Gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng giấc mơ Mỹ đã chết
Một báo cáo mới cho thấy những người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng lạm phát là trở ngại lớn nhất để đạt được sự bảo đảm về tài chính khi nghỉ hưu, trong khi 44% số người cho rằng An sinh Xã hội sẽ không có ở đó khi họ cần và chỉ 55% số người nói rằng Giấc mơ Mỹ “vẫn còn tồn tại và tốt đẹp.”
Đây là những điều nằm trong số các phát hiện quan trọng từ Nghiên cứu về Tiến độ và Lập kế hoạch năm 2022, một nghiên cứu hàng năm được công bố hôm 18/05 bởi Northwestern Mutual. Bản báo cáo này xem xét thái độ và hành vi của người Mỹ đối với tiền tệ và việc ra quyết định tài chính, đồng thời khám phá các vấn đề rộng hơn xung quanh an ninh tài chính dài hạn, bao gồm cả tác động của đại dịch và giá cả tăng vọt.
Nghiên cứu này cho thấy người Mỹ có mức độ tin tưởng bản thân cao, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về các yếu tố bên ngoài như tình trạng của nền kinh tế hay lạm phát.
Trong khi 72% số người cho biết họ đã có hoặc mong đợi sẽ có một sự nghiệp thành công, còn 66% số người cho biết họ đã đạt được hoặc dự kiến đạt được sự an toàn tài chính lâu dài, chỉ 55% số người tin rằng “Giấc mơ Mỹ vẫn còn tồn tại và tốt đẹp.”
Chỉ 56% số người cho rằng An sinh Xã hội sẽ có mặt khi họ cần, 57% số người nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang có các dấu hiệu suy yếu, trong khi chỉ 35% số người tin rằng lạm phát sẽ giảm vào năm 2022.
Ba trở ngại lớn nhất để đạt được an toàn tài chính khi nghỉ hưu là lạm phát (41%), nền kinh tế (39%), và thiếu tiết kiệm (29%).
‘Câu chuyện thích nghi’
Hơn 60% người Mỹ trưởng thành cho biết đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn đến cách họ quản lý tài chính của mình, nghiên cứu cho thấy. Trong khi gần một nửa số người được hỏi cho biết họ đã có thể thích nghi với sự gián đoạn này, 13% số người cho biết họ không thể.
Ông Christian Mitchell, phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc khách hàng tại Northwestern Mutual, cho biết trong một tuyên bố rằng: “COVID-19 không thể nào đã rời xa chúng ta, nhưng những phát hiện này cho thấy một số lượng lớn người đã rẽ ngang.”
Gọi đó là “câu chuyện thích nghi,” ông Mitchell cho biết một trong những phản ứng đối với đại dịch là sự thôi thúc phải tiết kiệm, với 60% người Mỹ trưởng thành nói rằng họ đã cố gắng tích lũy tiền tiết kiệm của mình trong hai năm qua.
Ông nói: “Nhưng diễn tiến sự việc không phải lúc nào cũng đi theo một đường thẳng — so với năm ngoái thì đã có một chút dao động trong hành vi của mọi người,” và lưu ý rằng số tiền tiết kiệm cá nhân trung bình đã giảm 15% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022.
Ông Mitchell giải thích: “Có thể có một vài yếu tố góp phần vào sự sụt giảm tiền tiết kiệm so với năm ngoái từ việc lạm phát tăng đột biến đến việc mọi người chi tiêu nhiều hơn khi họ khôi phục lại đáng kể cảm giác bình thường trong cuộc sống của mình.”
Hoa Kỳ đang phải chống chọi với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm, cùng với sự tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp và tâm lý người tiêu dùng.
Tuần trước, một loạt các nhà bán lẻ lớn đã bỏ qua các kỳ vọng của Phố Wall với tỷ suất lợi nhuận cao, trong khi đại đa số trong số gần 150 nhà bán lẻ Hoa Kỳ đã báo cáo thu nhập quý đầu tiên tính cho đến nay đã xác định rõ ràng lạm phát là một vấn đề mà họ đang phải vật lộn.
Niềm tin của người tiêu dùng, thứ đóng vai trò là thước đo xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng, trong tháng Năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu mới nhất từ cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan.
Cô Joanne Hsu, giám đốc khảo sát, cho biết lạm phát luôn đứng đầu trong suy nghĩ của người tiêu dùng, vì những người được hỏi đề cập đến nó trong suốt cuộc khảo sát.
Cô Hsu nói, “Đánh giá của người tiêu dùng về tình hình tài chính hiện tại của họ so với một năm trước là ở mức thấp nhất kể từ năm 2013, với 36% người tiêu dùng cho rằng đánh giá tiêu cực của họ là do lạm phát. Điều kiện mua đối với hàng xài lâu bền đạt mức thấp nhất kể từ khi câu hỏi này bắt đầu xuất hiện trong các cuộc khảo sát hàng tháng vào năm 1978, một lần nữa chủ yếu là do giá cao.”
Sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cùng với các chỉ số khác, đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tiến tới suy thoái, khi Cục Dự trữ Liên bang bắt tay vào một lộ trình tăng lãi suất vốn sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính.
Suy thoái ‘không phải là không thể tránh được’
Cuộc thảo luận về suy thoái đã trở nên phổ biến hơn trong giới phân tích, với ngày càng nhiều chuyên gia và giám đốc điều hành báo hiệu khả năng suy thoái.
Ông Charlie Scharf, người đứng đầu Wells Fargo, cho biết “không còn nghi ngờ nữa” rằng nền kinh tế sẽ suy thoái trong tương lai gần, trong khi cựu Giám đốc Điều hành Goldman Sachs Lloyd Blankfein đã mô tả nguy cơ suy thoái “rất, rất cao.”
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong hai năm tới là thấp. Nhưng nhóm cổ phiếu của ngân hàng đầu tư này tuy vậy đã phát hành một sổ tay hướng dẫn về suy thoái cho khách hàng của mình để giúp họ chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Hoa Kỳ David Kostin đã viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm 19/05 rằng: “Một cuộc suy thoái không phải là không thể tránh được, nhưng khách hàng liên tục hỏi điều gì sẽ xảy ra với cổ phiếu trong trường hợp suy thoái. Các nhà kinh tế của chúng tôi ước tính xác suất 35% rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đi vào suy thoái trong hai năm tới và tin rằng đường cong lợi suất đang định giá một khả năng thu hẹp tương tự.”
Ông Kostin nói rằng sự hỗn loạn thị trường chứng khoán gần đây cho thấy các nhà giao dịch đang ngày càng định giá về khả năng đang lớn lên của một cuộc suy thoái, đồng thời nói thêm rằng điều này không phản ánh “sức mạnh của dữ liệu kinh tế gần đây.”
Trình bày tại một ngày hội nhà đầu tư hôm 23/05, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, đã đánh giá những khó khăn mà nền kinh tế Hoa Kỳ đang phải đối mặt.
Ông Dimon đã mô tả một “nền kinh tế mạnh” với “những đám mây giông tố lớn,” cho thấy sự bất ổn kinh tế lớn hơn trong tương lai gần.
Ông Dimon nói với các nhà đầu tư: “Tôi sẽ gọi đó là đám mây giông tố bởi vì chúng là những đám mây giông tố. Chúng có thể tiêu tan.”
Đầu tháng này, ông Dimon đã đánh giá tác động có thể xảy ra của quy trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, nói rằng có một “cơ hội 1/3” rằng Fed có thể đạt được một cú “hạ cánh mềm,” nghĩa là giữ cho chính sách tiền tệ đủ lỏng để tránh suy thoái.
Đồng thời, ông Dimon cho là xác suất bằng nhau cho hai kết quả kém thuận lợi hơn, nói rằng có 1/3 khả năng xảy ra “suy thoái nhẹ” và cũng có “một khả năng là nó sẽ khó hơn nhiều.”
Trong một báo cáo mới, các nhà kinh tế hàng đầu cho biết thế giới đang đối mặt với sự kết hợp phức tạp của nhiều thách thức, bao gồm cả lạm phát cao và tình trạng mất an ninh lương thực lớn hơn có thể dẫn đến bất ổn xã hội ở các nước đang phát triển.
Theo báo cáo Quan điểm các Nhà kinh tế Trưởng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, lạm phát dự kiến sẽ vẫn ở mức cao cho đến hết năm 2022, gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ gia tăng do sự bản địa hóa và chính trị hóa, và thế giới trên đà hướng đến cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Moran và Nicholas Dolinger
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: