G-7, EU ‘lo ngại sâu sắc’ về sự suy yếu tính dân chủ trong cuộc bầu cử ở Hồng Kông
Nhóm Bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-7) và Liên minh Âu Châu (EU) đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc về sự xói mòn” của nền dân chủ trong hệ thống bầu cử của Hồng Kông, sau cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp địa phương hôm 19/12 chứng kiến các ứng cử viên thân Bắc Kinh đã giành chiến thắng.
“Chúng tôi kiên quyết nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc hành động phù hợp với Tuyên bố chung Trung-Anh và các nghĩa vụ pháp lý khác của nước này, đồng thời tôn trọng các quyền và tự do căn bản ở Hồng Kông, như được quy định trong Luật Căn bản,” các ngoại trưởng G-7 và Đại diện cao cấp của EU cho biết trong một tuyên bố chung hôm 20/12.
Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh Quốc, và Hoa Kỳ là các thành viên của G-7.
Họ cho hay, “Chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông khôi phục niềm tin vào các thể chế chính trị của Hồng Kông và chấm dứt sự áp bức không chính đáng đối với những người thúc đẩy các giá trị dân chủ và sự bảo vệ các quyền và tự do.”
Vài giờ trước tuyên bố của G-7 và EU, liên minh “Ngũ Nhãn” — Úc, Canada, New Zealand, Anh Quốc, và Hoa Kỳ — đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ mối lo ngại tương tự, cũng như “hiệu ứng gây sợ hãi rộng hơn” của luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông.
Cuộc bầu cử lập pháp hôm 19/12 đã chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục — chỉ 30.2% trong số 4.4 triệu cử tri đủ điều kiện của Hồng Kông tham gia. Hơn 50% đã tham gia vào hai cuộc bầu cử trước đó hồi năm 2012 và 2016.
Các ứng cử viên từ phe kiến chế, còn được gọi là phe ủng hộ Bắc Kinh, đã giành được 89 trong số 90 chỗ còn trống.
Cuộc bầu cử ngày 19/12 là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh sửa đổi quy trình bầu cử của thành phố này, tạo ra một cơ chế đánh giá mới để thẩm tra các ứng cử viên để chỉ những “người ái quốc” trung thành với chế độ Trung Quốc mới có thể tranh cử. Sự thay đổi này cũng mở rộng Hội đồng Lập pháp (LegCo) từ 70 ghế lên 90 ghế, ngay cả khi số ghế do công dân Hồng Kông bầu trực tiếp đã giảm từ 35 xuống 20 ghế.
Đây cũng là cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Đặc khu hành chính Hồng Kông (hay LegCo) đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh thực hiện một luật an ninh quốc gia vào mùa hè năm ngoái, sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ở thuộc địa cũ của Anh này.
Luật an ninh quốc gia, trừng phạt các tội được xác định chung chung như hoạt động lật đổ, đã được chính quyền Hồng Kông sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hồi tháng Hai, 47 nhân vật đối lập đã bị buộc tội theo luật này vì đã tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ để chọn các ứng cử viên ủng hộ dân chủ cho cuộc bầu cử vào ngày 19/12. Hơn 600,000 người Hồng Kông đã tham gia cuộc bầu cử sơ bộ đó.
Ban đầu các cuộc bầu cử được lên kế hoạch hôm 06/09/2020, nhưng đã bị đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga hoãn lại. Vào thời điểm đó, bà Lâm đã viện dẫn sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 cục bộ.
Trong một tuyên bố riêng, ông Josep Borrell, phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu và đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh, đã bày tỏ lo ngại của mình.
“Liên minh Âu Châu coi cuộc bầu cử này, kết hợp với áp lực đang diễn ra đối với xã hội dân sự, là một bước tiến khác trong việc loại bỏ nguyên tắc ‘Một Quốc gia, hai Hệ thống,’” ông Borrell nói. “EU sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến, bao gồm cả cuộc bầu cử Giám đốc Điều hành được ấn định vào tháng 03/2022.”
Trước những lời chỉ trích của quốc tế về cuộc bầu cử ở Hồng Kông, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), đã cáo buộc các nước phương Tây “can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc” trong một cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 21/12.
Chính quyền Hồng Kông cáo buộc các quốc gia Ngũ Nhãn đang cố gắng “bôi nhọ” cuộc bầu cử LegCo, và việc bảo vệ luật an ninh quốc gia là mang lại “sự ổn định” cho thành phố này, theo một tuyên bố.
Trong khi đó, anh Châu Mục Dân (Samuel Chu), chủ tịch đồng thời là người sáng lập nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ mang tên Campaign for Hong Kong (Chiến dịch vì Hồng Kông), hoan nghênh người dân Hồng Kông đã không tham gia cuộc bầu cử LegCo “không chân thật” hôm 19/12.
“Người Hồng Kông rõ ràng đã không tin cuộc bầu cử không chân thật ‘chỉ dành cho những người ái quốc’ hôm Chủ nhật – với phần lớn trong số họ ngồi ngoài và tẩy chay cuộc bầu cử LegCo gian lận vốn chẳng qua là một nghi thức lựa chọn mang tính biểu diễn do Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn,” anh Châu nói trong tuyên bố.
“Không một người Hồng Kông chân chính và có óc xét đoán nào, bất kể niềm tin chính trị của họ ra sao, có thể thành thật tuyên bố rằng Hồng Kông có thể hoạt động với bất kỳ quyền tự chủ nào từ ĐCSTQ.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: