Florida trở thành tiểu bang thứ 23 chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD để giảm khó khăn tuyển dụng
Các quan chức Florida đã thông báo chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung do đại dịch hàng tuần trị giá 300 USD/người của liên bang vào hôm 24/05, khiến Sunshine State (một tên gọi khác của Florida) trở thành tiểu bang thứ 23 ngừng tham gia trợ cấp thất nghiệp này trong một nỗ lực khuyến khích người dân quay trở lại làm việc giữa bối cảnh thiếu hụt lao động và nền kinh tế lại đang phát triển mạnh mẽ.
Bộ Cơ hội Kinh tế Florida (DEO) là cơ quan phụ trách về việc làm của tiểu bang, đã công bố một thông báo, theo đó bắt đầu từ ngày 27/06, người dân không còn đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung do đại dịch hàng tuần trị giá 300 USD/người của liên bang.
Trong khi Florida chấm dứt khoản trợ cấp trị giá 300 USD/người, thì tiểu bang này vẫn đang tham gia vào các chương trình thất nghiệp khác của liên bang như Chương trình Trợ cấp Thất nghiệp Đại dịch, Bồi thường Thất nghiệp Khẩn cấp Đại dịch và Bồi thường Thất nghiệp cho Người có Thu nhập Hỗn hợp — sẽ hết hạn vào tháng Chín này. Cơ quan quản lý việc làm này gợi ý rằng Florida cũng có thể sớm kết thúc tham gia các chương trình này vì các quan chức đang giám sát “chặt chẽ” việc đăng tuyển và xu hướng tuyển dụng trong các ngành nghề.
Quyết định không nhận khoản hỗ trợ bổ sung này một phần là vì dữ liệu thị trường lao động hồi tháng Tư cho thấy tổng số việc làm trong khu vực tư nhân ở Florida đã tăng 18,800 việc làm, với gần nửa triệu tin đăng tuyển dụng trong tiểu bang cho những người đang tìm việc.
“Nền kinh tế của tiểu bang Florida đã phục hồi đáng kể với hơn 460,000 việc làm mới trên khắp tiểu bang của chúng tôi cùng các điều kiện về kinh tế mạnh mẽ nhất trên toàn quốc,” Bộ trưởng DEO Dane Eagle cho biết trong một tuyên bố. “Các nhà tuyển dụng của Florida cũng đang chứng kiến sự gia tăng công ăn việc làm, vì ngày càng có nhiều người dân Florida, kể cả một số người đã hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động, đang háo hức tái gia nhập lực lượng lao động.
“Việc chấm dứt khoản phúc lợi này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và lớn, những nơi sẵn sàng thuê và mở rộng lực lượng lao động của họ.”
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Florida đã lên tiếng báo động về những khó khăn trong việc tuyển dụng.
“Mặc dù các ngành nghề của chúng tôi mở cửa cho hoạt động kinh doanh, nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà hàng và Nhà nghỉ Florida Carol Dover cho biết. “Nhu cầu mạnh mẽ đi đôi với sự thiếu hụt nhân sự này đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải hạn chế ngày giờ hoạt động bên cạnh việc giảm công suất ở cả dịch vụ ăn uống và lưu trú.”
“Chấm dứt việc thanh toán khoản trợ cấp 300 USD/người sẽ giúp các ngành nghề lấy lại các mức [phát triển] trước khi xảy ra dịch COVID.”
Với hành động này, Florida cùng 22 tiểu bang khác do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã cắt khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang hàng tuần trị giá 300 USD/người vào mùa hè này — tất cả đều nhằm khuyến khích công ăn việc làm trong bối cảnh cơ hội việc làm mới tăng cao ngất ngưởng, còn doanh nghiệp thì chật vật trong việc tuyển dụng lao động.
Các tiểu bang Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Iowa, Mississippi, Missouri, Montana, New Hampshire, North Dakota, Ohio, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, West Virginia và Wyoming đều có kế hoạch chấm dứt khoản trợ cấp 300 USD/người, trong khi 19 tiểu bang cũng có kế hoạch không tham gia các chương trình trợ cấp thất nghiệp khác của liên bang.
Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của liên bang—đang tạo thành trở ngại đối với việc người dân đi làm lại—đã trở thành một chủ đề tranh luận sôi nổi. Các nhóm doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa cho rằng những khoản thanh toán này đang có tác động lớn, trong khi các thành viên của chính phủ Tổng thống Biden—bao gồm cả Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen—lại cho rằng tác động của chúng là không đáng kể.
Do Tom Ozimek thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: