Fed nâng lãi suất thêm 0.75%, mức tăng lớn nhất trong 28 năm
Theo ông Powell, mức tăng 0.50 hoặc 0.75 điểm phần trăm ‘dường như rất có thể xảy ra’ tại cuộc họp vào tháng Bảy
Hôm thứ Tư (15/06), Cục Dự trữ Liên bang đã nâng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 11/1994, như một phần của nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Các quan chức của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã đồng ý tăng phạm vi mục tiêu của quỹ Fed lên 1.5% và 1.75%. Đây là tỷ lệ mà các ngân hàng tính phí với nhau khi vay qua đêm, ảnh hưởng đến hoạt động vay tiêu dùng, chẳng hạn như thẻ tín dụng và cho vay mua nhà.
Trước khi có thông tin lạm phát mới nhất trên các tiêu đề báo chí, dự báo của Fed đã ấn định mức tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản vào tháng Sáu. Các nhà đầu tư đã định giá theo mức này, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao (red-hot) đã khiến thị trường thay đổi kỳ vọng và dự báo về một chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Tại cuộc họp báo sau FOMC của mình, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói với các phóng viên rằng “mức tăng 50 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản có vẻ rất có thể xảy ra” tại cuộc họp vào tháng Bảy.
Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng Ba, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ năm 2018. Ngoài ra, lãi suất đã được tăng thêm nửa điểm phần trăm vào tháng trước.
Trước các dự báo về lãi suất của FOMC, Fed đang dự báo mức 3.4% vào cuối năm 2022, tăng từ 1.9% trong dự báo tháng Ba. Họ cũng dự kiến mức 3.8% trong năm tới. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán rằng họ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Fed đã tăng dự báo lạm phát cho năm nay từ 4.3% trong dự báo tháng Ba lên 5.2%. Ngân hàng trung ương cho rằng lạm phát sẽ giảm xuống 2.6% trong năm tới.
Về GDP, Fed dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại 1.7% trong năm nay so với mức 2.8% dự báo trước đó.
“Hoạt động kinh tế nói chung dường như đã phục hồi sau khi giảm nhẹ trong quý đầu tiên,” bản tuyên bố đã chỉnh sửa của FOMC cho biết. “Việc làm đã tăng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng tăng, và áp lực giá rộng hơn.”
“Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang gây ra khó khăn rất lớn về con người và kinh tế. Cuộc xâm lược và các sự kiện liên quan tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và đang đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các vụ phong tỏa liên quan đến COVID ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ủy ban rất chú ý đến rủi ro lạm phát.”
Chủ tịch Ngân hàng Fed tại Thành phố Kansas, Esther George, là người duy nhất bỏ phiếu bất đồng, mong muốn tăng 0.5 điểm phần trăm.
Thị trường tài chính chuyển biến tích cực trong cuộc họp báo của ông Powell. Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones tăng gần 400 điểm. S&P 500 tăng 1.7%, trong khi Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 2.7%.
Thị trường Kho bạc Hoa Kỳ chủ yếu chìm trong sắc đỏ, với lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm giảm 14 điểm cơ bản xuống 3.34%.
Tỷ giá tương lai của Hoa Kỳ đã định giá với xác suất 93.4% của việc tăng 75 điểm cơ bản vào tháng Bảy và 55% cơ hội tăng nửa điểm vào tháng Chín.
Từ đám cháy có thể kiểm soát đến cháy rừng
Ngân hàng trung ương đang chịu áp lực kiềm chế lạm phát cao trong bốn thập niên bằng cách quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn. Đồng thời, Fed cần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khó khăn, đảm bảo rằng Hoa Kỳ không rơi vào suy thoái.
Ông Powell và FOMC đang cố gắng trong một hành động hỗ trợ lẫn nhau để cân bằng tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Một nhóm các nhà bình luận kinh tế đang nghi ngờ rằng Fed có thể chống lại lạm phát và duy trì sự mở rộng kinh tế sau đại dịch.
Khi được hỏi liệu nền kinh tế có còn trải qua một cuộc xuống dốc theo chu kỳ (hạ cánh mềm–soft landing) hay không, ông Powell chỉ ra rằng các sự kiện gần đây, chẳng hạn như biến động giá hàng hóa, đã làm tăng mức độ khó khăn và tạo ra những thách thức đáng kể cho ngân hàng trung ương.
Tình hình này bắt nguồn từ việc Fed không thể thừa nhận vấn đề ngay từ đầu, bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành và CIO của Laffer Tengler Investments cho biết.
Kể từ năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách “có chung quan điểm ngoan cố không chịu thừa nhận vấn đề”, bà nói trong một ghi chú nghiên cứu. “Sự hỗn loạn do hành động của họ — và đừng nhầm lẫn, những chính sách tồi tệ này đến từ cả hai đảng phái — vẫn không được công nhận, không được thẩm tra, chưa được giải quyết, và chắc chắn sẽ lặp lại.”
Ông Ed Yardeni, Chủ tịch kiêm Trưởng chiến lược gia đầu tư, về căn bản đã lặp lại cảm nhận này trong một ghi chú hôm thứ Tư, viết rằng Fed đã phản ứng chậm, hiện đang chuyển sang “thức tỉnh” trong quá trình này.
“Có lẽ điểm tương đồng quan trọng nhất giữa những năm 1970 và các sự kiện gần đây là phản ứng khập khiễng của Fed đối với vòng xoáy tiền lương-giá thuê. Fed đã đi sau rất nhiều so với đường cong lạm phát trong hầu hết những năm 1970 và bây giờ lại một lần nữa như vậy,” ông Yardeni lưu ý.
Ngày nay, nền kinh tế Hoa Kỳ đang đương đầu với một sự đánh đổi: đánh bại lạm phát với một cuộc suy thoái kinh tế hoặc ứng phó với giá cả tăng vọt và duy trì tăng trưởng trì trệ.
“[Một] chu kỳ tăng nhanh hơn của Fed cuối cùng sẽ giúp giữ cho áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát, nhưng sẽ khiến việc giữ cân bằng giữa lạm phát thấp hơn và suy thoái trở nên khó khăn hơn,” Deutsche Bank cho biết trong một ghi chú hôm thứ Ba. “Chúng tôi tiếp tục dự đoán rằng việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu sẽ đòi hỏi tác động đáng kể đến nhu cầu và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, trong đó yếu tố thứ hai đã thực hiện trong lịch sử.”
Việc tăng lãi suất đáng kể ngày càng được cho là sẽ làm ngưng trệ hoạt động kinh doanh và chi tiêu, đồng thời dẫn đến mất việc làm nhiều hơn.
Nhưng tất cả mọi thứ Fed sẽ làm trong tương lai sẽ dựa trên dữ liệu, vốn là phương thức hoạt động từ trước khi bắt đầu các chu kỳ thắt chặt, ông Robert R. Johnson, Giám đốc điều hành của Economic Index Associates kiêm Giáo sư, Đại học Kinh doanh Heider, Đại học Creighton cho biết.
“Hãy để Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất một cách rất thận trọng và có khả năng chúng ta có thể đạt được một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế,” ông Johnson nói với The Epoch Times. “Những hành động liều lĩnh như một số người đang kêu gọi sẽ ngăn cản mọi khả năng hạ cánh mềm.”
Ông dự đoán rằng lãi suất cuối năm sẽ gần 3.75% đến 4%.
Theo ông Jan Szilagyi, Giám đốc điều hành của Toggle, một công ty đầu tư nghiên cứu dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo) với phân tích định lượng, ông Powell và Ủy ban thiết lập tỷ giá đã giúp các thị trường tài chính chuẩn bị cho một môi trường tăng trưởng kinh tế chậm hơn bằng cách tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản cho đến khi áp lực giá giảm bớt.
“Việc chuyển sang 75 điểm cơ bản chắc chắn sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng đó,” ông Szilagyi viết trong một ghi chú nghiên cứu.
Dù là 50 hoặc 75 điểm cơ bản, câu hỏi chính bây giờ là liệu Fed có thể tránh được một cuộc suy thoái hay không, bà Tangler lưu ý.
“Chúng tôi dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2022 và đã có những điều chỉnh về chiến lược và phân bổ tổng thể phù hợp. Và chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái ngắn và nông vào năm 2023,” bà nói.
Ông Desmond Lachlan, nhà kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), tin rằng việc Fed chuyển sang một vị thế thắt chặt tiền tệ có thể gây ra suy thoái, chủ yếu là do bong bóng thị trường tài sản và tín dụng mà chính sách đó tạo ra đã vỡ.
“Kể từ đầu năm nay, giá cổ phiếu giảm khoảng 25%, giá trái phiếu giảm hơn 20% và thị trường mã kim đã mất hơn một nửa giá trị,” ông nói với The Epoch Times. “Điều này liên quan đến sự bốc hơi của khoảng 15 ngàn tỷ USD hoặc 70% GDP trong tài sản hộ gia đình, điều này có thể khiến người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu.”
Dấu hiệu khác là sự sụt giảm nhu cầu nhà ở và ở các thị trường mới nổi, ông Lachlan nói thêm.
Ông nói: “Việc lãi suất thế chấp tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm nay đã khiến nhu cầu thế chấp giảm mạnh khoảng 50%. Trong khi đó, lãi suất của Hoa Kỳ tăng đang khiến dòng vốn hồi hương ra khỏi các thị trường mới nổi, gây áp lực thực sự lên đồng tiền của họ.”
Tại thời điểm này, một số người cho rằng Fed có thể không làm đủ để làm dịu lạm phát giá cả vì lãi suất thực vẫn ở mức âm. Nhưng chúng ta có thể làm gì khác?
Ông Szilagyi lưu ý rằng Fed có các công cụ khác trong kho vũ khí của mình. Một trong số đó có thể là tăng chi phí đi vay đối với các khoản vay có kỳ hạn dài hơn bằng cách báo hiệu một tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn hoặc điểm kết thúc cao hơn.
Về cuộc suy thoái
Phố Wall dường như bị chia rẽ về khả năng xảy ra suy thoái. Nhiều tổ chức tài chính và nhà phân tích đã đặt cược ở mức 50%, trong khi những người khác cho rằng có một cơ hội tốt để nền kinh tế Hoa Kỳ có thể có một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng.
Cuộc khảo sát vào tháng Năm của Ngân hàng Fed tại Philadelphia về 34 dự báo chuyên nghiệp cho thấy tăng trưởng GDP quý II dự kiến là 2.3%, giảm so với ước tính trước đó là 4.2%.
Mô hình GDPNow của Fed Bank of Atlanta dự báo tăng trưởng 0% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Nhưng có thể một cuộc suy thoái đã hiện hữu? Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho biết điều đó sẽ không có gì đáng ngạc nhiên.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó bắt đầu vào quý III năm nay,” ông nói với CNBC hôm thứ Sáu (11/06). “Quý vị có thể nói rằng chúng ta đang ở giữa giai đoạn đó ngay bây giờ, trong giai đoạn bắt đầu. Chỉ khi nhìn lại, chúng ta mới biết chắc chắn, nhưng điều đó không làm chúng tôi ngạc nhiên vào thời điểm này.”
Trong quý đầu tiên, nền kinh tế Hoa Kỳ thu hep lại với tốc độ 1.5%.
Cuộc họp chính sách FOMC kéo dài hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 26-27/07.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường đang hướng tới một đợt tăng lãi suất ba phần tư điểm vào tháng tới.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).