GDP quý 2 tăng thấp nhất trong hai thập niên: Nông nghiệp là cứu cánh, nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc dù chưa bền vững
Trong bối cảnh cả thế giới tăng trưởng kinh tế âm, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam dù không đến mức bị thu hẹp nhưng thấp nhất trong hai thập niên qua do sản xuất công nghiệp ảm đạm, xuất khẩu suy giảm… Bù lại, nông nghiệp là cứu cánh và nền kinh tế xuất hiện dấu hiệu khởi sắc dù chưa bền vững.
GDP quý 2/2020 tăng thấp nhất trong 2 thập niên
Quý 2/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng kỳ năm ngoái, GDP tăng 3,83%. Đây là tốc độ tăng trưởng GDP chậm nhất kể từ năm 2000 do nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch coronavirus và nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Tính cả 6 tháng, GDP đã tăng 1,81% so với cùng kỳ 2019. Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 ở mức 4,4%.
Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản mở rộng tỷ trọng trong cơ cấu GDP
Dù là quốc gia khống chế coronavirus Vũ Hán thành công nhất thế giới cho tới thời điểm này (không có lây nhiễm trong cộng đồng suốt hơn 2 tháng), nhưng tổng cầu thế giới yếu, xuất khẩu thấp, chuỗi cung ứng bị đình trệ trong khi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, độ mở nền kinh tế quá lớn (tổng kim ngạch XNK/GDP lên tới gần 200%) đã khiến tăng trưởng và ổn định kinh tế trong nước chịu tác động tiêu cực, chủ yếu là ngành sản xuất công nghiệp (phục vụ xuất khẩu) và du lịch, dịch vụ. Bù lại, bất chấp các điều kiện bất lợi về thời tiết, bệnh dịch với gia súc gia cầm, xuất khẩu thủy sản khó khăn, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng Năm, đây là nguyên nhân giúp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu GDP.
Cơ cấu đóng góp vào GDP có sự chuyển dịch nhẹ trong hai kỳ gần đây, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng bị thu hẹp. 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).
Dấu hiệu phục hồi sản xuất và xuất khẩu bắt đầu từ tháng 5/2020
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đều tăng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, so sánh tốc độ tăng trưởng theo tháng đã có dấu hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và sản xuất công nghiệp kể từ tháng 5/2020, duy trì tốc độ tăng khá trong tháng 6/2020.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Trong quý 2/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,98 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,3% so với quý 1 năm nay;
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020. Tuy nhiên do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng 11,9% so với tháng trước; IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước.