EU thúc ép Trung Quốc về việc mở cửa thị trường và vấn đề nhân quyền
Hôm 14/9, Liên minh Châu Âu (EU) đã hối thúc Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho các công ty Châu Âu và phải chứng minh rằng Trung Quốc thực sự muốn đạt được thỏa thuận đầu tư trong năm nay với khối [EU], vốn là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Sau cuộc họp video kéo dài hai giờ, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết họ cũng thúc ép lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về nhân quyền và nhu cầu hợp tác quốc tế để giải quyết đại dịch virus Vũ Hán.
Là một đối thủ cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, 27 quốc gia EU đã phải vật lộn để cân bằng giữa lợi ích thương mại và những lo ngại về nhân quyền tại đất nước này, đặc biệt khi chế độ Trung Quốc ngày càng trở nên quả quyết hơn trong những năm gần đây.
Bà Von der Leyen, người lãnh đạo cơ quan điều hành EU, quản lý về thương mại thay mặt cho các nước thành viên, đã lưu ý rằng các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư đã được đẩy mạnh, song, mặc dù có một số tiến bộ gần đây, thì “vẫn còn rất nhiều, rất nhiều việc cần phải giải quyết”.
Bà nói với các phóng viên rằng, “Thị trường Châu Âu mở cửa và đổi lại, các công ty Châu Âu cũng phải có quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng vào thị trường Trung Quốc”. Ông Tập không tham gia cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.
Nhắc tới việc thiếu cơ hội trong các ngành của Trung Quốc như viễn thông, công nghệ máy tính, công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, bà cho biết: “Chúng tôi thấy rằng các nhà đầu tư của chúng tôi phải đối mặt với quá nhiều rào cản trong những lĩnh vực chủ chốt này và đối với chúng tôi, với khả năng tiếp cận thị trường, vấn đề không chỉ là gặp nhau nửa chừng, mà đó là vấn đề “có đi có lại”, tái cân bằng sự bất đối xứng.”
“Trung Quốc phải thuyết phục chúng tôi rằng họ đáng đạt được một thỏa thuận đầu tư”, bà von der Leyen nói, thừa nhận cuộc đấu tranh liên quan đến việc đảm bảo một thỏa thuận sẽ được thực hiện vào cuối năm như người Châu Âu đã kỳ vọng.
Xoay sang các vấn đề nhân quyền, ông Michel cho biết ba người đã có một “cuộc thảo luận khá căng thẳng” với ông Tập, đặc biệt là về vùng miền Tây xa xôi Tân Cương của Trung Quốc, nơi các nhà chức trách đã đàn áp những người Duy Ngô Nhĩ địa phương. Ông Michel cho biết ông Tập dường như sẵn sàng cho phép các nhà ngoại giao đến thăm khu vực để kiểm tra những gì đang xảy ra. Bà Merkel cho biết các chi tiết vẫn phải được loại bỏ.
Ông Michel cho biết những người Châu Âu cũng nhấn mạnh rằng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đối với Hồng Kông “tiếp tục gây ra những lo ngại nghiêm trọng”, và rằng quyền tự trị của khu vực cần được tôn trọng và “tiếng nói dân chủ” ở Hồng Kông cần được lắng nghe.
Họ cũng khuyến khích ông Tập giúp giải quyết đại dịch Covid-19 – lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái – cũng như đóng góp vào việc nghiên cứu vaccine bằng cách hợp tác với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Điều quan trọng là tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch và do đó chúng tôi rất rõ ràng rằng điều rất quan trọng là cung cấp cho WHO tất cả các khả năng để dẫn đầu các cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19”, bà von der Leyen nói.
Sự lây lan của đại dịch đã tạo ra những trở ngại mới cho mối quan hệ EU-Trung Quốc, đặc biệt là điều mà Brussels coi là một chiến dịch thông tin sai lệch do Trung Quốc dàn dựng về căn bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
EU đã chứng kiến hơn 142,700 trường hợp tử vong từ đại dịch được xác nhận liên quan đến virus, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, nhưng các chuyên gia cho biết tất cả các con số đều thấp hơn con số thực tế do còn nhiều trường hợp bỏ sót và việc xét nghiệm bị hạn chế.
Theo The Associated Press