EU ra mắt ‘công cụ chống cưỡng chế’ mới giữa căng thẳng Trung Quốc-Lithuania
Khi Vilnius theo đuổi mối liên hệ chặt chẽ hơn với Đài Bắc, E.U. đề nghị một vũ khí thương mại mới chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư (08/12), Ủy ban Âu Châu xem xét một chiến lược mới để khẳng định lợi ích của mình trong bối cảnh các tranh chấp thương mại ngày càng bị chính trị hóa với Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi họ chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc về một mối bất hòa ngoại giao xảy ra với Cộng hòa Lithuania.
Trong những năm gần đây, EU dễ bị các cường quốc lớn hơn cưỡng ép về kinh tế do tính đa cực và khó thiết lập sự đồng thuận giữa tất cả các quốc gia thành viên. Trước đây, các nhà hoạch định chính sách của EU đã khó có được sự đồng thuận cần thiết để trả đũa hành vi tống tiền kinh tế. Ngay cả khi các quốc gia thành viên EU đều đồng ý về một vấn đề nhất định, thì một vấn đề về hành động tập thể sẽ nảy sinh trong đó các quốc gia thành viên ràng buộc sự chấp thuận của họ đối với các biện pháp nhất định tới các mục tiêu quốc gia không liên quan, chẳng hạn như năm ngoái khi Cyprus đã cố gắng ràng buộc việc chấp thuận các lệnh trừng phạt của EU lên Belarus với các hành động nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Đề nghị mới này sẽ hạ thấp giới hạn để cho phép Ủy ban Âu Châu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia không phải là thành viên, [đồng thời] cho phép cộng đồng các quốc gia này hành động dứt khoát khi đối mặt với sự xâm lược kinh tế của các quốc gia không phải thành viên.
“Khi một quốc gia không thuộc khối EU gây áp lực lên một công ty EU nhằm tác động đến Chính sách của EU, thì công cụ này sẽ giúp ngăn chặn sự ép buộc đó,” Ủy ban châu Âu đăng trên Twitter hôm thứ Tư. “Mục tiêu là chống lại và đẩy lùi áp lực ngoại quốc, thúc đẩy kinh doanh và thương mại hơn nữa, và bảo đảm việc làm trên toàn EU.”
Công cụ chống cưỡng chế này có thể sẽ được thử nghiệm đầu tiên trong tuần này, khi chính quyền Trung Quốc chặn giao thương với Lithuania vì các quan điểm ngoại giao của quốc gia Đông Âu này đối với Đài Loan, còn được gọi là Trung Hoa Dân Quốc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và Đài Loan nói rằng họ là một hòn đảo độc lập trên thực tế và tự trị với quyền riêng của họ.
Giống như nhiều tranh chấp liên quan đến Đài Loan, cuộc tranh chấp này bắt đầu với một vấn đề ngữ nghĩa: Lithuania đã khiến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tức giận bằng cách cho phép mở một văn phòng ngoại giao mới của Trung Hoa Dân Quốc, tương tự như các đại sứ quán trên thực tế khác trên khắp Âu Châu ngoại trừ một chi tiết: Cơ quan ngoại giao mới này sẽ sử dụng tên “Đài Loan,” chứ không giống như các cơ quan ngoại giao khác của Trung Hoa Dân Quốc ở Âu Châu, dùng để chỉ chính thể theo thuật ngữ “Đài Bắc” vốn đã được Đảng Cộng Sản Trung Quốc chấp thuận.
Trung Quốc đã phản ứng trước thông báo về diễn biến mới này bằng cách triệu hồi đại sứ của mình khỏi Vilnius và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với quốc gia Baltic này, đình chỉ các chuyến tàu chở hàng đến Vilnius và ngừng chấp thuận giấy phép xuất cảng cho các nhà sản xuất người Lithuania.
Trong khi Trung Quốc đang là mục tiêu rõ ràng của vũ khí thương mại mới này, thì một số nhà hoạch định chính sách của EU vẫn nhiệt tình sử dụng nó để khẳng định lợi ích của Âu Châu trước Hoa Kỳ. Trong các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Iran để khôi phục các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran, nhiều nhà hoạch định chính sách Âu Châu đã thất vọng vì nhận thấy họ đã bỏ sót quá trình này. Một số người ủng hộ việc sử dụng công cụ ngoại giao này để trả đũa các chiến thuật của Hoa Kỳ trong ngoại giao và thương mại. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang gây tranh cãi, với những người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương ở EU đang tìm kiếm mối liên hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Công cụ mới này đã bị một số người Âu Châu chỉ trích vì đề nghị hạ thấp đáng kể ngưỡng cho phép các nhà đàm phán EU hành động đơn phương mà không có sự đồng ý rõ ràng của tất cả các quốc gia thành viên, vì vậy điều đó có khả năng sẽ làm mất lòng các nhà lãnh đạo ở những quốc gia đang tìm kiếm mối quan hệ mật thiết hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến thương mại quy mô toàn diện, thì công cụ mới này có khả năng vấp phải sự phản đối từ những người Âu Châu không hào hứng với việc bị lôi kéo vào cuộc chiến kinh tế với một cường quốc trên thế giới chỉ vì một quốc gia Baltic nhỏ ít hơn ba triệu dân. Ngoài ra, Nhật Bản đã cảnh báo EU xem xét lại biện pháp này, có thể là do các nỗ lực mong manh của chính họ nhằm ngăn cản quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc.
Bất chấp những tranh cãi đó, đề nghị mới này có tiềm năng to lớn để định hình lại các cuộc đàm phán đa phương của EU với các đối thủ kinh tế của họ. Mặc dù Brussels chuẩn bị đối mặt với Bắc Kinh về cuộc xung đột với Lithuania, nhưng vũ khí ngoại giao mới này có thể sẽ không phải chờ đợi lâu trước khi nó được sử dụng.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: