Giá dầu tăng giữa những lo ngại dai dẳng về nguồn cung, EU đề nghị cấm nhập cảng từ Nga
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày thứ Sáu (06/05) giữa những lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt trước đề nghị của Ủy ban Âu Châu (EC) về việc cấm dầu của Nga vào cuối năm nay.
Dầu Brent giao sau tăng 84 xu, tương đương 0.8%, lên 111.74 USD/thùng lúc 03 giờ 06 phút theo giờ GMT, trong khi dầu thô Tây Texas Intermediate (WTI) của Hoa Kỳ tăng 80 xu, tương đương 0.7% lên 109.06 USD/thùng.
Cả Brent và WTI đều đang trên đà tăng tuần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh Ủy ban Âu Châu đề nghị loại bỏ dần nhập cảng dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã xác nhận đề nghị của EC về “lệnh cấm nhập cảng hoàn toàn đối với tất cả dầu, đường biển và đường ống, dầu thô và dầu tinh chế của Nga” trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Âu Châu tại Pháp hôm thứ Tư.
Bà Von der Leyen lưu ý: “Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng chúng ta loại bỏ dầu Nga một cách có trật tự, theo cách cho phép chúng ta và các đối tác của chúng ta có được các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu.”
“Do đó, chúng ta tối đa hóa sức ép đối với Nga, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho chúng ta và các đối tác của chúng ta trên toàn cầu. Bởi vì để giúp Ukraine, nền kinh tế của chính chúng ta phải duy trì sự mạnh mẽ.”
Theo Reuters, hành động này cũng sẽ cấm tất cả các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển dầu của Nga. Điều đó vẫn cần sự đồng thuận của 27 thành viên trong khối trước khi có hiệu lực.
Nga là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, chiếm 17% lượng khí đốt tự nhiên và 12% lượng dầu của thế giới. Đây cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Âu Châu, vốn nhập cảng khoảng 3.5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu của Nga mỗi ngày.
Dự kiến, lệnh cấm nhập cảng dầu của EU sẽ khiến khối này mất đi 2 triệu thùng/ngày từ Nga.
Các chuyên gia lo ngại rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, lệnh cấm theo kế hoạch của ủy ban EU và đợt tăng lãi suất lớn nhất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ kể từ năm 2000 có thể tác động thêm đến tăng trưởng toàn cầu.
Hôm 04/05, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2000 như một phần trong nỗ lực chống lại mức lạm phát hiện đang ở mức đỉnh điểm trong 40 năm qua. Điều đó khiến chứng khoán Wall Street lao dốc trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại rằng các chính sách tăng lãi suất của ngân hàng trung ương trên thế giới có thể cản trở tăng trưởng.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu nghiên cứu hàng hóa của ING, nói với Reuters: “Có những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và điều đó có thể có ý nghĩa nào đó đối với nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, hiện tại lệnh cấm sắp tới của EU đối với dầu của Nga gây tác động lớn hơn, và do đó [chúng ta] phải hạn chế tác động xấu của giá cả.”
Trong khi đó, hôm thứ Năm (05/05), Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ, Nga và các nhà sản xuất đồng minh, được gọi là OPEC +, đã đồng ý với mức tăng khiêm tốn sản lượng dầu hàng tháng.
Họ đã đồng ý tăng sản lượng dầu tập thể lên 432,000 thùng/ngày vào tháng Sáu, theo một thông cáo báo chí bất chấp các lời kêu gọi lặp đi lặp lại của chính phủ Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy đáng kể sản lượng và hạ giá.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times