EU thông qua nghị quyết lên án việc chính quyền Trung Quốc thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng” về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang tiếp diễn của chính quyền Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên của EU lên án công khai sự lạm dụng này.
“Nghị viện bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng đối với các báo cáo về hoạt động thu hoạch nội tạng dai dẳng, có hệ thống, vô nhân đạo và do nhà nước hậu thuẫn từ các tù nhân ở Trung Quốc, và cụ thể hơn là từ các học viên Pháp Luân Công,” một bản tuyên bố ngày 05/05 cho biết sau khi văn bản này được thông qua.
Các thành viên của Nghị viện “cho rằng hành vi thu hoạch nội tạng từ các tử tù và các tù nhân lương tâm còn sống ở Trung Quốc có thể tạo thành tội ác phản nhân loại,” bản tuyên bố cho biết.
Một tòa án độc lập năm 2019, tên là Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), đã phát hiện (pdf) rằng chính quyền Trung Quốc đã sát hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng cấy ghép trên quy mô đáng kể trong nhiều năm, một thực tế vẫn đang diễn ra. Tòa án này kết luận rằng những hành động như vậy là tội ác phản nhân loại và nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần gồm những bài tập thiền định và những bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Năm 1999, các học viên đã trở thành mục tiêu cho một cuộc đàn áp trên diện rộng của Bắc Kinh sau khi sự phổ biến rộng rãi của môn tu luyện này được xem như một mối đe dọa đến sự kiểm soát độc tài của chế độ cộng sản đối với xã hội. Hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam cầm trên khắp đất nước về căn bản đã bị biến thành kho nội tạng không tự nguyện to lớn cho hệ thống cấy ghép tạng đang thèm khát của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Kể từ khi các báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức lần đầu tiên nổi lên vào giữa những năm 2000, chính quyền Trung Quốc không những nhiều lần chối bỏ các cáo buộc mà còn từ chối cho người bên ngoài tiếp cận các cơ sở y tế và trại giam để xác thực các tuyên bố của mình.
Bản nghị quyết của Liên minh Âu Châu lưu ý rằng nhà cầm quyền này đã từ chối ra làm chứng trước Tòa án Luận tội Trung Quốc.
Thêm vào đó, nghị quyết lên án việc thiếu sự giám sát độc lập về việc liệu những người bị giam giữ có đồng ý hiến tạng hay không và sự im lặng của chính quyền Trung Quốc trước những thông tin rằng các gia đình đang bị ngăn cản không cho nhận thi thể của những người thân yêu đã qua đời trong trại giam.
Nghị quyết dài bốn trang, được thông qua bằng cách giơ tay biểu quyết hôm 05/05, là tuyên bố công khai đầu tiên của Liên minh Âu Châu về vấn đề này kể từ năm 2013, khi Nghị viện Âu Châu lần đầu tiên đưa ra thông báo cho Bắc Kinh rằng hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức là không thể chấp nhận được.
Bên cạnh việc công khai lên án hành vi lạm dụng này, nghị quyết cho biết, EU và các quốc gia thành viên nên nêu lên vấn đề thu hoạch nội tạng “tại mọi cuộc Đối thoại Nhân quyền”, nêu lên vấn đề này trong tương tác với các đối tác, và thực hiện các hành động cần thiết để ngăn cản công dân nước mình tham gia du lịch ghép tạng ở Trung Quốc. Nghị quyết cho biết, các tổ chức có liên quan nên xem xét lại sự hợp tác của họ với các đối tác Trung Quốc về y dược, nghiên cứu, và đào tạo cấy ghép.
Nhân quyền ‘không phải là một lựa chọn’
Nghị quyết được thông qua ba ngày trước chuyến công du dự kiến của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet tới Trung Quốc, và trong nghị quyết, Nghị viện Âu Châu đã thúc giục cơ quan nhân quyền này điều tra vấn đề nói trên trong chuyến thăm.
Một ngày trước đó, vị quan chức chính sách ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell đã nêu bật vấn đề này trong một cuộc tranh luận tại Nghị viện, nói rằng khối 27 thành viên “lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể về hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức tội ác, vô nhân đạo và phi đạo đức này.”
“Tôn trọng nhân quyền không phải là một lựa chọn, mà là một yêu cầu trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực đầy thách thức về mặt y tế và đạo đức như hiến và cấy ghép nội tạng,” ông cho biết trong một bài diễn văn được chuẩn bị từ trước, do bà Jutta Urpilainen, ủy viên đặc trách quan hệ đối tác quốc tế, đọc thay mặt ông.
Một nghiên cứu y tế hồi tháng Tư được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Mỹ đã xác định hàng chục ấn phẩm của Trung Quốc, trong đó các bác sĩ lấy tim và phổi từ người để cấy ghép mà không tuân theo quy trình tiêu chuẩn để gây chết não [trước]. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân bị sát hại để lấy nội tạng và hàng trăm chuyên gia y tế liên quan đang đóng vai trò là “những đao phủ” cho nhà nước, các tác giả cho biết.
Bài diễn văn của ông Borrell đã được hoan nghênh bởi Dân biểu Hoa Kỳ Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida), người giữ vai trò là đồng chủ tịch của Nhóm Quốc hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế.
“Hồ sơ nhân quyền đáng ghê tởm của Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động thu hoạch nội tạng vô nhân đạo các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, sẽ không còn bị giữ bí mật nữa,” ông nói với The Epoch Times. “Hoa Kỳ và các nước đồng minh khẩn thiết gửi một thông điệp mạnh mẽ và kiên định để bảo vệ các quyền căn bản của con người và bảo vệ tất cả mọi người.”
Những người khác tin rằng biện pháp này vẫn còn lâu mới giải quyết được vấn đề.
Ông Torsten Trey, giám đốc điều hành của nhóm ủng hộ đạo đức y tế Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (Doctors Against Forced Organ Harvesting, DAFOH), đã nhận thấy sự im lặng kéo dài của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.
“Đã ba năm trôi qua kể từ khi Tòa án Luận tội Trung Quốc kết luận rằng Trung Quốc đang sát nhân để lấy nội tạng. Trong hơn hai thập niên, Trung Quốc đã bức hại các học viên Pháp Luân Công và có lẽ đã sát hại hơn một triệu người trong số họ, có thể nhiều hơn [số người thiệt mạng] ở Ukraine cho đến ngày nay,” ông nói với The Epoch Times.
So với phản ứng của thế giới đối với cuộc chiến ở Ukraine, nghị quyết này là “lời kêu gọi yếu ớt đối với một chế độ cộng sản ủng hộ Nga trong cuộc xâm lược,” ông nói.
“Chúng tôi cần những hành động đối với Trung Quốc, chứ không phải những lời kêu gọi. Trung Quốc đã nghe thấy những lời kêu gọi này trong hai thập niên và đã phớt lờ chúng,” ông nói.
“Tại thời điểm này, Âu Châu đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thách thức: Liệu Âu Châu sẽ coi các quyền và giá trị căn bản của con người là một điều khoản không thể thương lượng cho các liên kết đối tác, hay sẽ làm ngơ trước hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức khủng khiếp từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc?”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: