FBI xóa ba nhân chứng trong vụ cô Babbitt bị bắn khỏi danh sách truy nã gắt gao nhất
Ba nhân chứng có mặt tại hành lang bên ngoài Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Điện Capitol khi cô Ashli Babbitt bị bắn đã từng bị FBI truy nã, tuy nhiên hình ảnh của họ đã biến mất khỏi danh sách truy nã gắt gao nhất trong vụ việc xảy ra vào ngày 06/01/2021 trên trang web của FBI.
Những người đàn ông này, trong đó có cả một người cố gắng sơ cứu cho cô Babbitt khi cô nằm chảy máu trên sàn, ban đầu bị liệt kê trong danh sách những người bị truy nã gắt gao nhất trên trang web của FBI hôm 16/04/2021. Họ được đánh số truy nã 310, 311, và 312.
Hôm 29/04, vào khoảng sau 6 giờ 45 phút chiều, các bức ảnh của họ đã được gỡ khỏi danh sách của FBI, theo một phiên bản lưu trữ trên trang web FBI.gov, do kho lưu trữ kỹ thuật số Wayback Machine lưu trữ tại thư viện số Internet Archive. Không rõ lý do tại sao những bức ảnh này được gỡ bỏ.
Hiện tại, danh sách các bức ảnh của những người “bị truy nã” đã nhảy trực tiếp từ số 309 qua số 313.
FBI có thông lệ để ảnh trên trang của mình và gán nhãn chúng bằng dòng chữ màu đỏ có nội dung “ĐÃ BẮT GIỮ” vào thời điểm một người nào đó đã bị tạm giam.
Một trong ba người đàn ông được xóa tên khỏi danh sách của FBI là một phóng viên từng đưa tin về các cuộc bạo động và bất ổn trên khắp đất nước, theo phóng viên Tayler Hansen, người đã đứng cạnh người đàn ông đó trên hành lang vào ngày 06/01.
“Anh ấy là người của truyền thông. Anh ấy là một phóng viên ảnh,” phóng viên Hansen nói với The Epoch Times.
Khi cô Babbitt bị Trung úy Cảnh sát Điện Capitol Michael Byrd bắn vào lúc 2 giờ 44 phút chiều ngày 06/01, người phóng viên ảnh này đã ngay lập tức sơ cứu cho cô ấy, anh Hansen cho biết.
“Ngay khi cô ấy bị bắn, anh ấy là người duy nhất đã phản ứng, và anh ấy đã ngay lập tức với lấy túi y tế của mình,” phóng viên Hansen cho biết. “Anh ấy mang theo một chiếc túi y tế bên mình và bắt đầu lục lạo chiếc túi đó.
“Anh ấy chính là người đã bảo tôi lấy đèn pin ra. Anh ấy bảo tôi bật đèn pin lên để tìm vết thương trên người cô ấy,” anh Hansen cho biết. “Anh ấy đã cố gắng giúp cô Ashli trong suốt quá trình diễn ra sự việc. Anh ấy là một trong những người được cảnh sát yêu cầu ngừng giúp đỡ về mặt y tế cho cô ấy.”
Người đàn ông đó đã nói với phóng viên Hansen rằng anh ấy đã được đào tạo kỹ lưỡng về sơ cứu y tế khẩn cấp và luôn mang theo bộ sơ cứu trong ba lô.
“Cách anh ấy giải quyết tình huống đó là điều mà trước giờ tôi chưa từng thấy. Anh ấy biết chính xác phải làm gì. Anh ấy là người đầu tiên phản ứng trong số những người ở đó,” anh Hansen cho biết.
Sau một vài phút, cảnh sát đã ra lệnh cho mọi người tránh xa cô Babbitt để họ có đủ chỗ cho việc chăm sóc y tế khẩn cấp thích hợp.
Anh Hansen cho biết, người đàn ông này đã đưa tin về cuộc bạo động ở Portland và có mặt ở Kenosha, tiểu bang Wisconsin, vào đêm mà thiếu niên Kyle Rittenhouse bắn thiệt mạng ba người đàn ông để tự vệ trong cuộc bạo động liên quan đến vụ cảnh sát bắn thiệt mạng một người đàn ông người Mỹ gốc Phi Châu mang theo dao vào mùa hè năm 2020.
“Tôi có thể hình dung rằng anh ấy đã từng chứng kiến một vài tình huống tương tự cũng như giải quyết các tình huống như vậy trong quá khứ và đó là lý do tại sao anh ấy rất thuần thục so với những người khác có mặt trong căn phòng đó,” anh Hansen cho biết.
Anh Hansen nói rằng một người đàn ông khác trong số những người được loại khỏi danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI là một nhiếp ảnh gia. Người đàn ông thứ ba, người cầm cờ Hoa Kỳ đứng tại hành lang của Văn phòng Chủ tịch Hạ viện, là một trong những người đầu tiên rời khỏi khu vực sau khi ông Byrd bắn cô Babbitt.
Chồng của cô Ashli, anh Aaron Babbitt cho biết, tình huống này khiến anh phải băn khoăn.
“Tôi cần được giải thích lý do tại sao những người đó lại được xóa tên [khỏi danh sách truy nã],” anh Babbitt bày tỏ với The Epoch Times. “Nếu không có điều gì bất chính, thì hẳn điều đó không phải là vấn đề. Sự im lặng đã đang nhức nhối vô cùng.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về ba người đàn ông được đề cập ở trên, nhưng đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Đây không phải lần đầu tiên khi một người bị truy nã được xóa tên ra khỏi danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI trong vụ việc ngày 06/01.
Vài ngày sau cuộc bạo động, FBI đã tung ra một bức ảnh của Ray Epps trên một tấm áp phích “Tìm kiếm thông tin”, yêu cầu người dân giúp đỡ trong việc xác định danh tính những người đã xâm phạm Điện Capitol. Ông này được liệt kê vào danh sách với bức ảnh số 16. Bức ảnh đó đã được xóa khỏi trang web của FBI. Hiện không còn vị trí số 16 trong danh sách, các bức ảnh nhảy từ ảnh số 15 đến ảnh số 17.
Có rất nhiều video về ngày 05/01 và ngày 06/01 cho thấy ông Epps đã khuyến khích những người ủng hộ cựu TT Trump xông vào Điện Capitol trước và sau bài diễn văn của TT Donald Trump. Ông Epps không bị bắt hoặc bị buộc tội nhưng đã được nhìn thấy hai lần tại ủy ban đặc biệt của Quốc hội về ngày 06/01 (Ủy ban 06/01). Luật sư của ông đã phủ nhận rằng ông Epps là người cung cấp thông tin cho FBI hoặc là đặc vụ của chính phủ.
Vẫn chưa xác định được danh tính của hầu hết các nhân chứng
Một phân tích của The Epoch Times từ cảnh quay video của bốn người quay phim tại hành lang của Văn phòng Chủ tịch Hạ viện cho thấy chỉ có khoảng 25% những người có mặt tại thời điểm cô Babbitt bị bắn đã được FBI xác định hoặc bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ buộc tội.
Hồ sơ cho thấy, 12 trong số 55 người đứng đủ gần để chứng kiến và nghe thấy vụ nổ súng phải đối mặt với các cáo buộc do sự dính líu của họ tới vụ việc xảy ra ngày 06/01 tại Điện Capitol. Họ là một trong số hơn 725 người bị FBI bắt giữ ở hầu hết các tiểu bang với cáo buộc bắt nguồn từ vụ việc ngày 06/01.
Những người có mặt tại hành lang bị buộc tội vì đã vi phạm luật liên bang gồm Zachary Alam, John Sullivan, Thomas Baranyi, Christopher Grider, Chad Jones, Samuel Montoya, Robert Packer, Uliyahu Hayah, Brian Bingham, ông Kurt Peterson, Alexander Sheppard, và Jason Comeau.
Có ít hơn ⅓ trong số 55 người nói trên bị FBI liệt vào danh sách truy nã. Những người còn lại dường như không nằm trong số gần 1,560 người bị truy nã gắt gao nhất trên trang web của FBI trong vụ việc ngày 06/01. Gần 70% trong số đó vẫn chưa được xác định danh tính dù đã hơn một năm sau sự kiện này.
Cửa Columbus được mở ra cho người biểu tình
Phân tích thêm từ video được quay phía trong cửa Columbus lịch sử vào ngày 06/01 cho thấy có tối thiểu năm người tiến đến cuối hành lang bên ngoài Văn phòng Chủ tịch Hạ viện là những người đầu tiên đã xông vào Điện Capitol qua cửa Columbus.
Video giám sát cho thấy một người biểu tình — mà FBI cáo buộc đó là ông George A. Tenney III — đã không thành công khi cố gắng mở các cánh cửa Columbus này từ phía trong bằng cách dùng vai đẩy vào các cánh cửa. Khi đã thất bại trong nỗ lực mở các cánh cửa, ông ta quay đầu lại và dường như như đang lắng nghe hướng dẫn từ ai đó bên ngoài khung hình camera. Sau đó ông ta quay lại và đã có thể mở được cánh cửa bên trái.
Cảnh sát ập vào và cố gắng ngăn chặn dòng người biểu tình đổ vào vòm Rotunda. Chuông báo động đột nhập vang lên inh ỏi. Những người biểu tình cố gắng vượt qua hai nhân viên cảnh sát đứng ngay cửa. “Mở cánh cửa kia ra!” một người thét lên ngoài khung hình camera.
Một nữ sĩ quan mặc đồ chống bạo động đã bị xô ngã xuống sàn bên trái cánh cửa đang mở. Một vài người biểu tình đã đến để đỡ cô dậy, nhưng một viên sĩ quan khác chạy tới và cảnh báo những người biểu tình, “Lùi lại! Lùi lại!” Nữ sĩ quan này đã được đưa đến vòm Rotunda, người ta thấy cô gập người xuống với hai tay đặt trên đầu gối.
Trở lại cửa ra vào, một người biểu tình đang la ó vào mặt một viên cảnh sát bảo vệ bên trong cửa Columbus.
“‘Chúng tôi có việc phải làm?’ Tôi không quan tâm đến những gì anh nói. Đó là một cái cớ tệ hại!”
Viên sĩ quan hỏi lại người đàn ông, “Ông có phục vụ cho đất nước này?”
“Vâng, tôi đã phục vụ cho đất nước này trong năm năm, và đó là một cái cớ tệ hại!”
“Tôi cũng vậy, trong 25 năm.”
“Đó là một cái cớ tệ hại, ‘Tôi có việc phải làm.’ Cho tôi xin kiếu đi!”
Tác nhân của sự hỗn loạn
Một trong những người đàn ông mà gia đình cô Babbitt quan tâm nhất trong việc xác định danh tính được biết đến với biệt danh #RedOnRed trên mạng internet.
Video cho thấy ngày 06/01 anh ta đã xuất hiện ở nhiều nơi trong khuôn viên Điện Capitol. Khi ở trên sàn, anh ta đã ném một thanh gỗ cỡ 2×4 qua một ô cửa sổ. Trong lúc anh ta đi vào hành lang Văn phòng Chủ tịch Hạ viện, người ta nhìn thấy anh ta tấn công những cánh cửa gỗ của các văn phòng bằng những cú đạp. Anh ta đứng bên trái cô Babbitt khi cô trèo qua một ô cửa sổ vỡ và bị bắn.
Một video cho thấy anh ta dùng hai tay cầm cánh tay của một viên cảnh sát. “Chúng tôi không chống lại các anh, chúng tôi không chống lại gia đình anh,” anh này nói. “Chúng tôi yêu mến đất nước này. Anh yêu mến đất nước mình. Anh yêu thương gia đình mình. Chúng ta đang cùng nhau đứng lên.”
“Cảm ơn anh,” viên sĩ quan này trả lời.
“Không có gì. Chúng ta không phải là kẻ thù.”
Người có biệt danh #RedOnRed cũng xuất hiện trên video của anh John Sullivan, được quay sau khi cô Babbitt bị bắn.
Người đàn ông này tiến lại gần máy quay và nói, “Là gã thứ hai bên trái đã bắn cô ấy.”
Anh Sullivan đáp: “Không ai khác có súng,” người mang biệt danh #RedOnRed nói, “Là gã đứng thứ hai ở bên trái.”
Ông Joseph Hanneman là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về tiểu bang Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 40 năm, các bài viết của ông đã được xuất bản trên Catholic World Report, Racine Journal Times, Wisconsin State Journal và Chicago Tribune. Quý vị có thể liên lạc với ông tại: [email protected]
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: