Fed sẽ phá vỡ nền kinh tế
Tuần trước, Fed đã được trao một món quà bất ngờ khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969, điều này giúp Cục Dự trữ Liên bang bật đèn xanh để tiếp tục cắt giảm chương trình mua Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và chứng khoán có bảo đảm trị giá 120 tỷ USD hàng tháng. Với nhiệm vụ kép của Fed về tối đa hoá số lượng việc làm và ổn định giá cả, việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp cho phép Fed tập trung vào việc chống lạm phát.
Để chống lạm phát, Fed chỉ có hai công cụ chính sách. Họ có thể tăng lãi suất quỹ liên bang, hiện đang ở mức 0%, và họ có thể thu nhỏ hoặc giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. Mặc dù hai công cụ này rất tốt trong việc chống lạm phát tiền tệ, hay những sự tăng giá liên quan đến việc in tiền, nhưng cả hai công cụ này đều không có hữu ích cho việc chống lạm phát do chuỗi cung ứng.
Fed không quan tâm đến việc lạm phát biểu hiện như thế nào mà chỉ quan tâm đến khả năng chống lạm phát. Tại cuộc họp báo hôm 03/11 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, Chủ tịch Fed Jerome Powell thông báo rằng ủy ban đã quyết định rằng việc giảm mua tài sản của mình là phù hợp.
Bắt đầu từ giữa tháng 11, Fed sẽ giảm mua Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp từ 120 tỷ USD mỗi tháng xuống còn 105 tỷ USD mỗi tháng. Vào giữa tháng 12, Fed sẽ tiếp tục giảm lượng mua tài sản xuống mức 90 tỷ USD mỗi tháng. Nhiều chuyên gia tin rằng Fed sẽ tăng tốc độ cắt giảm tại cuộc họp báo hôm 15/12, đánh dấu cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang cho năm 2021.
Đối với Fed, nhu cầu làm chậm tốc độ lạm phát là một vấn đề về giữ uy tín. Thượng viện đã giao vai trò giữ ổn định giá cả cho Fed, cơ quan đã xác định rằng lạm phát hàng năm 2% là một mục tiêu hợp lý. Với việc Chỉ số Giá Tiêu dùng tăng với tốc độ 6.2% theo tỷ lệ được điều chỉnh theo mùa vào tháng Mười, sẽ có các hệ quả chính trị nghiêm trọng cho Thượng viện nếu Fed không thể kiểm soát lạm phát.
Các chính trị gia đang lo lắng về cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022 sắp tới, vì cử tri có xu hướng phản ứng tiêu cực với lạm phát —đặc biệt là khi tiền lương đang tăng thấp hơn tỷ lệ lạm phát hiện tại. Tính đến tháng Mười, tổng thu nhập cá nhân trung bình theo giờ của tất cả người lao động đã tăng với tốc độ quy đổi theo năm là 4.9%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng giá tiêu dùng quy đổi theo năm.
Vấn đề đối với các chính trị gia là cử tri có xu hướng đổ lỗi cho những người nắm quyền bằng cách bầu loại họ ra khỏi nhiệm sở. Với việc Tổng thống Joe Biden tái bổ nhiệm ông Powell làm chủ tịch Fed cho một nhiệm kỳ nữa, tổng thống đang đặt tương lai đảng của mình vào năng lực kiểm soát lạm phát của ông Powell. Trong khi ông Powell sẽ làm chậm tốc độ lạm phát, kết quả [hiện nay] không phải là điều mà cả hai đảng chính trị cùng mong muốn.
Việc nới lỏng định lượng chịu trách nhiệm phần lớn đối với tỷ lệ tăng cung tiền bằng cách buộc các ngân hàng thương mại mua Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp bằng tiền gửi của khách hàng. Mặc dù có rất ít bằng chứng chứng minh rằng tăng cung tiền có mối tương quan trực tiếp với tăng giá tiêu dùng, nhưng việc giảm tốc độ tăng cung tiền sẽ làm chậm tốc độ lạm phát giá tiêu dùng.
Về mặt lịch sử, Cung tiền M2, bao gồm tiền mặt, tiền gửi séc, và tiền gửi ngắn hạn dễ dàng chuyển đổi, tăng với tốc độ quy đổi theo năm xấp xỉ 6% mỗi năm. Vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, cung tiền M2 đã tăng hơn 27% quy đổi theo năm, và tính đến tháng Mười đã giảm xuống còn 13% quy đổi theo năm.
Khi Fed giảm các đợt mua tài sản, biện pháp vốn đòi hỏi phải tăng tiền gửi ngân hàng thương mại, tốc độ tăng cung tiền sẽ giảm xuống dưới mức xu hướng của nó là 6% mỗi năm. Với việc hệ thống tài chính tạo ra ít tiền hơn, người tiêu dùng sẽ không thể chịu được giá cả cao hơn. Bằng cách không chấp nhận giá cao hơn thông qua giảm tiêu dùng, giá tiêu dùng sẽ giảm.
Trong ngắn hạn, do chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn, giá tiêu dùng có khả năng tiếp tục tăng cao. Thực phẩm, năng lượng, và giá thuê nhà vẫn ở mức cao, sẽ có tác động trực tiếp đến ngân sách của người tiêu dùng eo hẹp tiền mặt. Người tiêu dùng sẽ buộc phải giảm chi tiêu khác vì đa số ngân sách của họ được dành cho thực phẩm, năng lượng, và tiền thuê nhà.
Đây là một câu chuyện tương tự với nguyên nhân vốn đã dẫn đến cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính, nơi lạm phát giá tiêu dùng cao hơn tốc độ tăng lương và tốc độ tăng cung tiền thì chậm lại. Khi đó, người tiêu dùng không thể chịu được các mức giá cao hơn, tình huống này đã quay lại dẫn đến giảm lượng tiêu dùng cùng với việc không thể giữ nhiệt được cho thị trường địa ốc. [Và] tiếp theo đó một cuộc khủng hoảng tài chính đã gần như phá hủy thị trường tài chính toàn cầu.
Trong khi Fed sẽ tập trung vào việc chống lạm phát bằng cách giảm mua tài sản trong những tháng tới, ông Powell và ủy ban của ông dường như không nhận thức được cách giữ cho nền kinh tế phát triển như thế nào. Khi Fed giảm mua tài sản, tốc độ tăng cung tiền sẽ giảm xuống dưới xu hướng và nền kinh tế có thể sẽ sa lầy vào một cuộc khủng hoảng tài chính khác.
Cũng giống như cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính gây ra một cuộc khủng hoảng giảm phát, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo cũng sẽ diễn ra như vậy. Trong khi nhiều chính trị gia và Fed đang lo lắng về lạm phát, chừng nào Fed còn tiếp tục giảm mua tài sản của mình, thì lạm phát sẽ là quan ngại nhỏ bé nhất của họ. Trong thời gian đó, Fed được bật đèn xanh để thực hiện, và quý vị có thể thấy Fed sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi có điều gì đó xảy ra.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Steven Van Meter, CFP, thiết kế và quản lý các chiến lược đầu tư độc đáo. Ông Steven có một chương trình trên YouTube, nơi người hâm mộ trên toàn cầu theo dõi để nghe những suy nghĩ của ông Steven về nền kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ và thị trường.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: