G7 lo ngại về nhân quyền và ‘các chính sách kinh tế o ép’ của Trung Quốc
Hôm 12/12, Ngoại trưởng Nhóm Bảy (G7) bày tỏ lo ngại về “các chính sách kinh tế o ép” của Trung Quốc và những thách thức mà chế độ Trung Quốc đặt ra ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như các vi phạm nhân quyền liên quan đến Bắc Kinh, trong cuộc họp đầu tiên của họ với các quốc gia ASEAN.
Ngoại trưởng Anh Quốc Liz Truss, người chủ trì nhóm họp (G7) này, cho biết các cuộc thảo luận về Trung Quốc với “một loạt các vấn đề và thách thức”, bao gồm các vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, nơi Trung Quốc bị cáo buộc đàn áp tự do dân chủ, và Tân Cương, nơi bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Trong một tuyên bố, bà Truss cho biết các bộ trưởng cũng nói về “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan” và các vấn đề ở Biển Đông, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến “việc khai hoang, các hoạt động, sự cố nghiêm trọng trong khu vực,” vốn có thể phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực này.
Nhóm G7, bao gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, và các đối tác ASEAN của họ, tái khẳng định “mối quan tâm chung trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đồng thời khuyến khích “tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải,” bà Truss cho hay.
Bộ trưởng các nước trong nhóm này cũng kêu gọi Bắc Hàn kiềm chế “các hành động khiêu khích” và tham gia vào một quá trình ngoại giao để có được “sự từ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược” đối với tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và hỏa tiễn đạn đạo bất hợp pháp của họ.
Bà Truss nói rằng, “Chúng tôi kêu gọi CHDCND Triều Tiên [Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên] tôn trọng nhân quyền cho tất cả mọi người và giải quyết vấn đề bắt cóc ngay lập tức.”
Mặc dù các bộ trưởng G7 hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna về khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng họ kêu gọi Iran ngừng leo thang vũ khí hạt nhân và nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ để tiến đến ký kết một thỏa thuận.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Australia, bà Marise Payne, đã đồng ý thúc đẩy “liên hệ đối tác chiến lược đặc biệt” của các nước lên “cấp độ cao hơn” để đạt được mục tiêu “Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở,” theo bộ ngoại giao Nhật Bản.
Bộ trưởng hai nước này đã gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển G7, nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, bao gồm cả việc sử dụng khuôn khổ của Nhật Bản, Úc, và Hoa Kỳ.
Úc và Hoa Kỳ cũng đã tái khẳng định nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và hướng tới mục tiêu làm sâu sắc thêm liên hệ đồng minh của họ trong bối cảnh lo ngại về những tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực này.
Riêng hôm 11/12, Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ cùng tài trợ cho một tuyến cáp ngầm dưới biển để cải thiện kết nối mạng Internet tới ba quốc gia Thái Bình Dương — Liên bang Micronesia, Kiribati, và Nauru.
“Tuyến cáp ngầm dưới biển được đề nghị sẽ cung cấp thông tin liên lạc nhanh hơn, chất lượng cao hơn, cũng như an toàn và đáng tin cậy hơn cho khoảng 100,000 người ở cả ba quốc gia,” theo một thông cáo truyền thông chung giữa sáu quốc gia.
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: