GDP của Trung Quốc ấn tượng nhưng lại cũng giả dối
Mặc dù Trung Quốc có vẻ đã có nửa đầu năm 2021 ấn tượng, nhưng, như chúng ta đều biết, những vẻ bề ngoài đó là vô cùng lừa mị. Rốt cuộc, nếu nền kinh tế của đất nước này là ấn tượng như chúng ta đã được thuyết phục để tin là như vậy, thì tại sao nó lại gây thất vọng cho hàng trăm triệu công dân của họ?
Nếu tôi hỏi quý vị cách tốt nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, quý vị sẽ đề nghị cách nào?
Các nhà kinh tế nổi tiếng, có uy tín cao hướng đến GDP, hay tổng sản phẩm quốc nội, như một công cụ hiệu quả để đánh giá sức khoẻ tài chính của một quốc gia. Như quý vị chắc chắn đã biết, GDP cho biết giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định. Để xác định xem nền kinh tế của một quốc gia đang tăng trưởng hay đang suy thoái, các nhà kinh tế học dựa vào GDP. Chúng ta được biết rằng GDP càng mạnh thì quốc gia càng mạnh. Thoạt nhìn, đó là một tin tốt cho Trung Quốc. Tuy nhiên, [nếu chỉ] với những cái nhìn thoảng qua, chúng ta thường bỏ lỡ bức tranh lớn hơn.
Vào tháng Bảy, Cục Thống kê Quốc gia đã công bố mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc. GDP của quốc gia này đã tăng gần 8% trong quý 2 năm nay, so với cùng kỳ năm 2020. Do cơ quan này bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ, nên những kết quả như vậy luôn cần được cần được xem xét với sự hoài nghi lớn. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng trong giây lát rằng GDP của Trung Quốc đã tăng 8%. Con số này cho chúng ta biết gì về đất nước này?
Thực ra là rất ít. Trên thực tế, GDP là một công cụ rất kém để đo lường sức khỏe của một quốc gia. Điều đó tương đương với việc sử dụng nhiệt kế để kiểm tra chấn động. Như TNS Robert Kennedy đã có câu nói nổi tiếng, GDP “đo lường mọi thứ ngoại trừ những thứ làm cho cuộc sống trở nên đáng giá.”
Các vấn đề khi sử dụng GDP để đo lường “sức khỏe” của một quốc gia là rất nhiều cũng như rất hiển nhiên. Đầu tiên và quan trọng nhất, chỉ số này hoàn toàn không cho chúng ta biết gì về quốc gia đông dân này. Thứ hai, nó làm chúng ta sao lãng thực tế là có một số tác nhân gây tranh cãi có góp phần vào GDP của một quốc gia. Thứ ba, khi những tác nhân này giúp GDP của một quốc gia tăng trưởng, rất nhiều trong số chúng thu lợi từ sự đau khổ của chúng ta. Lấy ví dụ như ngành công nghiệp dược phẩm, lĩnh vực này đúng theo nghĩa đen là thu được lợi nhuận từ sự đau khổ của chúng ta.
Năm 2017, ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu đã đóng góp hơn 532 tỷ USD vào GDP của thế giới—con số này gần như tương đương với GDP của Bỉ. Mặc dù ngành công nghiệp dược phẩm cung cấp một dịch vụ quan trọng, nhưng nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiện thuốc theo toa đang tàn phá các cộng đồng trên toàn thế giới. Trong khi đó, các đại công ty công nghệ có đóng góp đáng kể vào GDP toàn cầu. Tuy nhiên, những công ty này, như tôi đã thảo luận trước đây, có xu hướng gây ảnh hưởng bất chính đối với xã hội. Ví dụ, Facebook đã được chứng minh là khiến mọi người lo lắng hơn và trầm cảm hơn. Hơn nữa, với tổng vốn hóa thị trường là 7.5 ngàn tỷ USD, 5 ông lớn (Facebook, Amazon, Apple, Microsoft, Alphabet) đang ngày càng gia tăng quyền lực. Khi các công ty này phát triển lên, các tai ương của xã hội cũng song hành tăng lên.
Điều này đưa chúng ta trở lại với GDP của Trung Quốc. Để có một bức tranh rõ ràng hơn về Trung Quốc, một Trung Quốc thực sự, ta phải tập trung vào GDP bình quân đầu người, hay thu nhập bình quân đầu người. Theo Ngân hàng Thế giới, con số đó là 10,500 USD, đặt quốc gia này ở đâu đó giữa Grenada và Nauru, một quốc đảo nhỏ bé ở Micronesia.
Khi chúng ta nghĩ về Trung Quốc, tâm trí của chúng ta thường hướng về ngoại giao “sói chiến” và sức mạnh công nghệ. Trên thực tế, những luận điệu gay gắt và sự lên gân này là một nỗ lực để đánh lạc hướng chúng ta khỏi thực tế của tình hình mà Trung Cộng đang đối mặt. Nếu Trung Quốc thực sự muốn vượt qua Hoa Kỳ, họ còn nhiều việc phải làm.
Như nhà sử học người Mỹ gốc Scotland Niall Ferguson gần đây đã lưu ý, GDP của Trung Quốc, được điều chỉnh trên cơ sở “sức mua tương đương”, cho chúng ta biết “một bữa ăn ở Trùng Khánh rẻ hơn một chút so với bữa ăn ở Chicago.” Theo tác giả, trên cơ sở đồng dollar hiện tại, “GDP của Trung Quốc năm ngoái vẫn chỉ bằng 72% GDP của Hoa Kỳ, ngay cả khi bao gồm cả Hồng Kông.” Hơn nữa, tăng trưởng của Trung Quốc dường như được xây dựng trên một nền tảng bị lỗi. Ông Ferguson cảnh báo rằng quốc gia này “đã được thúc đẩy trong nhiều năm nhờ việc xây dựng nguồn cung nhà ở dư thừa,” và lượng nhà ở này “được tài trợ bởi một núi nợ không bền vững.”
Trong 5 năm qua, như ông Michael Pettis, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, đã lưu ý, “tỷ lệ nợ trên GDP chính thức của Trung Quốc đã tăng gần 45 điểm phần trăm.” So với các nước đang phát triển khác, đây là một trong những tỷ lệ nợ cao nhất trên thế giới. Ông Pettis viết, đó cũng là một trong những tỷ lệ cao nhất “đối với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào trong lịch sử.”
Ở Tại Bắc Kinh, trái ngược với những quan niệm thông thường, rất khó tìm thấy được các thành viên duy lý; trên thực tế, không còn tồn tại những người duy lý (homo economicus) từ nhiều năm trước. Ngay cả nếu GDP thực sự là một chỉ báo tốt về tình trạng kinh tế—dù không phải vậy—thì Trung Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn. Để xát thêm muối vào vô số vết thương ngổn ngang của Bắc Kinh, Goldman Sachs gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc; ngân hàng đầu tư đa quốc gia này cho rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội sẽ bằng 0 trong quý 3 năm nay. Như chúng ta có thể thấy, con số GDP xuất sắc mà Trung Cộng bám víu vào một cách tuyệt vọng đang tan rã với tốc độ chóng mặt. Một lần nữa, sự sụt giảm của GDP có thực sự quan trọng không? Diễn giải ý của nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz, GDP không thể “đo lường tình hình y tế, giáo dục, bình đẳng cơ hội, tình trạng môi trường hoặc nhiều chỉ số khác về chất lượng cuộc sống.”
Trung Quốc thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ, nhưng sự thật lại cho thấy một câu chuyện rất khác. Dù có hay không có một GDP mạnh, Trung Quốc vẫn là một quốc gia có vô số vấn đề và không có biện pháp khắc phục rõ ràng. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn, hãy dự đoán rằng những vấn đề này sẽ trở nên sâu sắc hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: