Giá cả của nhà sản xuất chứng kiến mức tăng cao nhất hàng năm, làm dấy lên lo ngại về lạm phát
Trong tháng 05/2021, giá cả của nhà sản xuất tăng cao hơn kỳ vọng, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong 12 tháng và củng cố thêm mối lo ngại về lạm phát lớn hơn khi chi phí sản xuất cao hơn có xu hướng thẩm thấu sang [giá sản phẩm] cho người tiêu dùng.
Theo thông cáo của Bộ Lao động (pdf), trong 12 tháng kết thúc vào tháng 05/2021, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 6.6%, con số cao nhất trong lịch sử của chuỗi chỉ số này, kể từ năm 2010. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Investment.com đã kỳ vọng một mức tăng thước đo nhu cầu cuối cùng của PPI là 6.3%.
Giá của nhà sản xuất không bao gồm thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại—một thước đo thường được các nhà kinh tế ưa dùng vì nó loại trừ các thành phần biến động nhất—đã tăng 5.3% trong tháng 05/2021 so với một năm trước đó. Đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ khi Bộ Lao động bắt đầu theo dõi chỉ số đó vào năm 2014.
Dữ liệu cho thấy, giá năng lượng chưa điều chỉnh theo mùa tăng 46.6% so với tháng 05/2020, [giá] hàng hóa tăng 11.1%, và [giá] thực phẩm tăng 4.4%.
Giá sản xuất được coi là một chỉ số hàng đầu của lạm phát giá tiêu dùng, chiếm phần lớn [tỷ trọng] của lạm phát chung. Trong khi dữ liệu giá sản xuất tăng cao gợi ý người tiêu dùng có nhiều khả năng chứng kiến giá cả tăng trong tương lai, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã nhiều lần nói rằng họ tin rằng việc tăng giá tiêu dùng là “tạm thời,” với kỳ vọng rằng lạm phát cuối cùng sẽ vừa phải trở lại mức mục tiêu trung bình 2% của ngân hàng trung ương.
Theo ông Lance Roberts, chiến lược gia đầu tư tại RIA Advisors, áp lực tăng giá “gây ra bởi sự đóng cửa ép buộc trong nền kinh tế, điều mà lẽ ra không bao giờ nên xảy ra.” Trong một cuộc phỏng vấn với NTD Business, ông Roberts cho biết chính phủ đã tạo ra “nồi áp suất” (áp lực lạm phát) này bằng cách nén các hoạt động kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Ông nói rằng, “Bây giờ tất cả những chuyện này đều sắp xảy ra cùng một lúc, và thật không may, điều này thực sự sẽ khiến Fed lâm vào tình thế khó khăn,” khi đề cập đến áp lực mà các quan chức của Fed sẽ phải đối mặt để tăng lãi suất nếu lạm phát không giảm và vẫn tăng cao trong thời gian dài hơn.
Các nhà đầu tư đã theo dõi sát sao cuộc họp kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang, kết thúc vào ngày 16/06, sau đó các quan chức đưa ra một tuyên bố chính sách. Chính sách này sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm ra manh mối về thời điểm Fed có thể bắt đầu rút lại một số chính sách nới lỏng tiền tệ. Là một phần của các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế trong khủng hoảng, Fed đã giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 và đã thực hiện việc mua khoảng 120 tỷ USD tài sản hàng tháng.
Cho đến nay, các quan chức Fed, do Chủ tịch Jerome PowelL đứng đầu, đã nói rằng áp lực lạm phát gia tăng chỉ là tạm thời và các chính sách cực kỳ nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì trong một thời gian.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng lạm phát hiện đã thay thế tỷ lệ thất nghiệp cao và áp lực giảm phát trở thành rủi ro chính đối với nền kinh tế, đồng thời thúc giục ngân hàng trung ương bắt đầu báo hiệu một sự thay đổi chính sách có thể theo hướng giảm mua tài sản và tăng lãi suất.
Do Tom Ozimek thực hiện
Với sự đóng góp của Emel Akan
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: