G-7 khiển trách Trung Cộng về nhân quyền, yêu cầu điều tra về nguồn gốc COVID-19
Hôm 13/06, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 (nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển đứng đầu thế giới) đã chỉ trích Trung Cộng về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền này ở Tân Cương và Hồng Kông, tuyên bố sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, và yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Sau khi thảo luận cách để tiến tới một lập trường đồng nhất đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của những nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã đưa ra một thông cáo chung có tính phê phán cao xoáy sâu vào một loạt các mối lo ngại nhắm vào cung cách hành xử của chế độ cộng sản này ở trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi sẽ thúc đẩy các giá trị của mình, bao gồm cả bằng việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, đặc biệt là liên quan đến Tân Cương và những quyền, sự tự do và mức độ tự chủ cao cho Hồng Kông được ghi trong Tuyên bố chung Trung-Anh,” nhóm G-7 cho biết.
Sự phản kháng toàn cầu chống lại sự gây hấn của Bắc Kinh đã tăng lên gần đây và Tổng thống Joe Biden đã cam kết tập hợp các đồng minh để đối đầu với những hành vi lạm dụng kinh tế và đẩy lùi các vi phạm nhân quyền của Trung Cộng.
Trình bày sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Anh, ông Biden cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý với đề xướng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm chống lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. Dự án Vành đai và Con đường đã bị chỉ trích là một hình thức ngoại giao “bẫy nợ” gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển với mức nợ không bền vững, đồng thời củng cố ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh tại các quốc gia đó.
“Chúng tôi nghĩ rằng có một cách công bằng hơn để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia trên thế giới,” ông Biden nói.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng kêu gọi chế độ này tuân thủ các quy tắc toàn cầu.
“Trung Quốc cần bắt đầu cư xử có trách nhiệm hơn về các chuẩn mực quốc tế, vấn đề nhân quyền và sự minh bạch,” ông Biden cho biết.
Ông yêu cầu Bắc Kinh cung cấp quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm của họ để thế giới có thể điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, bao gồm cả khả năng đó là kết quả của “một thí nghiệm thất bại.”
“Thế giới cần có được quyền truy cập,” ông Biden nói.
Nhóm G-7 đã kêu gọi “một nghiên cứu về Nguồn gốc COVID-19 Giai đoạn 2 do WHO triệu tập mang tính kịp thời, minh bạch, được dẫn đầu bởi giới chuyên gia và dựa trên cơ sở khoa học, bao gồm cả, theo khuyến nghị trong báo cáo của các chuyên gia, tại Trung Quốc.”
Trước khi xuất hiện những chỉ trích trên, Trung Quốc đã thẳng thừng cảnh báo các nhà lãnh đạo G-7 rằng thời mà các nhóm nước “nhỏ” quyết định vận mệnh của thế giới đã qua lâu rồi.
G-7 cũng cho biết họ nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan, và khuyến khích giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển.”
“Chúng tôi vẫn lo ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng,” các lãnh đạo cho biết.
Thông cáo này tiếp tục nhấn mạnh mối lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng mặt trời và may mặc. Các ngành công nghiệp này là “những chuỗi cung ứng chính của mối lo ngại” ở khu vực Tân Cương vùng viễn tây Trung Quốc, một tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc lưu ý.
Nhà cầm quyền Trung Cộng đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong một mạng lưới trại giam rộng lớn tại khu vực này. Cư dân và những người bị giam giữ đã bị tra tấn, tuyên truyền chính trị, cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức lao động và giám sát hàng loạt dưới sự đàn áp sâu rộng của Bắc Kinh.
Nhiều thương hiệu thời trang phương Tây, các công ty công nghệ và các doanh nghiệp quốc tế khác đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chứng minh chuỗi cung ứng của họ không chứa lao động cưỡng bức từ Tân Cương.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tờ thông tin rằng, “Các nhà lãnh đạo đồng thuận về tầm quan trọng của việc duy trì nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế về lao động, đồng thời cam kết bảo vệ các cá nhân khỏi vấn nạn lao động cưỡng bức.”
Do Cathy He thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Hạo Văn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: