Gallup: Lo ngại về lạm phát là hàng đầu trong các vấn đề kinh tế đối với người Mỹ
Theo một cuộc thăm dò mới của Gallup được công bố hôm 29/03, người Mỹ đang ngày càng lo ngại về lạm phát gia tăng, hiện đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm.
Cuộc khảo sát cho thấy 17% số người được hỏi trong tháng Ba cho rằng lạm phát là vấn đề kinh tế hàng đầu của họ, tăng từ 10% trong tháng Hai và 8% trong tháng Một.
Lạm phát là vấn đề nan giải đối với người Mỹ trong suốt năm 2020 và đã dao động ở mức 2% trong suốt năm 2021 cho đến tháng Mười năm này, khi 5% coi đó là lo ngại hàng đầu của họ.
Trong số những người được hỏi, 59% cho biết hiện họ lo lắng “rất nhiều” về mức chi phí sinh hoạt, ở mức chưa từng thấy kể từ năm 1985.
Gallup báo cáo, “Lạm phát không chi phối nhận thức của người Mỹ về vấn đề quan trọng nhất mà quốc gia phải đối mặt ngày nay như vào đầu những năm 1980, nhưng lạm phát được quan tâm nhiều hơn so với hơn 3 thập kỷ qua và dường như đang gây ra nhiều thiệt hại đối với sự tự tin rộng hơn về kinh tế của người Mỹ.”
Trong khi đó, chỉ có 4% coi giá xăng là mối quan tâm hàng đầu của họ, tăng từ 1% vào năm 2021, trong khi virus Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc), thường được gọi là coronavirus mới, nằm ở cuối danh sách.
Mối lo ngại về giá xăng thấp hơn rất nhiều so với mức cao nhất trong lịch sử là 25% kể từ tháng 06/2008.
Trong số những người được thăm dò ý kiến, 58% nói rằng họ rất lo lắng về nền kinh tế chung.
Gallup nói, “Cùng với nhau, những vấn đề này chiếm hơn một nửa các vấn đề kinh tế mà 35% người Mỹ coi là vấn đề hàng đầu của quốc gia. Trong nhóm đó, 11% xác định nền kinh tế nói chung là vấn đề chính.”
Về những vấn đề quan trọng hơn mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt hiện nay, sự khác biệt về ý kiến ngày càng mở rộng tùy thuộc vào các nhóm chính trị hơn là các nhóm nhân khẩu học khác.
Theo cuộc thăm dò, 79% những người được hỏi thuộc Đảng Cộng Hòa cho biết họ lo lắng về lạm phát so với chỉ 35% của Đảng Dân Chủ, trong khi 63% những người độc lập về chính trị lo ngại về lạm phát, gần hơn với số lượng của Đảng Cộng Hòa.
Người Mỹ ít bị chia rẽ hơn về vấn đề này theo thu nhập, với 63% những người kiếm được ít hơn 40,000 USD lo ngại về lạm phát, trong khi 58% những người kiếm được trên 100,000 USD cũng cảm thấy như vậy.
Trong khi đó, chỉ có 32% nói rằng họ lo lắng về tình trạng thất nghiệp.
Cuộc khảo sát cũng đo lường mối quan tâm của công chúng về 14 vấn đề nội địa phi kinh tế khác nhau, bằng cách trực tiếp yêu cầu người trả lời liệt kê từng chủ đề mà họ lo lắng nhất.
Chính sách của chính phủ và sự lãnh đạo kém là một trong những vấn đề phi kinh tế hàng đầu đối với những người trả lời khảo sát, ở mức 22%, với 68% coi ít nhất một vấn đề phi kinh tế là vấn đề chính.
Việc xử lý xung đột Nga-Ukraine của chính phủ của ông Biden có mức lo ngại là 9%.
Chỉ 3% vẫn đề cập đến virus Trung Cộng là vấn đề hàng đầu của quốc gia, giảm mạnh từ 13% vào tháng Hai và 20% trong tháng Một, tỷ lệ phần trăm thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Trước đó, tỷ lệ này đã giảm xuống 8% vào tháng Sáu năm 2021, nhưng đã tăng trở lại sau sự xuất hiện của các biến thể Delta và Omicron.
Tỷ lệ cao nhất của những người lo ngại về virus là 45% vào tháng Tư năm 2020, giai đoạn đầu của đại dịch.
Đa số những người được khảo sát liệt kê tội phạm gia tăng (53%) và vô gia cư (52%) là những vấn đề quan trọng, trong khi chỉ dưới một nửa cho biết họ lo lắng về việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe (49%), chi tiêu liên bang (48%), năng lượng sẵn có và khả năng chi trả (47%).
Những người khác cho biết họ lo lắng về các vấn đề như môi trường (44%), An sinh xã hội (40%), sử dụng ma túy (38%) và khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố chống lại Hoa Kỳ (38%).
Mối quan hệ chủng tộc và nhập cư chỉ thu hút được 5% số người được hỏi coi đó là mối quan tâm hàng đầu trong nước của họ, nhưng 41% đề cập đến chúng như những vấn đề quan trọng.
Người Mỹ nói rằng họ bi quan hơn về tương lai kinh tế vào tháng Ba năm 2022, với 75% số người được hỏi nói rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn, tăng từ 70% vào tháng Hai và 67% vào tháng Một.
Triển vọng trung bình về nền kinh tế là ảm đạm nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch vào tháng Tư năm 2020.
Theo Gallup, chỉ có 22% người được hỏi coi điều kiện kinh tế là “tuyệt vời” hoặc “tốt”, trong khi 35% cho rằng điều kiện kinh tế “chỉ vừa phải” và 44% cho rằng “tồi tệ.”
Chỉ số Niềm tin Kinh tế Gallup đăng ký ở mức âm 39 vào tháng Hai năm 2022, mức điểm thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ hôm 01 đến 18/03 với 1,017 người lớn ở Mỹ; mức sai số được cộng hoặc trừ 4%.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: