có giải pháp dễ dàng nào cho giá thịt bò cao.
Ông Uhl nói, “Các thành phần then chốt trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi là nhân công, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi, và phân bón, và mọi thứ đang tăng giá.”
Ông giải thích rằng đây là khoảng thời gian đầy thử thách đối với các chủ trang trại gia súc trong mọi lĩnh vực của ngành, từ người sản xuất, cho đến các lô thức ăn, cho đến người chế biến và người đóng gói. Tất cả mọi người đều đang cảm thấy sức ép của lạm phát nghiêm trọng.
Ông Uhl cũng lưu ý rằng mặc dù giá thịt bò trong các cửa hàng đang tăng lên, nhưng điều đó không phản ánh bất kỳ khoản lợi nhuận bổ sung nào về phía chủ trang trại. Tất cả chỉ để bù đắp chi phí hoạt động cao hơn.
Các nhà sản xuất thịt lợn cho thấy chi phí thức ăn cao hơn là một trong những động lực hàng đầu khiến giá thịt tăng vọt. Giá khô đậu nành kỳ hạn tháng Ba năm nay tăng lên 462 USD/tấn thiếu (2000 pounds) từ mức 330 USD của tháng 10/2021.
Xu hướng này có thể vẫn tồn tại vì đậu nành cũng đạt mức cao lịch sử vào tháng Ba ở mức hơn 17 USD/giạ.
Do đó, nông dân đã chọn trồng nhiều đậu nành hơn và trồng ít ngô hơn trong vụ mùa này, mang lại những lợi ích như chịu hạn tốt hơn và cần ít phân bón hơn.
Điều thứ hai là tối quan trọng vì giá phân bón đã tăng vọt trong năm nay trong khi cuộc xung đột của Nga ở Ukraine đang làm gia tăng các vấn đề khan hiếm hiện có.
Theo khảo sát của USDA, nông dân dự định trồng 91 triệu mẫu đậu nành cao kỷ lục vào năm 2022.
Tuy nhiên, nhược điểm của việc chuyển đổi trồng trọt này là thiếu hụt trong thu hoạch ngô giữa bối cảnh nguồn dự trữ ngày càng suy giảm. Đây là một nguyên nhân chính dẫn đến giá thành ngũ cốc [tăng] vào năm 2022.
Giá ngô của Hoa Kỳ đã chạm mức cao nhất trong nhiều năm trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Năm năm nay. Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng Ba năm 2022 trên Chicago Board of Trade đạt 6.405 USD/giạ.
Giá ngô cao đã ảnh hưởng đặc biệt đến ngành chăn nuôi gia cầm, vốn đã phải chịu một số trở ngại tồi tệ nhất do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Trong các nguyên liệu thô bao gồm thức ăn chăn nuôi, hạt ngô là thành phần chính. Nó chiếm từ 50 đến 70% khẩu phần ăn của động vật dạ dày đơn, chủ yếu là gà và lợn.
Hồi tháng Tư, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tyson Foods, ông Donnie King, đã đưa ra lời khai trước Ủy ban Nông nghiệp của Hạ viện Hoa Kỳ về tác động tàn phá của lạm phát đối với ngành công nghiệp thịt của Hoa Kỳ.
Ông King khẳng định lạm phát đang leo lên “mức cao nhất trong nhiều thế hệ.”
“Kể từ tháng Ba năm 2020, giá ngô tăng 127%, đậu nành tăng 90% và khô đậu nành tăng 54%. Hàng năm, tỷ suất lợi nhuận của nhà máy nghiền đậu nành tăng 168%, với các loại phân bón chính như nitơ, kali và phốt-pho sẽ tăng từ 115% đến 246% trong khung thời gian đó.”
Ông nói thêm rằng sự kết hợp tai hại giữa nguồn cung bị hạn chế, nhu cầu tiêu dùng cao và sự gián đoạn liên tục không lường trước được đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 gây ra và bất ổn địa chính trị đang làm trầm trọng thêm lạm phát.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động do đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp thịt của Mỹ phải đối mặt.
Ông Uhl nói, “Đã xảy ra tình trạng thiếu lao động vì dịch COVID. Chúng tôi không có đủ người làm việc trong các nhà máy, và đó là một vấn đề.”
Hồi tháng 11/2021, Viện Thịt Bắc Mỹ đã đáp trả chính phủ Tổng thống Joe Biden, vì chính phủ này toan đổ trách nhiệm lạm phát ngay trước ngưỡng cửa của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Bà Julie Anna Potts, chủ tịch và giám đốc điều hành của viện cho biết: “Chỉ sáu tuần trước, chính phủ ông Biden đã cố gắng đổ lỗi cho ngành công nghiệp thịt và gia cầm vì chi phí thực phẩm tăng cao.”
Bà Potts khẳng định, “Quốc hội sẽ nghe ý kiến từ các nhà sản xuất thực phẩm khác, chủ hàng, nhà cung cấp đầu vào, người trồng trọt và nhà bán lẻ đang chịu đựng tình trạng thiếu lao động giống nhau, cũng như sự lên xuống của chuỗi cung ứng thực phẩm đang dẫn đến mức giá cao kỷ lục này.”
Tình trạng thiếu công nhân đóng gói và chế biến thịt đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ, khiến nhiều nhà chế biến độc lập phải đặt chỗ trước hàng tháng do công suất hoạt động giảm.
Hồi tháng Một năm nay, chính phủ ông Biden đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng năng lực chế biến thịt độc lập tại Hoa Kỳ.
Gói cứu trợ tài chính sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Đầu tiên, USDA sẽ cung cấp khoản tài trợ lên tới 375 triệu USD trong hai giai đoạn. Khởi đầu sẽ đầu tư 150 triệu USD vào khoảng 15 dự án ước tính có tác động ngắn hạn được dự đoán là tốt nhất. 225 triệu USD bổ sung sẽ được phân phối thứ cấp khi được hỗ trợ thêm vào mùa hè năm 2022.
Ông Jeremy Fuchs, một phát ngôn viên của TSCRA chia sẻ cảm xúc về tình trạng thiếu nhân công trong ngành công nghiệp thịt bò.
Ông Fuchs nói với The Epoch Times: “Vấn đề lớn nhất hiện nay mà chúng tôi gặp phải, liên quan đến giá thịt bò và sự khác biệt của chúng so với giá bò sống, là một nút thắt cổ chai ở khâu chế biến và đóng gói thịt.”
Ông Fuchs giải thích rằng không đủ lực lượng lao động ở khâu đóng gói là lý do tại sao hiện tại có tình trạng dư thừa nguồn cung cấp gia súc, nhưng lại không đủ cung cấp thịt bò trên các kệ hàng trong các cửa hàng.
Ông King nói với các dân biểu Hoa Kỳ vào tháng Tư: “Những gì chúng tôi làm là rất quan trọng đối với an ninh lương thực của quốc gia này.”
Ông Uhl cho biết thật dễ dàng để coi những thứ như thực phẩm và ngũ cốc là của trời ban, đồng thời nói thêm rằng ở Hoa Kỳ thực phẩm đã luôn dồi dào từ rất lâu và với giá thành hợp lý.
“Tôi nghĩ rằng công chúng đã thực sự coi đó là của trời cho. Và nó thực sự đang bị thách thức vì lý do nhân tạo và lý do tự nhiên. Chúng ta đang sống trong khoảng thời gian khó khăn.”
Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: