GDP Hoa Kỳ giảm kỷ lục, trợ cấp thất nghiệp tăng
Kinh tế Hoa Kỳ đang trải qua giai đoạn suy giảm lịch sử vào quý II năm nay, số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy GDP lao dốc 32.9% (quy đổi theo năm) do đóng cửa các hoạt động kinh doanh trong đại dịch virus Trung Cộng.
Sự thu hẹp kinh tế chưa từng có được xem là một dự đoán “tiến bộ” được công bố bởi Văn phòng Phân tích Kinh tế Bộ Thương mại vào hôm 30/7, và sẽ được điều chỉnh vào lần tiếp theo vào ngày 27/8. Công bố hôm 30/7 cũng xác nhận rằng GDP quý I giảm 5%, không thay đổi so với dự báo ban đầu trước đó. Mức sụt giảm GDP lần này gấp ba lần đợt giảm kỷ lục mọi thời đại là 10% vào quý II năm 1958.
“Nền kinh tế đã chạm đáy vào quý II”, ông Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế và tài chính Đại học Loyola Marymount University ở Los Angeles cho biết. “Triển vọng không được thuận lợi. Người dân Hoa Kỳ đã không ứng xử tốt đối với giãn cách xã hội, tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở mức không thể chấp nhận được và điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế không thể vực lên được”.
Bộ Thương mại nêu trong một văn bản rằng đổ vỡ kinh tế là do việc phong tỏa diễn ra trong đại dịch virus Trung Cộng, sự việc có phần ảm đạm hơn do số liệu dường như vẫn chưa phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của việc ứng phó đối với đại dịch.
“Mức giảm của GDP vào quý II đã thể hiện sự ứng phó đối với COVID-19, như yêu cầu “ở yên tại nhà” công bố vào tháng 3 và tháng 4, và hiện đã được dỡ bỏ một phần tại một số khu vực trong toàn quốc vào tháng 5 và tháng 6; hay các khoản hỗ trợ của chính phủ đối với các gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch”, Bộ Thương mại cho biết và nói thêm rằng, “Điều này đã dẫn đến sự dịch chuyển nhanh chóng các hoạt động, doanh nghiệp và trường học tiếp tục làm việc từ xa, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp đã chấm dứt, hạn chế hoặc định hướng lại chi tiêu của mình”.
Sụt giảm GDP đã phản ánh sự suy giảm tiêu dùng cá nhân (PCE), xuất cảng, đầu tư tồn kho, đầu tư cố định của người cư trú và không cư trú, chi tiêu của địa phương và của nhà nước.
Bức tranh kinh tế thêm phần ảm đạm, khi báo cáo người thất nghiệp cũng được công bố vào hôm 30/7. Số lượng hồ sơ thất nghiệp hàng tuần lần đầu tiên tăng hai tuần liên tiếp sau khi giảm mạnh từ mức đỉnh điểm gần 7 triệu vào tháng Ba. Vào tuần kết thúc ngày 25/7, số người Mỹ nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp là 1,434,000, tăng 12,000 từ tuần trước đó theo số liệu của Bộ Lao động.
Số lượng hồ sơ trợ cấp thất nghiệp càng cho thấy dấu hiệu phục hồi kinh tế chậm lại, đặc biệt ở các bang phía nam và phía tây, nơi đã chứng kiến số ca nhiễm virus Trung Cộng tăng mạnh.
Ngày 29/7, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã thừa nhận rằng sự tăng vọt các ca nhiễm bệnh dường như làm ngưng đà phục hồi kinh tế, trong khi các cam kết hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phải thực hiện chừng nào còn cần thiết, bảo đảm sẽ tiếp tục bơm vào hệ thống tài chính nguồn vốn giá rẻ và tiếp sức cho ba chỉ số chính của Phố Wall vào cuối phiên hôm qua.
Vào ngày 30/7, các chỉ số chính của Phố Wall đã mở cửa ở mức thấp hơn sau khi các dữ liệu xác nhận kinh tế quý II đã thu hẹp mạnh nhất kể từ thời kỳ Đại Khủng hoảng, cùng với số lượng người thất nghiệp và số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại.
Sự lao dốc của GDP và sự hồi phục yếu ớt này có thể gây áp lực lên Tòa Bạch Ốc và Quốc hội đã chấp thuận gói hỗ trợ thứ hai. Các chuyên gia kinh tế đồng tình rằng nếu không có gói tài chính lịch sử gần 3,000 tỷ USD, nền kinh tế có thể còn giảm sâu hơn.
Tác giả: Tom Ozimek