Giá lithium tăng chín lần, báo cáo nhấn mạnh sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào khoáng sản ngoại quốc
Báo cáo: Nhu cầu có thể đòi hỏi hơn 100% trữ lượng cobalt, lithium, nickel, crom, kẽm đã được kiểm chứng
Một bạch thư gần đây đã đưa ra một số thách thức trong việc cung cấp các loại khoáng sản cho bất kỳ quá trình chuyển đổi năng lượng nào từ nhiên liệu hóa thạch, đưa ra cảnh báo kịp thời cho các nhà hoạch định chính sách khi nhu cầu về xe điện (EV) tăng lên làm tăng chi phí nguyên liệu sử dụng trong các sản phẩm này.
Đáng chú ý là giá tiêu chuẩn của lithium, lithium carbonate, và lithium hydroxide đã tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây, như được nêu chi tiết tại Benchmark Minerals.
Chỉ dao động ở mức 115.80 USD/tấn vào tháng 09/2020, giá tiêu chuẩn của lithium đã tăng lên 1045.90 USD/tấn vào tháng 03/2022. Đó là một mức tăng gấp hơn 9 lần.
Ông Zach Schumacher, một chuyên gia về giá kim loại ở Bắc Mỹ của Argus Media, nói với The Epoch Times rằng theo đó chi phí của các loại xe điện có thể sẽ tăng lên. Theo Kelley Blue Book, giá giao dịch trung bình ước tính cho một chiếc xe điện mới là 56,437 USD hồi tháng 11/2021.
Giá của các khoáng sản quan trọng khác – kể cả kim loại đất hiếm neodymium dùng cho các tuabin gió – cũng có xu hướng tăng mạnh trong những tháng và năm gần đây.
Ông Schumacher cho biết, “Lithium không phải là nguyên liệu thô duy nhất có liên quan trực tiếp đến thị trường xe điện có giá thành cao hơn, vì vậy việc phân tích chính xác mức độ tăng chi phí cho các phương tiện giao thông trong những tháng sắp tới chỉ xuất phát từ lithium có thể khá khó khăn. Giá nickel, thép không gỉ, chất bán dẫn, và chi phí nhân công nằm trong số các chi phí khác cũng đã tăng so với mức của những năm gần đây.” Ông cũng nói thêm rằng giá của các mặt hàng điện tử tiêu dùng cũng có thể tăng.
Báo cáo tháng Ba do ông Phil Rossetti và ông George David Banks của Diễn đàn Công dân vì các Giải pháp Năng lượng có Trách nhiệm (CRES) là đồng tác giả cho biết: “Ngày càng có nhiều học giả đặt câu hỏi về các nhu cầu khoáng sản cần thiết để đạt được 100% mục tiêu năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch.”
Tài liệu này lưu ý rằng xe điện cần hàm lượng khoáng sản cao gấp 6 lần so với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong thông thường, khi trích dẫn một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Các nguồn năng lượng tái tạo cũng sử dụng nhiều khoáng sản hơn so với các nguồn thay thế dựa trên hydrocacbon của chúng. Theo báo cáo của IEA, các tuabin gió cần lượng khoáng sản nhiều gấp 9 lần so với các nhà máy khí đốt tự nhiên.
Phân tích của Diễn đàn CRES nêu rõ, “Trung Quốc là nhà cung cấp chủ đạo đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì vị trí này. Trong trường hợp các khoáng sản mà nước này không cung cấp – chẳng hạn như cobalt – thì Trung Quốc gần như độc quyền kiểm soát công suất lọc dầu thông qua các doanh nghiệp quốc doanh của mình.”
“Các nhà hoạch định chính sách cũng nên hiểu những tác động về an ninh năng lượng của các chính sách tập trung nhiều vào các sản phẩm sử dụng nhiều khoáng sản để giảm phát thải khí nhà kính, vì khan hiếm nguyên liệu có thể làm tăng giá cũng như tạo ra sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoại quốc vốn có thể có lợi ích trong việc thao túng thị trường.”
Bên cạnh việc tạo ra những rủi ro về an ninh quốc gia, tình hình hiện nay cũng khiến Hoa Kỳ có thể bị khiển trách trong việc sử dụng lao động cưỡng bức, hay có vấn đề về mặt đạo đức.
Một đầu vào quan trọng của tấm quang năng, polysilicon, phần lớn được sản xuất ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, có thể thông qua lao động nô lệ của nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong khu vực này.
Tương tự như vậy, phần lớn cobalt trong pin lithium-ion được thu nhận thông qua lao động trẻ em từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Báo cáo của Diễn đàn CRES lập luận rằng Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) cản trở hoạt động khai thác khoáng sản trong nước cho năng lượng tái tạo, thậm chí còn cản trở sản xuất hydrocarbon.
Báo cáo nêu rõ, “42% các đánh giá môi trường của DOE NEPA và các tuyên bố về tác động môi trường [là] dành cho các nỗ lực bảo tồn, truyền tải hoặc năng lượng sạch so với 15% cho nhiên liệu hóa thạch.” Báo cáo đề cập tới một phân tích R Street từ một trong những đồng tác giả của báo cáo, ông Phillip Rossetti.
Một dự án lớn được đề xướng về vấn đề này, Mỏ Lithium Thacker Pass ở Hạt Humboldt, Nevada, đã nhận được Hồ sơ Quyết định theo NEPA vào tháng 01/2021. Ban Bảo vệ Môi trường của Nevada đã cấp giấy phép khai thác, nước và không khí cho dự án này vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, khu mỏ này đã tiếp tục gây ra tranh cãi, với việc ông Gary McKinney của Shoshone Paiute viết trên Tạp chí Reno Gazette rằng “khu an táng của tổ tiên chúng tôi không phải là nơi dành cho một mỏ quặng.”
Nhà phát triển mỏ Thacker Pass là Lithium Americas có trụ sở tại Canada, đã thực hiện các thỏa thuận lớn với công ty Ganfeng Lithium của Trung Quốc, trong đó có thỏa thuận về quyền sở hữu chung đối với dự án nước muối lithium carbonate Cauchari-Olaroz ở Argentina.
Trang web của công ty Lithium Americas chỉ ra rằng Ganfeng sở hữu 46.7% dự án trong khi Lithium Americas sở hữu 44.8%. 8.5% còn lại thuộc sở hữu của công ty do nhà nước điều hành Jujuy Energía y Minería Sociedad del Estado (JEMSE) của Argentina.
Ngay cả khi các mỏ mới trong nước như Thacker Pass đi vào hoạt động, phân tích tổng hợp ba nghiên cứu về quá trình chuyển đổi năng lượng của Diễn đàn CRES cho thấy nhu cầu có thể vượt qua trữ lượng đã được kiểm chứng của nhiều loại khoáng sản quan trọng, trong đó có cobalt, lithium, nickel, crom, và kẽm.
Báo cáo nêu rõ: “Nói tóm lại, các nhu cầu khai thác tiềm năng để chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng sạch với công nghệ hiện có là quá lớn đến mức không rõ liệu có khả thi về mặt kinh tế để khai thác đủ khoáng sản đáp ứng nhu cầu được mô hình hóa trong các nghiên cứu đó hay không.”
Hồi tháng Hai, Tổng thống Joe Biden đã thu hút sự chú ý đến một loạt các khoản đầu tư mới nhằm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đối với lithium, đất hiếm, cobalt, và các khoáng chất quan trọng khác.
Khoản này bao gồm 35 triệu USD từ Bộ Quốc phòng cho một cơ sở phân tách nguyên tố đất hiếm nặng do MP Materials, chủ sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất của Hoa Kỳ ở Mountain Pass, California, điều hành.
Công ty Shenghe Resources của Trung Quốc sở hữu một phần MP Materials.
“Theo đề nghị của chính phủ Trung Quốc, và đặc thù trong ngành đất hiếm của Trung Quốc, Shenghe Resources đã thiết kế cấu trúc vốn chủ sở hữu của mình theo sở hữu hỗn hợp,” trang web của công ty nêu rõ, một phần công ty này thuộc sở hữu của nhà nước.
The Epoch Times đã liên lạc với Shenghe Resources để yêu cầu bình luận.
Reuters đưa tin hồi cuối tháng Ba rằng Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska) đã cho rằng mình “lo lắng” về cổ phần của Trung Quốc trong MP Materials.
Các khoản đầu tư được công bố hồi tháng Hai cũng bao gồm một dự án 140 triệu USD của Bộ Năng lượng (DoE) để thu được các khoáng sản quan trọng từ chất thải mỏ, bụi than, và các tài nguyên tương tự.
Báo cáo của Diễn đàn CRES gợi ý rằng những thách thức mà họ mô tả có thể được giảm thiểu nhờ những đột phá về công nghệ, bao gồm các phương pháp tiếp cận tốt hơn để thu giữ carbon và phát triển nhiên liệu carbon thấp cho các loại xe thông thường, không chạy bằng điện.
Báo cáo cũng thúc giục Hoa Kỳ trừng phạt các công ty hoặc quốc gia sử dụng lao động phi đạo đức, cho rằng các hành động như vậy phải được thực hiện nhanh chóng, trước khi quốc gia này quá phụ thuộc vào các khoáng sản như vậy.
Báo cáo nêu rõ, “Là một thị trường tiêu thụ lớn, Hoa Kỳ có vị trí tốt nhất để tạo ra sự thay đổi bằng cách từ chối tiếp cận thị trường với các nhà cung cấp phi đạo đức.”
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: