Giá nhà sản xuất tăng cao kỷ lục trong khu vực đồng tiền chung Âu Châu
Cơ quan thống kê của Liên minh Âu Châu báo cáo lạm phát giá nhà sản xuất ở khu vực đồng Euro tăng lên mức cao kỷ lục trong năm tính đến tháng Ba, mang lại một dấu hiệu mới cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục ảnh hưởng nguy hiểm đến các nền kinh tế trên toàn thế giới và củng cố thêm những lo ngại về lạm phát đình trệ (hay lạm phát kèm suy thoái).
Văn phòng thống kê của Liên minh Âu Châu Eurostat cho biết trong một tuyên bố hôm 03/05 (pdf) rằng chỉ số giá sản xuất của khu vực đồng euro, vốn theo dõi tình hình lạm phát trước khi nó ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đã tăng 36.8% hàng năm và 5.3% hàng tháng trong tháng Ba, tốc độ nhanh nhất được ghi nhận.
Chi phí năng lượng tăng phi mã, nhảy vọt lên mức đáng kinh ngạc là 104.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái và 11.1% so với tháng trước trong tháng Ba là nguyên nhân chính của đợt tăng giá bán buôn này.
Không tính năng lượng, giá sản xuất tăng khiêm tốn hơn ở mức 13.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái và 2.1% so với tháng trước.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 6.8% vào tháng Tư, trong đó thị trường lao động thắt chặt cho thấy áp lực tăng lương nhiều hơn, có thể tạo thành áp lực lạm phát.
Các chỉ số về giá của nhà sản xuất cao ngất ngưởng cũng có khả năng làm tăng thêm lo ngại về lạm phát ở quy mô rộng hơn, vì giá bán buôn cao hơn có xu hướng chuyển sang cho người tiêu dùng.
Theo dữ liệu của Eurostat (pdf), lạm phát giá tiêu dùng trong khu vực đồng Euro đã tăng tốc trong tháng Tư lên 7.5% hàng năm, tăng 0.1 điểm phần trăm so với tháng Ba.
Đối với lạm phát giá sản xuất, yếu tố chính đẩy giá tiêu dùng lên là chi phí năng lượng tăng, vốn đã tăng 38% tính theo năm trong tháng Tư.
Trong khi đó, kỳ vọng giá tiêu dùng của khu vực đồng euro trong 12 tháng tới chỉ giảm nhẹ trong tháng Tư sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng Ba, theo Chỉ báo Tâm lý Kinh tế mới nhất của Ủy ban Âu Châu (pdf).
Tuy nhiên, kỳ vọng giá bán trong khu vực đồng euro trong ba tháng tới đã tăng lên mức cao mới trong lịch sử mọi thời đại. Điều này cho thấy áp lực lạm phát có thể sẽ tồn tại lâu hơn, với các nhà phân tích tại ING cho biết trong một lưu ý gần đây rằng nguy cơ lạm phát đình trệ trong khu vực đồng Euro đang gia tăng.
Các nhà phân tích viết: “Các cuộc phong tỏa ở Trung Quốc, cũng như cuộc chiến ở Ukraine, sẽ đè nặng lên các chuỗi cung ứng, không chỉ làm tăng thêm áp lực về giá mà còn tạo ra thêm sự gián đoạn và trì hoãn trong sản xuất”.
Họ nói thêm: “Thêm vào đó là lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga hiện đang được thảo luận và kịch bản sắp diễn ra về sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga, và rủi ro đối với triển vọng kinh tế rõ ràng là có xu hướng giảm.”
Các nhà phân tích dự đoán rằng áp lực đang gia tăng đối với Ngân hàng Trung ương Âu Châu (European Central Bank, ECB) trong việc nhanh chóng tăng lãi suất trước khi các dự báo kinh tế xấu đi trở thành hiện thực và gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách nhằm giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích tăng trưởng.
Các nhà phân tích của ING đã viết: “Triển vọng kinh tế xấu đi này cũng có thể giải thích tại sao một số thành viên ECB dường như đang nhanh chóng đẩy mức lãi suất lên. Nỗi sợ hãi này dường như là dư địa cho việc kết thúc chương trình mua tài sản và việc bắt đầu tăng lãi suất có thể sớm kết thúc,” đồng thời họ lưu ý rằng ngày càng có khả năng xảy ra đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng Bảy, theo đó là đợt tăng lần hai vào tháng Chín.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: