Fredericksburg, tiểu bang Virginia: Thành phố lịch sử lâu đời nhất ở Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên George Washington vẫn sẽ nhận ra quê nhà cổ kính của mình.
Có rất ít thị trấn tự xưng là “lịch sử” trên khắp đất nước thực sự cung cấp được nhiều hoặc thậm chí là bất kỳ dấu ấn lịch sử quan trọng nào. Hầu hết chúng chỉ là những sự kiện lịch sử mang tính địa phương ít người biết đến, không có nhiều thứ thật sự đủ tiêu chuẩn được coi như là lịch sử của Hoa Kỳ.
Phần lớn là các sự kiện kỷ niệm hoặc nhân vật lịch sử mà bạn chưa bao giờ biết đến trong bất kỳ bài kiểm tra lịch sử thực tế nào.
Tuy nhiên, Fredericksburg bé nhỏ của tiểu bang Virginia thực sự là thành phố có bề dày lịch sử. Không cần phải tô vẽ gì thêm cho thị trấn này. Đây hoàn toàn là những điều chân thật. Khi nói đến lịch sử đất nước Hoa Kỳ, bạn sẽ không thể tìm thấy được bất cứ một thị trấn nhỏ nào có thể sánh được với Fredericksburg.
Rất nhiều địa phương nào đó có thể phô trương rằng “George Washington đã từng nghỉ lại nơi đây,” tuy nhiên, bạn sẽ tìm thấy một chiếc áo phông có bán tại thị trấn này được in thông điệp tóm tắt khá rõ ràng về điểm đặc sắc của này: “George Washington đã ngủ ở nhiều nơi, nhưng Ông sống tại Fredericksburg”.
Mỗi khi tôi đi bộ ở bất cứ nơi nào trong 40 dãy nhà thuộc Khu Vực Lịch Sử Fredericksburg, tôi cố gắng tưởng tượng xem mình có thể đang đi theo bước chân của vĩ nhân nào. Có rất nhiều danh nhân của đất nước chúng ta đã hiện lên thoáng qua trong suy nghĩ của tôi, bao gồm cả George Washington, Thomas Jefferson, James Madison, George Mason, James Monroe, Patrick Henry, John Paul Jones, Robert E. Lee, Stonewall Jackson và Abraham Lincoln.
Tản bộ xuống con Phố Caroline cổ kính rợp bóng cây, với những tòa nhà có từ thế kỷ 18th và 19th được bảo tồn rất tốt, bạn sẽ có cảm giác rằng mình đang đi trên chính con đường mà họ đã từng đi qua và nhìn thấy chính những điều mà họ cũng đã từng nhìn thấy qua.
Thật ra, nội thất các tòa nhà này đều đã bị thay thế toàn bộ rồi – hiện nay chúng đang chứa đựng bên trong một loạt các cửa hàng hiện đại, cửa hàng sản phẩm thủ công, cửa hàng kinh doanh đồ cổ, quán cà phê, nhà hàng và các phòng trưng bày nghệ thuật – nhưng Fredericksburg vẫn gìn giữ được dáng vẻ một khu thuộc địa quyến rũ.
Chuyến đi đến Fredericksburg là một chuyến du hành ngược thời gian, là một lần ghé thăm đến ba trong số những kỷ nguyên định hình nên lịch sử đất nước Hoa Kỳ: thời kỳ thuộc địa đầu tiên khi một thế giới mới được mở ra, thời kỳ thai nghén tư tưởng – rồi đến cuộc cách mạng – đã đưa chúng ta trở thành một đất nước độc lập, và thời kỳ chiến tranh đẫm máu đã gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau thành một quốc gia.
Quê nhà của Tổng Thống George Washington
“Nếu bạn yêu thích lịch sử Hoa Kỳ, thì bạn đã đến được đúng nơi mình cần đến”, Ông Bill Beck nói trong khi chúng tôi đang trò chuyện ở phía trước cửa hiệu “Beck’s Antiques & Books” kinh doanh sách và các loại đồ cổ của ông ở tại Phố Caroline.
“Hầu hết người dân Hoa Kỳ đều không nhận ra, nhưng Tổng Thống George Washington đã lớn lên ở chính nơi đó”, ông vừa nói vừa chỉ tay hướng về một nơi ở gần con Sông Rappahannock, một con sông hẹp mà một George Washington trẻ tuổi đã từng băng qua để đến được thị trấn từ Trang Trại Ferry – là một nông trại cũng là ngôi nhà mà ông đã sống trong suốt thời thơ ấu của mình.
Ông chủ Beck vô cùng yêu quý thị trấn Fredericksburg này và ông cũng rất am tường về nó. Ông cũng là cựu thị trưởng của nơi này.
Tại ngay vị trí này trên con phố, nơi mà Quán Rượu Weedon từng tọa lạc, ông ấy nói với tôi “Đó là nơi mà vào năm 1777 một hội đồng cư dân Virginia, đặc biệt là Thomas Jefferson và George Mason, đã soạn thảo Quy Chế Virginia về Tự Do Tôn Giáo. Công trình này đã thiết lập nên nguyên tắc về tự do tín ngưỡng và cuối cùng đã được phát triển thành Tu Chính Án Thứ Nhất bảo đảm quyền tự do tôn giáo của đất nước chúng ta”.
“Trang Trại Ferry là nơi mà George Washington đã sinh sống trong khoảng thời gian thiếu niên của mình. Ông ấy sống ở đó từ năm 6 tuổi đến năm 16 tuổi. Nơi đây cũng là cội nguồn của ông. Đồng thời cũng là nơi ông luôn luôn đến mỗi khi ông có dịp để trở về nhà – và ông đã làm điều này một cách rất thường xuyên”.
Ông ấy sẽ vẫn luôn hào hứng khi được về nhà ở Fredericksburg. Thị trấn nhỏ bé này (có dân số 23,000 người) nằm trong khoảng giữa của thủ đô Washington và thành phố Richmond, cho đến này nay vẫn nguyên vẹn như thế – những hình ảnh đẹp như tranh vẽ về những điều mà hầu hết chúng ta sẽ hình dung ra mỗi khi nghĩ về một thị trấn đơn sơ bình dị của đất nước Hoa Kỳ.
Mọi thứ nơi đây vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu
Nếu Ông ấy trở về thăm nhà vào hôm nay, Tổng Thống George Washington vẫn có thể nhận ra Fredericksburg. Thật ngạc nhiên là bao nhiêu thứ hiện tại đang có ở đây đã vẫn luôn tồn tại ở đây nguyên vẹn như thế.
Những con đường ở thị trấn này được đặt theo tên của Thái Tử Nước Anh là Frederick, con trai của Vua George Đệ Nhị và là cha của Vua George Đệ Tam (Người được nhớ đến nhiều nhất như là vị vua cuối cùng của các thuộc địa Hoa Kỳ) vẫn luôn được giữ nguyên như thế như khi còn ở thời đại của Washington vậy. Chúng vẫn mang những cái tên nguyên gốc để vinh danh Gia Đình Hoàng Gia Frederick.
Washington có thể đi xuống con Phố Caroline để đến một địa điểm ở ngay góc Phố Amelia, nơi mà một trong những người bạn thân của Ông là Bác Sĩ Hugh Mercer, người đã mua lại Trang Trại Ferry, mở một phòng khám và một cửa hiệu bán thuốc tây. Sau đó Bác Sỹ Mercer đã đóng cửa nơi này để đến giúp bạn của ông trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng. Ông đã trở thành một vị tướng quân và là anh hùng của cuộc chiến, cháu chắt của ông sau này chính là Tướng Quân George S. Patton. Bác Sĩ Mercer đã hy sinh trong Trận Chiến Princeton.
Cửa Hàng Thuốc Tây Huge Mercer là một cửa hàng nhỏ kiểu thuộc địa có mái che màu xanh lá cây, hiện nay là một viện bảo tàng hấp dẫn, minh họa một cách thuyết phục về việc điều trị y học là thô sơ như thế nào vào những năm cuối thế kỷ 18th và đầu thế kỷ 19th.
Đi thêm một vài dãy nhà về phía xa dưới con Phố Caroline là một nơi mà Washington chắc chắn không quá khó khăn để nhận ra. Đó là một căn nhà một tầng với gác lửng bằng ván ghép theo kiến trúc kiểu thuộc địa, có tên là Quán Rượu Mặt Trời Mọc, được xây dựng bởi Ông Charles – người em út của Washington vào năm 1760 để làm nhà ở riêng của mình. Đầu những năm 1790, căn nhà này của ông chuyển đổi thành quán rượu, một trạm dừng xe ngựa, một bưu điện, và là điểm họp mặt của khá nhiều hoạt động xã hội ở Fredericksburg. Tòa nhà này hiện nay đã được trùng tu và tân trang lại, nhưng cấu trúc của nó thì không hề bị thay đổi.
Một cô “thôn nữ” với mũ trùm đầu chào đón và hướng dẫn du khách đi tham quan và giải thích cho họ về việc thiếu tiện nghi cho dù đó thật sự là một quán rượu vô cùng cao cấp.
Một biểu tượng nữa của Fredericksburg mà ngày nay Washington sẽ dễ dàng nhận ra là Đồn Điền Kenmore ở gần đó. Đó là một dinh thự vĩ đại theo kiến trúc Georgian [Kiến trúc ở cuối thời kỳ Phục Hưng, một phong cách chủ đạo của nước Anh và các thuộc địa của nó ở thế kỷ 18] mà Ông Fielding Lewis, một trong những chủ đồn điền giàu có nhất ở Fredericksburg, đã xây dựng cho vợ của ông là bà Betty, cũng là người chị gái duy nhất của Washington. Washington được cho là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và trang trí nội thất cho dinh thự này. Tòa dinh thự này đã được phục dựng lại một cách đầy trân trọng.
Nằm gần Đồn Điền Kenmore là Ngôi Nhà Mary Washington. Tổng thống George Washington đã mua nơi này vào năm 1772 cho mẹ của ông “để giúp bà thoải mái hơn và không phải bận tâm điều gì.” Bà đã sống 17 năm cuối đời ở chính ngôi nhà này.
Trước khi bắt đầu hành trình đến Thành Phố New York để nhậm chức Tổng Thống, Ông đã chọn điểm đến đầu tiên là Fredericksburg để có thể bày tỏ lòng tôn kính đối với người Mẹ của mình.
Cũng không chỉ có mỗi Washington
Fredericksburg cũng là quê nhà của một vị tổng thống khác nửa – Tổng Thống James Monroe. Ông đã chuyển đến đây vào năm 28 tuổi để mở một văn phòng luật sư. Ông đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là một thành viên của Hội Đồng Thành Phố Fredericksburg.
Monroe đã ứng cử vào Quốc Hội khóa đầu tiên theo Hiến Pháp mới của Hoa Kỳ cạnh tranh với James Madison của Quận Cam gần đó. James Madison cũng là một nhân vật chủ lực soạn thảo ra tài liệu ấy. Họ thường xuyên đi cùng nhau trong suốt cuộc vận động tranh cử, dừng lại ở các nơi để tranh luận về những lập trường mâu thuẫn về Hiến Pháp giữa họ trước những nhóm nhỏ thính giả, rồi lại tiếp tục như thế ở nhiều nơi khác nửa. Cuối cùng Monroe đã coi sóc vùng Fredericksburg, còn Madison đắc cử vào Quốc Hội. Và họ đã trở thành bạn thân của nhau.
Sau đó Monroe đã từ chức Thống Đốc tiểu bang Virginia để trở thành Ngoại Trưởng của Tổng Thống Madison (có thời điểm, ông đồng thời kiêm cả chức Bộ Trưởng Chiến Tranh), và với chức vụ đó, Ông đã theo Madison bước vào Tòa Bạch Ốc.
Bảo Tàng James Monroe và Thư Viện Tưởng Niệm nằm trên Phố Charles trưng bày bộ sưu tập ký ức quốc gia lớn nhất về sự nghiệp phi thường của Monroe, bao gồm cả chiếc bàn Louis XVI nơi ông đã ký một văn kiện để gửi tới Quốc Hội mà sau này được biết đến với tên gọi là Học Thuyết Monroe.
Bất cứ nơi nào mà bạn bước đến ở Fredericksburg, thì bạn đều đang chạm vào những dấu ấn của lịch sử quốc gia này.
Các cửa hàng trong thị trấn có rất nhiều những kỷ vật từ thời kỳ Nội Chiến. Thành phố Fredericksburg và các khu vực lân cận chứng kiến nhiều trận đánh của cuộc Nội Chiến hơn bất cứ nơi nào khác ở Hoa Kỳ, kể cả những trận chiến đẫm máu nhất.
Bốn chiến trường chủ lực – Fredericksburg, Chancellorsville, Wilderness và Spotsylvania Court House – đã kéo gần như mọi đội quân tham chiến vào khu vực nằm giữa thủ đô của quốc gia và thủ đô của Liên Minh Miền Nam
Quyền kiểm soát thành phố Fredericksburg bị thay đổi liên tục. Fredericksburg bị vùi dập, bị đánh phá, bị chà đạp, bị dội bom, bị bóc lột, bị cưỡng đoạt và bị giam hãm.
Chịu đựng tàn phá – nhưng không bao giờ có thể bị hủy diệt.
Thật là kỳ diệu khi thị trấn vẫn có thể đứng vững sau khi chiến tranh kết thúc.
Bạn có thể hình dung ra lịch sử
Nếu trí tưởng tượng của bạn là đủ tốt, khi bạn đi dạo vòng quanh Fredericksburg, thì có hình ảnh của những vị danh nhân cũng như những sự kiện lịch sử nơi đây sẽ hiện lên rõ ràng và rành mạch trong tâm trí của bạn.
Khi đi dạo vòng quanh ở Quảng Trường Hội Chợ bạn cũng có thể vẽ ra một hình ảnh binh lính đang duyệt binh chuẩn bị cho các cuộc Chiến Tranh Cách Mạng.
Hãy đến gần hơn để nhìn rõ các tòa nhà mà bạn đi ngang qua, và hình dung về các trận Nội Chiến khốc liệt trong tâm trí. Khi đó bạn sẽ nhận ra rằng, chính xác là những khẩu súng đại bác đang được lắp đặt ngay tại đó.
Hãy nhìn những bậc thềm phía trước tòa nhà mà nhiều năm qua được sử dụng để làm nhà hàng của cả Foode’s và Mercantile’s. Và trước đó 200 năm, công trình này đã từng là trụ sở của Ngân Hàng Quốc Gia ở Fredericksburg. Bạn vẫn có thể tưởng tượng ra là quang cảnh nơi đây đã trông như thế nào vào ngày 22/5/1862, khi Tổng Thống Abraham Lincoln đứng đó phát biểu trước toàn thể quân đội Liên Minh và những công dân của một nơi mà ngày nay vẫn còn là một thị trấn đậm chất miền Nam như thế.
Hãy nhìn ra phố, bạn có thể hình dung ra cảnh tường sinh động về một người phụ nữ trẻ tuổi ở Fredericksburg đi dạo cùng với Thuyền Trưởng Hải Quân John Paul Jones. Sau đó, bạn hãy cố gắng tưởng tượng rằng cũng chính người phụ nữ đó đã đi dạo cùng với Patrick Henry – một trong những nhà sáng lập quốc gia Hoa Kỳ. Cả hai người họ cùng tán tỉnh cô ấy, và trước sự thúc giục của cha, cô ấy đã chọn Patrick Henry.
Đại tướng Robert E. Lee cũng phải lòng với Fredericksburg này. Cũng giống Washington, Madison và Monroe, ông sinh ra và lớn lên ở không xa thị trấn này. Tuy nhiên khi bạn hình dùng về ông ấy, rất nhiều khả năng sẽ là hình ảnh ông đang cưỡi trên con ngựa Traveler của mình, dẫn đầu một nhóm binh lính của Liên Minh Miền Nam băng qua những con phố ở nơi đây, cùng với anh bạn “Tường Đá” Thomas Jackson đang cưỡi ngựa song hành cùng ông.
Trong Trận Chiến Fredericksburg, khi chứng kiến quy mô khổng lồ của cuộc chiến bi tráng này, Tướng Quân Robert E. Lee đã thốt lên lời nhận xét nổi tiếng: “Thật quá tốt khi chúng ta biết rằng chiến tranh thực sự khủng khiếp như thế nào, nếu không chúng ta sẽ vô cùng yêu thích nó”.
Quá nhiều báu vật để khám phá tại Fredericksburg
Trước kia, tôi đã từng đi dạo ở Fredericksburg, đã từng đến một dãy nhà mà tôi thường đi ngang qua nhưng không có ấn tượng cụ thể nào. Lần này, tôi để ý đến một ngôi nhà có tấm bảng nhỏ màu xanh nhạt, rất khó để nhận ra, nằm kín đáo tại một góc đường. Tôi dừng lại và đọc nội dung trên đó. Tấm bảng đó ghi chú rằng nơi đây là ngôi nhà duy nhất mà John Paul Jones từng sở hữu tại Hoa Kỳ.
Nếu như là ở bất kỳ một thị trấn gọi là “lịch sử” khác thì công trình kiến trúc này sẽ được dành cho rất nhiều sự chú ý và được quảng bá là một ưu thế to lớn để thu hút du khách.
Nhưng đây là Fredericksburg. Không có công ty du lịch nào nhắm vào. Ngôi nhà này cũng không được nhận diện trên bất kỳ bản đồ du lịch nào của thị trấn. Cũng không có bất kỳ tài liệu hướng dẫn du lịch nào nhắc đến, thậm chí là một câu cũng không có.
Điều đó nói lên một chân lý quá vĩ đại: Trong khi nhiều nơi khác phải dùng đến những lời sáo rỗng và giả dối để thu hút du khách đến với những địa phương gọi là “lịch sử” ấy, thì Fredericksburg lại không nằm trong số đó. Thành phố bình dị dung chứa lịch sử chân thật và phong phú đến mức người ta không cần bận tâm để đếm tất cả những kho báu nơi đó.
Kinh nghiệm dành cho bạn
Để có thêm thông tin về chương trình tham quan lịch sử ở thành phố Fredericksburg, tiểu bang Virginia, hãy truy cập vào trang VisitFred.com
Fred J Eckert là một đại sứ Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là một cựu thành viên Quốc Hội. Các bài viết của ông đã xuất bản trên nhiều ấn phẩm nổi tiếng, gồm cả Reader’s Digest và Tạp chí The Wall Street. Ông cũng là một nhiếp ảnh gia từng đoạt giải thưởng với bộ sưu tập hình ảnh trải dài khắp bảy lục địa. Xem tác phẩm của ông ấy tại EckertGallery.com
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: