Gazpromtrans của Nga ngừng nhận đơn đặt hàng vận chuyển LPG đến Ukraine
Công ty cam kết nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn khi các lệnh trừng phạt được đưa ra
Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang, công ty vận tải dầu khí đường sắt Gazpromtrans, một công ty con của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom, cho biết họ đã đình chỉ nhận đơn đặt hàng vận chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đến Ukraine từ ngày 18/02 trở đi do căng thẳng chính trị gia tăng giữa hai nước.
Gazpromtrans đã thông báo với khách hàng của mình hãy xem xét các công ty khác cho nguồn cung cấp của họ, nhưng họ vẫn sẽ hoàn thành các đơn đặt hàng hiện có và tiếp tục bồi thường đầy đủ cho khách hàng nếu có bất kỳ thiệt hại nào đối với tài sản của họ trong quá trình giao hàng theo yêu cầu.
Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 21/02 rằng chính phủ của ông đã chính thức công nhận nền độc lập của các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát kể từ năm 2014, sau nhiều tuần tăng cường quân đội căng thẳng trong khu vực của NATO và các lực lượng Nga.
Tuyên bố của ông Putin đã thúc đẩy việc bán tháo tài sản của Nga và đẩy giá dầu toàn cầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014.
Ông Putin đã nhanh chóng khai triển quân đội ở hai khu vực sau tuyên bố trên, đồng thời phủ nhận hành động của mình là một cuộc xâm lược, khiến Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiềm năng.
Trong một cuộc bỏ phiếu hôm 22/02, Hạ viện Nga (Duma) đã thông qua các hiệp ước “về tình hữu nghị, hợp tác, và tương trợ” giữa hai nước cộng hòa ly khai và Nga, đồng thời cho phép ông Putin sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài đất nước.
Năm ngoái (2021), công ty vận tải dầu này của Nga đã vận chuyển 64,000 tấn LPG đến Ukraine, chiếm 10.7% tổng nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga cho quốc gia này.
Ông Putin nói rằng Nga sẽ tiếp tục nguồn cung khí đốt tự nhiên không bị gián đoạn cho các thị trường thế giới, sau khi Đức đình chỉ chứng nhận cho đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2 kết nối Nga với Đức vì Moscow khai triển quân đội tới hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Ông Putin nói: “Nga đặt mục tiêu tiếp tục nguồn cung [khí đốt] không gián đoạn cho thị trường thế giới, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cải thiện cơ sở hạ tầng liên quan và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khí đốt.”
Trước những hành động gần đây của Điện Kremlin, Tổng thống Joe Biden đã công bố tại Tòa Bách Ốc vào chiều ngày 22/02 rằng Hoa Kỳ sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với giới tinh hoa và hai ngân hàng Nga.
“Đây là sự khởi đầu của một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine … vì vậy tôi sẽ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả,” ông Biden nói trong một tuyên bố dài 10 phút.
“Như tôi đã nói tuần trước, việc bảo vệ tự do cũng sẽ khiến chúng ta phải trả giá và ở ngay đây trên sân nhà. Chúng ta cần phải trung thực về điều đó,” ông cho biết thêm.
“Khi mọi sự đã xong, chúng ta sẽ đánh giá Nga bằng hành động của họ, chứ không phải bằng lời nói của họ.”
“Bất cứ điều gì Nga làm tiếp theo, chúng ta sẵn sàng đáp trả bằng sự thống nhất, rõ ràng và tin tưởng … Tôi hy vọng rằng giải pháp ngoại giao vẫn khả thi,” ông Biden nói.
Ông Biden đến muộn một giờ trong cuộc họp báo lúc 1 giờ chiều tại Tòa Bạch Ốc và rời đi mà không trả lời câu hỏi.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Âu Châu đình chỉ đường ống dẫn khí đốt “ngay lập tức” sau khi Điện Kremlin công nhận phe ly khai.
Liên minh Âu Châu đã đồng ý với các biện pháp trừng phạt mới gồm bốn phần mà sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nhà lập pháp, và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu của nhà nước Nga, và nhắm vào hoạt động xuất nhập cảng đối với các nước cộng hòa ly khai.
Đức, quốc gia tiêu thụ khí đốt hàng đầu của Nga, đã nhanh chóng đình chỉ việc cấp giấy chứng nhận cho đường ống Nord Stream 2, sau khi Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra quyết định đồng thời cùng EU và các quốc gia đồng minh.
Đức cho đến gần đây vẫn rất ủng hộ dự án đường ống này, bất chấp sự phản đối an ninh từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, Âu Châu cần khoảng 46% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga, và Nord Stream 2 lẽ ra đã có thể cung cấp phần lớn lượng khí đốt cần thiết.
Trong một cuộc phỏng vấn với Energy Intelligence, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết các nhà đầu tư Âu Châu của Nord Stream 2 có thể bị đưa ra tòa nếu các lệnh trừng phạt của EU được áp lên dự án 11 tỷ USD này.
Bộ trưởng năng lượng Nga đã chế giễu quyết định của EU khi nói rằng Âu Châu sẽ không thể thay thế khối lượng lớn khí đốt của Nga bằng LPG từ nơi khác ngay lập tức mà không gây ra tình trạng thiếu hụt.
Đường ống dẫn khí đốt Yamal, vốn vận chuyển dòng khí đốt của Nga theo hướng tây sang Đức qua Ba Lan, đã được chuyển sang hướng đông, đưa khí đốt trở lại Ba Lan.
“Chào mừng quý vị đến với thế giới mới, nơi người Âu Châu sẽ sớm phải trả 2,000 euro cho mỗi 1,000 mét khối khí đốt!” Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 22/02.
Giá khí đốt giao ngay trên thị trường Âu Châu đã tăng 10% lên 78.55 euro mỗi megawatt giờ (MWh) sau sự leo thang gần đây trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại là 186.25 euro mỗi MWh vào ngày 21/12/2021.
Hầu hết khí dầu mỏ hóa lỏng từ Gazprom đến Ukraine được thực hiện thông qua các hợp đồng giao hàng ngay, hiện đang ở mức thấp do các yếu tố mùa vụ mùa đông, nhưng theo các nhà phân tích, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài đến tháng Ba hoặc tháng Tư, thị trường Ukraine có thể bị thiếu hụt nguồn cung cấp LPG.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Việt Phương và Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: