Giá khí đốt tự nhiên của Âu Châu tăng vọt vì Nga cắt nguồn cung
Giá khí đốt tự nhiên của Âu Châu đã tăng hơn 7% trong nội nhật ngày thứ Hai (20/06), dựa trên đà tăng mạnh của tuần trước khi việc cắt giảm nguồn cung của Nga làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và phải phân bổ.
Theo dữ liệu của ICE, tiêu chuẩn Âu Châu cho khí đốt tự nhiên, các hợp đồng tương lai khí đốt tháng giao ngay TTF của Hà Lan, đã tăng 7.442% ở mức 126.5 euro mỗi megawatt-giờ vào lúc 8 giờ 44 phút sáng hôm 20/06 tại Amsterdam.
Sự gia tăng này diễn ra sau đợt tăng giá hơn 40% vào tuần trước khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho những người mua hàng đầu ở Âu Châu. Nước này đã đổ lỗi cho một vấn đề kỹ thuật liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các nhà lãnh đạo ở Đức và Ý gọi việc cắt giảm của Nga là một hành động chính trị, và hành động của Moscow đã làm trầm trọng thêm căng thẳng năng lượng ở Âu Châu, sau khi nước này ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch.
Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết trong một chuyến công du tới Kyiv, Ukraine hôm 16/06: “Cả chúng tôi, Đức và những nước khác đều cho rằng đó là một lời nói dối, Nga đã sử dụng khí đốt với mục đích chính trị”.
Tuần trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc cắt giảm nguồn cung này có liên quan đến các vấn đề với những tuabin thiết yếu cho hoạt động của đường ống chính Nord Stream 1 và khẳng định phía Moscow không có hành động cố ý cắt giảm nguồn cung.
Âu Châu đang tìm cách giảm nhập cảng ⅔ sản lượng khí đốt từ Nga vào cuối năm nay và đã chuyển hướng sang nhập cảng nhiều khí đốt lỏng hơn từ Hoa Kỳ để bù đắp sự thiếu hụt. Tuy nhiên, một vụ nổ và hỏa hoạn tại một cơ sở xuất cảng quan trọng ở Freeport, Texas, thiêu rụi khoảng 1/5 công suất xuất cảng khí đốt của Mỹ, gây áp lực lên nguồn cung cấp khí đốt vốn đã mong manh của Âu Châu.
Nhà tư vấn Timera Energy cho biết: “Giá trung tâm Âu Châu đã tăng vào tuần trước sau khi Gazprom cắt giảm 60% nguồn cung thông qua tuyến đường chính Nord Stream 1. “Căng thẳng thị trường mới này xuất hiện như một lời cảnh báo về quá trình chuyển đổi có trật tự trong thời gian ngắn từ khí đốt của Nga sẽ khó khăn như thế nào”.
Timera Energy cho biết, nỗ lực của Âu Châu nhằm thay thế dòng chảy của Nga bằng nhập khẩu LNG phải đối mặt với sự tắc nghẽn trong thời gian kéo dài từ 4 đến 5 năm để có công suất mới, có nghĩa là đầu tư mới sẽ không có tác động cho đến ít nhất là năm 2026.
Công ty tư vấn này dự đoán: “Trong khi đó, Âu Châu sẽ cần phải chiến đấu với Á Châu và châu Mỹ Latinh để có bất kỳ nguồn cung LNG gia tăng nào nhằm tạo thuận tiện cho việc giảm nhập cảng từ đường ống của Nga. Điều đó có nghĩa là giá cao hơn như chúng ta đã chứng kiến vào tuần trước.”
Giá năng lượng tăng cao đã khiến lạm phát ở Âu Châu tăng theo. Dữ liệu mới nhất cho thấy, tại 19 quốc gia sử dụng chung đồng tiền chung euro, lạm phát đã tăng vọt trong tháng Năm lên mức cao kỷ lục 8.1% hàng năm. Yếu tố đóng góp lớn nhất vào lạm phát của khu vực đồng euro đến từ năng lượng, ở mức 3.87%.
Lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên vào mùa đông ở Âu Châu, nơi nhận khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga, đã khiến các quan chức cảnh báo rằng các nước EU có thể có nguy cơ phải phân bổ năng lượng.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’