EU ký gói cho vay chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Phi Châu
Cuộc tranh giành thuộc địa ở Phi Châu đã kết thúc, nhưng cuộc tranh giành giữa các cường quốc để sở hữu khoản nợ của Phi Châu đang nâng lên một tầm cao mới.
Quan trọng là liệu Trung Quốc hay Liên minh Âu Châu sẽ thống trị châu lục này sở hữu bảy trong số 20 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và các khu vực đang đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng này.
Liên minh Âu Châu và Liên minh Phi Châu đã ký một gói phát triển trị giá 170 tỷ USD hôm 25/02 — một hành động được các nhà phê bình coi là nỗ lực cuối cùng nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Phi Châu.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, người hứa hẹn về “những kết quả khả quan”, đã nói: “Chưa bao giờ Âu Châu có một chiến lược đầu tư toàn cầu và cũng chưa bao giờ chúng tôi đưa ra một gói lớn và đầy tham vọng như vậy với Phi Châu.”
Gói vay hàng tỷ USD này là kế hoạch khu vực đầu tiên của Cổng Toàn cầu (Global Gateway) của Liên minh Âu Châu — một kế hoạch đầu tư nhằm huy động tới 300 tỷ EUR (328 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng công cộng và tư nhân trên khắp thế giới vào năm 2027.
Kế hoạch đầu tư mới vào Phi Châu này, bao gồm các mạng lưới giao thông, các dự án năng lượng, kỹ thuật số, giáo dục, và y tế là biện pháp chống trả của EU đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn cũng đang theo đuổi việc phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.
Ông David McNair, giám đốc điều hành tại ONE.org kiêm thành viên ban điều hành sáng lập của Tổ chức Âu Châu Phi Châu nói với The Epoch Times trong một email rằng, “Không còn nghi ngờ gì nữa, Cổng Toàn cầu là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng thách thức nằm ở chỗ liệu đây có thực sự là khoản đầu tư thực tế từ EU, hay đơn giản là hy vọng rằng số tiền viện trợ hiện có có thể được tận dụng để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy điều này nghiêng về về thứ hai.”
Ông nói: “Trung Quốc đã đầu tư rất nặng tay vào Phi Châu và đã hành động nhanh chóng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho một lục địa mà không thể nào chờ đợi thêm nữa.”
“Những người ủng hộ cho rằng Trung Quốc luôn nhiệt tình đáp ứng yêu cầu từ những quốc gia Phi Châu. Còn những người chỉ trích thì nói rằng các hợp đồng được thiết kế để xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc và không tạo ra đủ việc làm cho người Phi Châu.”
Ông McNair viết: “Nhưng nhu cầu và cơ hội là nhiều — rủi ro lớn nhất là Hoa Kỳ và Âu Châu không nhận ra được cơ hội của mình.”
Phi Châu năm nay đang phải đối mặt với sự cạnh tranh kinh tế từ Âu Châu, Trung Quốc, và Hoa Kỳ.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1 ngàn tỷ USD của Trung Quốc đã đưa Phi Châu trở thành thành phần khu vực lớn nhất trong nỗ lực thiết lập lại thương mại toàn cầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 06/2021, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn nhằm khuyến khích các nước Phi Châu kiến thiết nền kinh tế hậu COVID-19 hòa nhập, bình đẳng, và bền vững hơn.
Ông Joshua Meservey, nhà phân tích chính sách cao cấp về Phi Châu và Trung Đông tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), nói với The Epoch Times trong một email: “Đây không phải là nỗ lực tranh giành thời kỳ thuộc địa của Phi Châu, vì may mắn là các nước Phi Châu có nhiều quyền lực để quyết định số phận của riêng họ hơn là họ đã từng có trong thời kỳ tranh giành thực sự về Phi Châu.”
“Những người Phi Châu trung bình nên hy vọng vào sự can dự nhiều hơn của phương Tây vào các quốc gia của họ, vì các mục tiêu chính sách ngoại giao của các quốc gia dân chủ này có nhiều khả năng mang lại kết quả tốt hơn cho họ, nếu được thực hiện.”
Ông nói: “Nếu quý vị là một tầng lớp tinh hoa Phi Châu tham nhũng, thì quý vị muốn Trung Quốc can dự nhiều hơn vì khi đó quý vị sẽ có cơ hội hưởng lợi cá nhân nhiều hơn từ sự tham gia của họ.”
