Giá khí đốt Âu Châu tăng sau khi Ukraine chặn dòng khí đốt từ Nga
Giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu tăng vọt sau khi nhà điều hành đường ống quốc doanh của Ukraine chặn dòng khí đốt của Nga tại cửa khẩu Sokhranivka nằm trên đường biên giới giữa khu vực Luhansk của Donbas hôm 11/05.
Một ngày trước đó (tức 10/05), Công ty Gas TSO Ukraine (GTSOU) của Ukraine đã thông báo rằng do không có sự kiểm soát thực tế đối với đường ống của họ ở các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine, nên công ty không thể thực hiện đầy đủ các hợp đồng, và sẽ chấm dứt việc giao hàng cho các khách hàng của mình ở phương Tây.
Nhà xuất cảng khí đốt Ukraine tuyên bố rằng họ đã nhiều lần nói với công ty đối tác quốc doanh của Nga, Gazprom về các mối đe dọa tiềm tàng đối với dòng khí đốt từ sự can thiệp sau khi Ukraine mất quyền kiểm soát các cơ sở của mình ở phía đông đất nước, nhưng “lời kêu gọi của họ đã bị bỏ ngoài tai”.
Họ cáo buộc lực lượng chiếm đóng của Nga đã can thiệp vào hoạt động của họ và rằng họ đang chuyển hướng khí đốt theo cách gây nguy hiểm cho sự ổn định của mạng lưới đường ống này.
Đây là lần đầu tiên các hoạt động của đường ống dẫn qua Ukraine phải đối mặt với sự gián đoạn kể từ khi Nga xâm lược nước này hồi cuối tháng Hai.
Nhà điều hành Ukraine cũng đã chặn việc vận chuyển khí đốt qua trạm nén ở biên giới, Novopskov, nơi cung cấp khoảng một phần ba lượng khí đốt từ Nga sang Âu Châu.
TTF Giá khí đốt tự nhiên Âu Châu tăng hơn 6.4% vào sáng hôm 11/05, theo giờ London.
Trạm đo khí đốt Sokhranivka và Novopskov, đều nằm trong các khu vực do Nga kiểm soát của Ukraine, cho đến nay vẫn được phép hoạt động mà không bị cản trở.
GTSOU đổ lỗi cho “hành động của những kẻ chiếm đóng” đã làm gián đoạn các dịch vụ và cho biết trong một tuyên bố chính thức rằng “do cuộc xâm lược quân sự nhằm vào Ukraine của Liên bang Nga, một số cơ sở của GTS nằm trong vùng lãnh thổ bị quân đội Nga và sự cai trị chiếm đóng của nước này tạm thời kiểm soát.”
“Hiện tại, GTSOU không thể thực hiện kiểm soát hoạt động và công nghệ đối với Trạm Nén ‘Novopskov’ và các tài sản khác nằm trong hai vùng lãnh thổ này.”
“Hơn nữa, sự can thiệp của lực lượng chiếm đóng vào các quy trình kỹ thuật và những thay đổi trong phương thức hoạt động của các cơ sở GTS, bao gồm cả lượng khí tồn đọng trái phép từ các dòng vận chuyển khí đốt, đã gây nguy hiểm cho sự ổn định và an toàn của toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine.”
Nhà điều hành đường ống cho biết họ vẫn có thể hoàn thành nghĩa vụ vận chuyển đến Âu Châu bằng cách định tuyến lại [dòng] khí đốt thông qua điểm trung chuyển Sudzha, nằm trong vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Gazprom nói rằng yêu cầu của Ukraine sẽ là “bất khả thi về mặt công nghệ” và họ không có cơ sở để đưa ra quyết định, nhưng dòng khí đốt tại Sudzha có thể tăng lên trong một đêm, khoảng 8 triệu mét khối mỗi ngày.
Bộ Năng lượng Đức nói với Associated Press hôm 11/05 rằng, quốc gia này cần khí đốt cho các ngành công nghiệp chính của mình, nhưng hiện tại đang nhận được ít hơn 25% khí đốt thông qua Ukraine.
Bà Annika Einhorn, phát ngôn viên Bộ Năng lượng, cho biết, nguồn cung khí đốt từ Na Uy và Hà Lan tăng lên phần nào bù đắp cho sự thiếu hụt. Bà cho biết thêm phần lớn khí đốt của Nga đến Đức qua đường ống Nordstream 1 qua Biển Baltic thay vì qua Ukraine
Tuy nhiên, tỷ lệ khí đốt của Nga chảy sang Âu Châu qua Ukraine đã giảm xuống còn khoảng 18% kể từ khi chiến sự nổ ra.
Gần đây, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.
Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập cảng của Liên minh Âu Châu.
EU, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, rất dễ bị suy thoái nếu phải đối mặt với việc cắt toàn bộ dầu và khí đốt tự nhiên từ Moscow, do không có giải pháp thay thế nghiêm túc nào vào thời điểm này.
Mặc dù Brussels đang trong quá trình cấm sử dụng than của Nga, với kế hoạch tiếp tục loại bỏ dần việc nhập cảng dầu của Nga, nhưng khí đốt tự nhiên vẫn chưa được nhắm mục tiêu trực tiếp, vì việc nhập cảng từ các nguồn khác sẽ khó hơn rất nhiều.
Ngay cả khi các quốc gia Âu Châu sử dụng tổng công suất nhập cảng còn lại của họ để vận chuyển khí đốt từ các nhà cung cấp không phải Nga, nó sẽ chỉ thay thế chỉ dưới 29% lượng khí đốt nhập khẩu của Nga.
Bản thân việc cắt giảm khí đốt sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp Âu Châu như kim loại, phân bón, thủy tinh và gốm sứ, vốn đã bắt đầu giảm sản lượng do giá khí đốt cao.
Người tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện và sưởi ấm thậm chí còn cao hơn, điều này có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến họ trong mùa đông này.
Mối đe dọa về việc Nga có khả năng chặn dòng khí đốt đến Âu Châu đã thúc đẩy EU tìm kiếm các nhà cung ứng thay thế.
Giới lãnh đạo EU tin rằng họ có thể giảm 2/3 lượng khí đốt nhập cảng của Nga vào cuối năm 2022, thông qua việc nhập cảng nhiều khí đốt hơn từ Na Uy và Azerbaijan, tăng các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ, phát triển hơn nữa năng lượng xanh, và thực hiện phân bổ nguồn cung cấp năng lượng.
Hoa Kỳ đã đồng ý mở rộng xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang Âu Châu đến năm 2030, nhưng Hoa Thịnh Đốn đã đẩy công suất giao hàng hiện có của mình đến mức giới hạn.
Các quan chức ngành năng lượng nói rằng để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi Hoa Kỳ phải đầu tư vào các bến xuất cảng mới trị giá hàng tỷ dollar.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: