FED New York: Mô hình dự báo “Nowcast” dự đoán GDP sẽ tăng vọt lên mức 16.8% trong quý 3/2020
Các mô hình kinh tế cập nhật theo thời gian thực của FED New York và FED Atlanta dự đoán kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng mạnh, đạt mức hai con số trong quý 3 năm nay, sau mức giảm kỷ lục là -32.9% trong quý 2, khi các hoạt động kinh doanh bị đình trệ bởi sự bùng phát của đại dịch virus Trung Cộng.
Mô hình “Nowcast” là các dự đoán được xây dựng trên nguyên tắc mô hình mẫu, ước tính tăng trưởng GDP thực trên nền tảng các dữ liệu đa dạng khác nhau và không được coi là dự báo chính thức của FED Atlanta hay FED New York. Ước tính mới nhất của mô hình này tại Atlanta gọi là GDPNow, được công bố vào ngày 31/7, cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi đạt mức 11.9% trong quý 3, sau khi được điều chỉnh theo mùa cũng như thực hiện quy đổi theo năm.
Mô hình dự báo “Newcast” của FED New York, được cập nhật tương tự và công bố vào ngày 31/7 cho thấy GDP dự kiến sẽ tăng 16.8% trong quý 3.
Theo các dữ liệu khác công bố hôm 31/7, người tiêu dùng Hoa Kỳ đã tăng chi tiêu 5.6% trong tháng 6, trong khi thu nhập cá nhân giảm 1.1%, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vật lộn để duy trì đà phục hồi, đặc biệt là ở những nơi phải hứng chịu sự gia tăng số ca nhiễm virus Trung Cộng.
Theo thông báo hôm 30/7 của Bộ Thương mại, nền kinh tế Hoa Kỳ ghi nhận mức sụt giảm lịch sử trong quý 2 năm nay, cho thấy GDP đã giảm hơn ba lần mức giảm kỷ lục mọi thời đại trước đó là 10% vào quý 2/1958.
Hầu hết sự sụt giảm GDP diễn ra vào tháng 4, khi hoạt động kinh doanh bị đóng băng do việc phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Trung Cộng.
Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại vào tháng 5, tiếp thêm hy vọng cho sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tái phát của dịch bệnh, đặc biệt là ở khu vực phía Nam và phía Tây nơi có dân số đông đúc, cùng với số lượng việc làm suy giảm đang dập tắt hy vọng.
Báo cáo số liệu thất nghiệp công bố ngày 30/7 cho thấy số hồ sơ thất nghiệp hàng tuần đã tăng lên trong tuần thứ hai liên tiếp, sau khi giảm dần từ mức cao nhất ở tháng 3 là gần 7 triệu người. Trong tuần kết thúc vào ngày 25/7, số người Hoa Kỳ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 1,434,000 người, theo số liệu của Bộ Lao động. Để so sánh với giai đoạn trước đại dịch, thì lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần cao nhất ở Hoa Kỳ chỉ ở mức 695,000 người được ghi nhận vào năm 1982.
Trước đó ngày 29/7, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo: “Tất cả những gì chúng ta có thể đề cập hôm nay là có bằng chứng của dữ liệu tần suất cao và của các kết quả khảo sát…nhưng dường như chúng ta đang thấy sự tăng trưởng chậm lại.” “Có thể điều đó chỉ mang tính ngắn hạn, nhưng cũng có thể không. Thời gian dường như có liên quan đến sự gia tăng các ca nhiễm” bắt đầu từ tháng Sáu.
Hầu hết các nhà kinh tế và nhà đầu tư dài hạn, cùng với FED, cho biết triển vọng kinh tế phụ thuộc phần lớn vào quá trình kiểm soát đại dịch virus Trung Cộng.
Một điểm sáng liên quan đến tình hình thất nghiệp là số người đang nhận trợ cấp, gồm những người đã nộp đơn ở giai đoạn trước đó và giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục nhận được trợ cấp thất nghiệp. Trong khi số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn cao ở mức 867,000 trong tuần kết thúc ngày 18/7, thì khoảng một triệu người đã rời chương trình thất nghiệp trong tuần trước đó. Như vậy, số người thực sự tiếp tục lãnh trợ cấp thất nghiệp đã thấp hơn trong khoảng thời gian hai tuần.
Ngoài ra, tổng số người hưởng trợ cấp theo tất cả các chương trình trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 11/7 đã giảm 1.6 triệu so với tuần trước đó.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng việc đóng cửa kinh tế sẽ dẫn đến sự sụt giảm rất, rất mạnh của tổng sản lượng quốc gia (GDP), nhưng cũng có bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ trở lại”, ông Ricchiuto ghi nhận. Các ước tính được cung cấp bởi cả hai mô hình dự đoán của FED Atlanta và FED New York đều củng cố quan điểm rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ.
Reuters đóng góp vào bản tin này
Tác giả: Tom Ozimek