Do đó, Phi Châu có thể giành được những lợi ích đáng kể nếu các nhà lãnh đạo của lục địa này điều hướng sự cạnh tranh của các cường quốc bên ngoài một cách khôn ngoan với quyết tâm tối đa hóa lợi ích cho quốc gia của họ.
Ông McNair của ONE.org cho biết: “Các nhà lãnh đạo Phi Châu nhận ra rằng họ có các lựa chọn, mỗi một đối tác lại mang đến nghị trình của riêng họ, và đều tồn tại cả mặt lợi lẫn mặt hại khi hợp tác với mỗi bên.”
“Việc bảo đảm rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng diễn ra đủ nhanh để theo kịp với sự bùng nổ nhân khẩu học của Phi Châu, tránh những nguy cơ bị vỡ nợ là điều trọng yếu. Nhưng có lẽ rủi ro lớn nhất là trở nên quá phụ thuộc vào một đối tác duy nhất.”
“Âu Châu tập trung vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vốn là mối đe dọa lớn đối với lục địa Phi Châu, nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ xanh.
“Các nhà lãnh đạo Phi Châu sẽ tăng khả năng thương lượng nếu họ cùng hành động hơn là song phương.”
Nhưng, theo ông Kevin Jessip, người sáng lập Liên minh Chiến lược Toàn cầu, không có lợi ích lâu dài nào cho Phi Châu vì tất cả đều có “tâm lý chung giống nhau.”
“Tôi chỉ đơn giản là không tin tưởng các nhà lãnh đạo toàn cầu hóa ở EU vì họ không hơn Trung Quốc ở chỗ mối quan tâm của họ đặt vào một chính phủ chuyên chế chứ không phải trong việc đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân Phi Châu.”
Các nhà lãnh đạo Phi Châu muốn lật ngược sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vì nó đang tạo ra vấn đề nợ không bền vững trong khi nô dịch người dân Phi Châu.
Ông Jessip nói với The Epoch Times: “Trung Quốc sau đó sẽ cưỡng đoạt để lấy quyền khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác của dân tộc ấy.”
Ông Moussa Faki Mahamat, chủ tịch Ủy ban Liên minh Phi Châu cho biết tại hội nghị, Phi Châu đang phát triển sự đa dạng của các liên kết đối tác “không có cùng lịch sử, cũng không có cùng phạm vi với liên kết đối tác của chúng tôi với Âu Châu.”
Ông nói mà không cung cấp thêm chi tiết: “Những liên kết đối tác mới này không kém phần phù hợp và mang lại lợi ích cho Phi Châu, đứng từ góc độ này, thì cũng đáng được tôn trọng và cân nhắc.”
Ông Meservey của Quỹ Di sản cho biết: “Điều mà Phi Châu thực sự cần là cơ sở hạ tầng sản xuất kinh tế được mua sắm một cách trung thực.”
“Bởi vì các công ty Trung Quốc và các chính phủ Phi Châu thường xuyên che giấu chi tiết các giao dịch của họ với nhau, nên không thể biết liệu các dự án có đáp ứng tiêu chuẩn đó hay không.”
Ông Meservey nói với The Epoch Times: “Có lý do chính đáng để lo sợ rằng ít nhất một số không làm như vậy. Thường xuyên có các báo cáo về các dự án và đấu thầu đắt đỏ của Trung Quốc được trao cho các công ty Trung Quốc vi phạm luật mua sắm. Những người trả thuế Phi Châu sau đó bị mắc vào một cái bẫy.”
Đầu tháng này, Chính phủ Liên bang Nigeria cho biết họ “bị mắc kẹt với rất nhiều dự án … vì người Trung Quốc không còn tài trợ nữa”.
Bộ trưởng Giao thông Rotimi Amaechi nói với truyền thông địa phương: “Chúng tôi đang theo đuổi tiền ở Âu Châu.”
Nhưng ông Jessip cảm thấy “Trung Quốc rất nghiêm túc với Phi Châu và do đó đây là một vấn đề lớn đối với cả Hoa Kỳ và Âu Châu.”
“Trong tầm nhìn dài hạn, Trung Quốc đã rất kiên nhẫn và có phương pháp trong cách tiếp cận thông qua các chiến lược chiến tranh không hạn chế khác nhau và do đó, cả Hoa Kỳ và EU đều đang xuất phát từ một vị trí thấp kém.”
Anh Nalova Akua là một ký giả tự do đa phương tiện người Cameroon.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: