F-35 vây quanh eo biển Đài Loan, Trung Cộng liệu có thể manh động?
Thuận theo các hoạt động quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, cuộc đối đầu trong khu vực này đang có những thay đổi chưa từng có. Điều này chủ yếu biểu hiện ở việc Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực đang triển khai sức mạnh ra mặt trận.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong hội nghị trực tuyến “Hai cộng hai” vào ngày 6/1 đã thảo luận về các vấn đề như cam kết tăng cường chia sẻ chung các cơ sở quân sự Mỹ-Nhật, bao gồm việc tăng cường triển khai quân sự ở các đảo phía tây nam của Nhật Bản, trong đó có đảo Yonaguni ở tỉnh Okinawa chỉ cách Hoa Liên, Đài Loan khoảng 100 km. Các cơ sở cùng thiết bị mà Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ chia sẻ bao gồm các đường băng quân sự, kho dự trữ vật tư, vũ khí và đạn dược.
Ông Jeffrey Hornung, chuyên gia về chính sách an ninh của Nhật Bản ở Rand Corporation (một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ) cho biết: Hỏa tiễn có đường dẫn chính xác (PGM) phải được triển khai ở những nơi đồng minh cần, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan, cần đảm bảo rằng hỏa lực có thể hỗ trợ không chỉ cho các hoạt động ban đầu mà còn hỗ trợ cho các binh sĩ tiếp theo tiến vào Nhật Bản từ Hoa Kỳ và Hawaii.
Thông qua việc chia sẻ các cơ sở quân sự, quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ chia sẻ các vật tư nhạy cảm cần thiết trong thời chiến, bao gồm Hỏa tiễn hành trình tầm xa không đối đất do oanh tạc cơ mang theo, Hỏa tiễn chống hạm tầm xa do chiến cơ mang theo và Hỏa tiễn chống bức xạ tiên tiến nhằm vào hệ thống phòng không của đối phương được triển khai ở các vị trí tiền tuyến để đáp ứng nhu cầu tác chiến khi eo biển Đài Loan gặp khủng hoảng.
Từ xu hướng hợp tác của liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản mà xét, Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công đổ bộ có thể xảy ra của Trung Cộng nhắm vào Đài Loan. Giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục chỉ có một eo biển dài 100 dặm ngăn cách, nên chiến tranh có thể nổ ra trong nháy mắt. Việc Hoa Kỳ và các đồng minh có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Cộng dựa trên các phương án quân sự hiện có hay không phụ thuộc vào tốc độ phản ứng của toàn bộ hệ thống tác chiến.
Rất nhiều nhà bình luận có vô số suy đoán về vấn đề này, có lẽ những nhân viên trong Lầu Năm Góc cũng đang nghiên cứu sâu những vấn đề như vậy mỗi ngày. Tất nhiên, điều này có thể liên quan đến nhiều yếu tố, chẳng hạn như khả năng cảnh báo sớm tiên tiến, thời gian phản ứng của Hải quân Hoa Kỳ, và khả năng Hoa Kỳ phối hợp với các đồng minh trong khu vực, v.v. Nhưng biến số quan trọng nhất cần xem xét là khả năng của quân đội Hoa Kỳ trong việc thiết lập và duy trì ưu thế trên không.
Các thủ đoạn mà Trung Cộng có thể sử dụng để đối phó, nhiều khả năng là các Hỏa tiễn đất đối không nhằm vào các mục tiêu trên biển và trên không. Tuy nhiên, cả hai bên đều có hỏa tiễn, và Trung Cộng không hề chiếm lợi thế cho dù là về chất lượng hay số lượng. Vì vậy, chỉ riêng hỏa tiễn thì Trung Cộng không thể chiếm được ưu thế trên không, mà còn phải phụ thuộc vào khả năng của các chiến cơ và oanh tạc cơ. Trong trường hợp không có ưu thế trên không, ngay cả khi Trung Cộng chiếm được Đài Loan, nó cũng sẽ bị uy hiếp sinh tử. Liệu Trung Cộng có cơ hội nắm quyền khống chế trên không ở eo biển Đài Loan bằng các phi cơ hiện có của mình hay không? Câu trả lời khẳng định là “không”.
Chưa nói đến chất lượng và số lượng của trang bị của cả hai bên, hãy nói về các phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm hiện tại. Nhìn vào số lượng F-35 (Lockheed Martin F-35 Lightning II, hay Tia chớp) xung quanh eo biển Đài Loan, không khó để phán đoán cơ hội giành ưu thế trên không của Trung Cộng là mỏng manh như thế nào.
Khi nói Hoa Kỳ và các đồng minh có đủ thiết bị và khả năng để thiết lập ưu thế trên không ở eo biển Đài Loan, ở đây chủ yếu là đề cập đến phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm và nhiều loại Hỏa tiễn phòng không và chống hạm.
Trước tiên bắt đầu với Hàn Quốc, 40 phi cơ chiến đấu F-35A do Hàn Quốc đặt hàng đã được chuyển giao. Lô F-35 thứ hai sẽ bắt đầu được chuyển giao vào năm 2025, và cuối cùng Hàn Quốc sẽ đạt 80 chiếc. Có ít nhất 50 chiếc F-35A đã được chuyển giao cho Nhật Bản và với những đơn đặt hàng F-35B tiếp theo, tổng số phi cơ chiến đấu F-35 của Nhật Bản cuối cùng sẽ lên tới 147 chiếc.
Kế hoạch thu mua 72 phi cơ chiến đấu F-35A của Úc cũng đang được tiến hành, với 40 chiếc đã được chuyển giao và số còn lại sẽ đến vào năm 2023. Úc và Nhật Bản cũng đã vừa ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, quân đội của cả hai bên được phép đến nước kia để huấn luyện hay với các mục đích khác mà không có bất kỳ hạn chế pháp lý nào. Điều này có nghĩa là những chiếc F-35A của Úc bất cứ lúc nào cũng có thể tiến vào Nhật Bản.
Hai hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln và USS Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ đều đã hoàn tất chứng chỉ hoạt động để mang F-35C, mỗi chiếc có thể mang theo 10 chiến cơ F-35C và hiện đang được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, tàu tấn công đổ bộ USS America đóng tại căn cứ không quân Sasebo, Nhật Bản cũng có thể mang theo ít nhất 10 chiếc F-35B. Năng lực thực tế trong việc vận chuyển các chiến cơ F-35 của các Hàng không mẫu hạm này có thể lớn hơn nhiều so với số lượng chúng đang mang theo hiện tại.
Cho đến nay, với sự hỗ trợ của các phi cơ chiến đấu F-35C và F-35B ở trên các Hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ, cộng với các phi cơ F-35 hiện đang phục vụ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thì đã có tới 150 phi cơ chiến đấu F-35 có thể tham chiến tại eo biển Đài Loan, chưa kể đến 40 chiếc F-35A ở Úc. Quy mô của những phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm này tạo ra một ưu thế mang tính áp đảo đối với Trung Cộng. Tính cho đến năm 2030, không kể khả năng phóng phi cơ F-35 trên Hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ, tổng số F-35 được triển khai ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể sẽ vượt quá 300 chiếc. Nếu những chiến cơ này có thể phản ứng kịp thời trước đợt tấn công của Trung Quốc, thì sẽ có rất nhiều cơ hội để ngăn chặn hoặc đẩy lùi một cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc vào Đài Loan.
Trung Cộng tuyên bố rằng J-20 đã được trang bị động cơ phản lực cánh quạt WS-15, và những chiếc J-20 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt WS-10 cũng đang được sản xuất hàng loạt, con số đã vượt quá 100 chiếc, v.v. Những tuyên bố khó hiểu và tự mâu thuẫn này không hề cải thiện độ tin cậy của J-20. Thế giới bên ngoài cũng chưa bao giờ nghe nói về việc J-20 rời Trung Quốc đại lục và tham gia hoạt động ở nước ngoài.
Do các vấn đề về động cơ và cách bố trí khí động học, danh tính của phi cơ chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 đã luôn bị ngoại giới nghi ngờ. Những phi cơ chiến đấu có sự khác biệt về thế hệ với F-35 như J-10, J-11, J-15 và J-16 thì càng không có khả năng so sánh.
Ngay cả khi được trang bị Hỏa tiễn không đối không PL-15 tầm xa, phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư của Trung Quốc vẫn vô dụng trước phi cơ tàng hình F-35. Cách duy nhất mà những chiếc phi cơ này biết đến sự tồn tại của F-35 là thông qua tín hiệu từ hệ thống cảnh báo khi nó bị khóa mục tiêu bởi hỏa tiễn do F-35 phóng ra.
Trong những năm gần đây, Hải quân Hoa Kỳ đã gia tăng cường độ và tần suất của các hoạt động quân sự ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời thường xuyên triển khai các nhóm Hàng không mẫu hạm và các nhóm tàu tấn công đổ bộ ở tiền tuyến. Một tàu tấn công đổ bộ lớp America có thể chở tới 15 phi cơ chiến đấu F-35B, có khả năng yểm trợ cho một Hàng không mẫu hạm với số lượng phi cơ chiến đấu F-35C lớn hơn.
Việc triển khai hoạt động và phạm vi bao phủ của các nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ cũng là những yếu tố then chốt. Họ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản trên chuỗi đảo thứ nhất tạo thành một vòng vây ở eo biển Đài Loan, mà vòng vây này có thể được bao quát bởi các phi cơ chiến đấu F-35 của họ. Nếu Nhật Bản triển khai F-35 gần các hòn đảo phía nam của mình, nước này sẽ có thể phản ứng nhanh hơn. Ngoài ra, các phi cơ tiếp dầu cất cánh từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản có thể hỗ trợ phi cơ chiến đấu F-35 cất cánh từ Hàng không mẫu hạm và từ mặt đất để chúng có thể hoạt động trên phạm vi rộng lớn.
Công tác mà Hoa Kỳ và các đồng minh đang tiến hành là tăng cường triển khai quân đội ở tiền tuyến gần eo biển Đài Loan. Việc hỗ trợ bằng sự hiện diện quân sự ở tiền tuyến là phản ứng cụ thể của quân đội Hoa Kỳ đối với chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (Anti Access/Area Denial – A2AD) của Trung Cộng. Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh có thể phản ứng một cách toàn diện và nhanh chóng về mặt trinh sát, tình báo, cảnh báo đường không, phạm vi hỏa lực v.v., thì triển vọng để thống nhất Đài Loan bằng quân sự của Trung Cộng sẽ rất mỏng manh.
Sự quấy rối của Trung Cộng bằng những phi cơ quân sự đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan, cùng các cuộc tập trận quân sự khác nhau ở vùng biển gần Đài Loan và Nhật Bản, bất kể quy mô như thế nào, đều chỉ là một chiến dịch để tuyên truyền và huấn luyện mà không có các cuộc tấn công bằng vũ khí sát thương.
Dưới tình huống không có bất kỳ áp lực quân sự nào, các kịch bản hành động, huấn luyện và chiến đấu của Trung Cộng để vượt qua eo biển Đài Loan, eo biển Bashi và eo biển Miyako sẽ không thể mô phỏng hoàn cảnh thực chiến. Chiến thắng hay thất bại không phụ thuộc vào việc Trung Cộng tuyên bố hùng mạnh như thế nào, mà là liệu quân đội của Trung Cộng có đủ sức cạnh tranh với một đối thủ đáng gờm hay không. Nếu Trung Cộng sử dụng phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư làm đội quân chủ lực để chống lại phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm, quân đội do Trung Cộng chỉ huy sẽ gặp nguy hiểm, và kết quả có thể tưởng tượng ra được.
Tác giả: Hạ Lạc Sơn (phóng viên của The Epoch Times, người đã sống trong quân đội hơn mười năm, chủ yếu tham gia giảng dạy quân sự và một số công tác quản lý kỹ thuật)
Liên Thư Hoa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: