Frederic Tudor: Vị doanh nhân đầu tiên kinh doanh băng đá vượt đại dương
Ước mơ táo bạo của Frederic Tudor đã biến ông trở thành một trong những người Hoa Kỳ giàu có nhất trong thời đại của mình. Tuy nhiên, con đường đến thành công của ông lại không hề dễ dàng.
Vào năm 1806, bạn 23 tuổi, sống ở New England và đang tìm cách làm giàu. Bạn vừa mới từ chối một cơ hội theo học tại trường Harvard bằng tiền của cha mình, bởi vì trong suốt 10 năm qua, kinh doanh mới là đam mê của bạn. Giờ đây, khi tự mình bươn chải, bạn cần làm cho một dự án kinh doanh sẵn có hoặc bắt đầu một thương vụ mới hoàn toàn.
Đây là một ý tưởng: Cắt những khối băng đá lớn từ các hồ ở Massachusetts vào mùa đông và đưa chúng lên một con tàu đi đến một số hòn đảo khí hậu nóng ẩm ở Caribbean, chuyến hành trình dài khoảng hai tuần hoặc hơn. Ở đó, bạn sẽ bán băng đá cho những người có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy nước đá trong đời. Sau khi những người bản địa nếm thử băng đá của bạn, nhu cầu về băng đá của họ sẽ là vô tận. Họ có thể nợ nần để chi trả cho thứ này, bởi vì về lâu dài, đây là một điều chắc chắn sẽ xảy ra!
Bạn có khùng không vậy?
Tất cả những điều này chính xác là những gì Frederic Tudor thực sự đã làm vào năm 1806. Nhiều người cho rằng ông ấy điên khùng – cho đến khi việc kinh doanh băng đá cuối cùng đã khiến ông trở thành một trong số những người Hoa Kỳ giàu có nhất trong thời đại đó. Ông bắt đầu một thương vụ chưa từng có trước đây, vượt qua những trở ngại tồn tại trong một thời gian dài và cả những ý kiến đồng thuận cho rằng ý tưởng của ông sẽ thất bại, và rồi ông được mệnh danh là “ông Vua Băng đá”.
Những doanh nhân như Tudor lập dị và thú vị. Họ nhìn thấy điều mà không ai khác nhìn thấy và họ có can đảm để hành động. Họ nghĩ lớn. Họ chịu đựng nhiều thất bại, nhưng vẫn không từ bỏ. Tôi tin rằng những người còn lại chúng ta không hoàn toàn hiểu hết được những đóng góp quan trọng của họ đối với sự tiến bộ của nhân loại. Nếu không có những người đàn ông và phụ nữ sẵn sàng mơ ước và chấp nhận rủi ro, cuộc sống của số đông người chắc chắn sẽ vẫn – theo lời của Thomas Hobbes – “thô tục, tàn bạo, và nông cạn”, giống như nhiều thế kỷ trước khi chủ nghĩa tư bản mang đến cho doanh nhân cơ hội thành công.
Con đường đến thành công của Frederic Tudor không hề dễ dàng hay được bảo đảm. Một mặt, bản thân băng đá là miễn phí vì ông cắt lấy nó ra từ hồ của gia đình. Mùn cưa mà ông sử dụng để cách nhiệt băng đá cũng miễn phí nốt, vì các nhà máy sản xuất gỗ coi nó là phế liệu; họ mừng rỡ khi có Tudor vận chuyển nó đi. Lúc ban đầu, ông không cần phải lo lắng về việc cạnh tranh vì chỉ có một mình ông làm việc kinh doanh này. Tuy nhiên, giống như những doanh nhân khác, ông phát hiện ra rằng việc này nói dễ hơn làm.
Ông gửi chuyến tàu chở băng đá đầu tiên của mình tới Martinique vào năm 1806. Với số băng đá còn lại không bị tan chảy trên đường đi, ông có thể bán được chúng nhưng bị lỗ 4,500 USD. Ba chuyến tàu tiếp theo của ông tới Cuba gây ra khoản lỗ còn lớn hơn. Đến năm 1812, ông lâm vào tình trạng phá sản và bị vây hãm trong nợ nần, trở thành một trò cười trong giới thượng lưu tự mãn của Boston.
Vận chuyển băng đá ở những nơi nóng nực khiến tôi nhớ lại một tập cũ trong bộ phim “The Three Stooges” (Tạm dịch: Ba chàng ngốc).
(Bắt đầu xem tại đoạn 3:45).
https://youtu.be/kuEe-ofQJec
Những gì xảy ra tiếp sau đó được hiểu theo lời kể của chính Tudor, viết trên trang bìa cuốn nhật ký đầu tiên của ông: “Người nào thất bại ở nỗ lực đầu tiên mà không tiếp tục thử sức lần thứ hai, và không còn hy vọng vào thành công, thì đã, đang và sẽ không bao giờ là một người hùng trong chiến trận, tình yêu và kinh doanh.”
Ông đã nghe theo lời khuyên của chính mình và không từ bỏ giấc mơ của bản thân. Thay vào đó, ông giải quyết vấn đề với một sức sống mới, tiếp thu những bài học mà ông đã học được từ những thất bại trước.
Mười năm sau khi công việc kinh doanh băng đá đầu tiên của ông thất bại, Tudor đã kiếm được lợi nhuận từ những chuyến hàng thường xuyên chở băng đá tới Cuba. Những cải thiện trong việc cách nhiệt và những chuyến đi với tốc độ nhanh hơn đã bắt đầu nhận được thành công xứng đáng. Ông cũng phát triển những đại lý băng đá có lợi nhuận tại rất nhiều thành phố khác nhau ở miền nam Hoa Kỳ. Tuy vậy, ông thỉnh thoảng vẫn phải chịu những tai nạn nghiêm trọng. Khi ông cố gắng mang trái cây được đóng gói cùng băng đá không bán được từ Caribbean trở lại New England, tất cả chúng đều bị hỏng trên đường trở về trước khi tới được tay các khách hàng.
Tudor đã thực sự đạt được thành công lớn vào những năm 1830 khi quyết định bán băng đá tại Calcutta, Ấn Độ. Hãy thử nghĩ về điều này mà xem – vào thời điểm đó, chuyến đi dài 16 nghìn dặm tới Calcutta cần 4 tháng trời. Tudor đã đóng gói 180 tấn băng đá cho chuyến tàu đầu tiên tới Ấn Độ. 80 tấn tan chảy trên đường đi, nhưng ông vẫn có lãi khi bán được chỗ còn lại. Và trong hai thập kỷ sau, Tudor đã kiếm được rất nhiều tiền khi vận chuyển nước đá nửa vòng trái đất đến cho những người Ấn Độ khát cầu băng đá. Ông liên tục thử nghiệm để tìm ra những cách hoàn thành công việc rẻ hơn và tốt hơn, và nó đã khiến ông trở thành một triệu phú.
Trong cuốn sách sử học thú vị năm 2002 có tựa đề “The Frozen Water Trade” (Tạm dịch: Kinh doanh nước đá), tác giả Gavin Weightman đã thể hiện sự tôn vinh đối với những thành tựu của ông Vua Băng đá:
“Kể từ khi ông vận chuyển băng đá trong hồ lần đầu tiên đến Tây Ấn vào năm 1806 cho tới khi khởi nghiệp kinh doanh ở Calcutta vào những năm 1830, ông ấy đã luôn giữ một niềm tin rằng: những người sống ở vùng khí hậu nhiệt đới sẽ trả một cái giá hời cho băng đá để có thể có nó. Những cư dân ở Havana, Cuba, và những người Anh nhễ nhại mồ hôi ở Calcutta có thể làm kem, làm mát đồ uống và giảm nhiệt những cơn sốt của họ với băng đá thu hoạch được từ nước trong của nhiều hồ được tạo thành từ suối của vùng New England. Họ thậm chí có thể thưởng thức những trái táo Baldwin chắc nịch tươi mới từ các vườn cây ăn quả của Massachusetts, và bơ tươi được Tudor đóng gói cạnh băng đá trong những thùng lớn.”
Câu chuyện của Vua Băng đá Frederic Tudor chỉ có một tỳ vết nhỏ: Tại một số địa điểm nhiệt đới, ông đã cố gắng khiến các chính quyền địa phương bảo đảm việc ông độc quyền bán băng đá và thỉnh thoảng ông đã thành công. Phải mất từ hai đến vài lần qua lại trong thương vụ bẩn thỉu đó, tuy nhiên, nếu bạn chỉ trích Tudor có lỗi vì đã trục lợi, thì bạn chắc chắn cũng phải chỉ trích lỗi lầm của các chính quyền vì đã dùng quyền lực để bán những lợi thế đó. Dù sao đi nữa, nói chung thì Tudor vẫn là một thiên tài nổi bật trong thị trường kinh doanh. Thành công của ông, cuối cùng, vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào việc khiến cuộc sống của những người dân thường trở nên tốt hơn thay vì giành được sự ưu ái tạm thời từ các chính trị gia.
Tudor qua đời năm 1864 ở tuổi 80. Việc kinh doanh băng đá, mà ông đã đặt nền móng, trở thành một công việc kinh doanh phát đạt trên toàn thế giới, với đầy rẫy những công ty đối thủ cạnh tranh bán băng đá cho những nơi xa xôi như Hồng Kông và Sao Paulo. Với sự ra đời của những chiếc máy làm đá vào đầu thế kỷ 20, người ta không còn kiếm được lợi nhuận từ việc chuyên chở băng đá vượt đại dương nữa. Việc kinh doanh băng đá qua đường hàng hải đã trở thành lịch sử.
Carl Seaburg và Stanley Paterson đã kết thúc tiểu sử năm 2003 của họ về Tudor với việc ghi nhận “đóng góp to lớn mà Frederic đã tạo ra cho xã hội đương thời của ông”:
“Bằng cách cho thấy rằng việc vận chuyển băng đá những quãng đường xa là khả thi, dạy mọi người về giá trị của nó trong việc bảo quản thực phẩm, và giới thiệu với họ các loại thực phẩm từ những vùng khí hậu khác, ông đã khởi tạo ra một nguồn thu nhập hoàn toàn mới cho bản thân và những người khác. Ông ấy muốn độc quyền toàn bộ hệ thống này, nhưng điều đó đã được chứng minh là không thể. Sau cùng thì ông ấy không tạo ra băng đá. Ông ấy chỉ lấy nó ra từ những cái hồ và vận chuyển nó đến những nơi mà nó không tự nhiên sinh ra.”
Tôi thích đọc và viết về những người tạo ra của cải mà chấp nhận rủi ro giống như Frederic Tudor, nhưng tôi cũng rùng mình khi nghĩ về việc đổ hết tiền của mình vào ước mơ như ông ấy hồi năm 1806. Tôi chỉ cảm thấy biết ơn rằng ông đã không chờ đợi tôi hay bất kỳ ai khác chấp thuận để thử sức với thương vụ kinh doanh này.
Để biết thêm thông tin, hãy tham khảo:
“The Frozen Water Trade” của Gavin Weightman
“Refrigeration Nation: A History of Ice, Appliances and Enterprise in America” của Jonathan Rees
“The Ice King: Frederic Tudor and His Circle” của Carl Seaburg và Stanley Paterson
“Cool Customer: Frederic Tudor and the Frozen-Water Trade” của Jason Zasky
“The Ice Trade Between America and India” (trong Mechanics’ Magazine, 1836)
“Graduates: So You Want to be an Entrepreneur?” của Lawrence W. Reed
“Competition and Monopoly: A Refresher” của Lawrence W. Reed
Lawrence W. Reed là Chủ tịch Danh dự của FEE, Thành viên Cao cấp của Gia đình Humphreys, và Đại sứ Toàn cầu về quyền Tự do của Ron Manners, đã giữ chức chủ tịch của FEE gần 11 năm (2008-2019). Ông là tác giả của cuốn sách “Was Jesus a Socialist? năm 2020, cuốn “Real Heroes: Incredible True Stories of Courage, Character, and Conviction” và cuốn “Excuse Me, Professor: Challenging the Myths of Progressivism.” Hãy theo dõi ông trên LinkedIn và Twitter và thích trang cá nhân công khai của ông trên Facebook. Địa chỉ trang web của ông là LawrenceWReed.com. Bài viết này ban đầu được đăng trên trang FEE.org.
Lawrence W. Reed
Nhã Liên biên dịch
Xem thêm: