EU đưa ra cảnh báo sau khi ông Elon Musk rút Twitter ra khỏi thỏa thuận chống ‘thông tin giả’
Hồi cuối tuần qua (22/05-28/05), các quan chức cao cấp của Liên minh Âu Châu (EU) đã rất tức giận sau khi chủ sở hữu Twitter Elon Musk rút nền tảng truyền thông xã hội này ra khỏi “Bộ Quy tắc Thực hành” (Code of Practice) của khối này, điều mà các nhà phê bình cho là tương đương với một chế độ kiểm duyệt.
Ủy viên Thị trường Nội địa của EU, ông Thierry Breton, đã viết rằng Twitter đã rời khỏi Bộ Quy tắc Thực hành của khối này, sau khi các bài báo tuyên bố nền tảng này sẽ làm như vậy. Ông Breton cảnh báo Twitter sẽ phải đối mặt với một số trách nhiệm pháp lý.
“Twitter đang rời khỏi Bộ Quy tắc Thực hành tự nguyện chống thông tin giả của EU. Nhưng các nghĩa vụ vẫn còn. Dù quý vị có cố gắng trốn chạy đi nữa thì cũng phải đối mặt với việc này,” ông Breton viết. “Ngoài các cam kết tự nguyện, việc chống thông tin giả sẽ là nghĩa vụ pháp lý theo #DSA kể từ ngày 25/08. Các nhóm của chúng tôi sẽ sẵn sàng thực thi.”
Một quan chức EU cũng nói với tờ Euractiv rằng khối EU đang “chờ đợi điều này” và “đó hoàn toàn là một vấn đề thời gian” trước khi xuất hiện các bài báo nói rằng ông Musk sẽ rút lui.
Các quy tắc này được gọi là Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) yêu cầu các công ty quản lý rủi ro, tiến hành kiểm toán bên ngoài và độc lập, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu, đồng thời áp dụng một bộ quy tắc ứng xử từ tháng Tám.
19 công ty tuân theo các quy tắc này bao gồm Google Maps của Alphabet, Google Play, Google Search, Google Shopping, YouTube, Facebook, và Instagram của Meta, Marketplace của Amazon, App Store của Apple, và Twitter. Những công ty còn lại là hai đơn vị LinkedIn và Bing của Microsoft, booking.com, Pinterest, Snapchat của Snap Inc, TikTok, Wikipedia, Zalando, và AliExpress của Alibaba.
“Chúng tôi nhìn nhận 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm này đã trở nên có liên quan một cách có hệ thống và có các trách nhiệm đặc biệt để làm cho Internet an toàn hơn,” ông Breton nói với các phóng viên hồi đầu năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng những công ty đó sẽ phải tập trung vào cái gọi là thông tin giả.
Ông Breton cho biết ông đang kiểm tra xem liệu 4-5 công ty khác có phải tuân thủ DSA hay không, và dự kiến sẽ có một quyết định trong vài tuần tới. Ông Breton đã chỉ trích hệ thống kiểm duyệt nội dung của Facebook vì vai trò của hệ thống này trong việc xây dựng các ý kiến về các vấn đề then chốt.
“Giờ đây, Facebook đã được chỉ định là một nền tảng trực tuyến rất lớn, Meta cần điều tra cẩn thận hệ thống này và sửa chữa hệ thống này khi cần càng sớm càng tốt,” ông nói, và cho biết thêm: “Chúng tôi cũng cam kết thực hiện một bài kiểm tra mức độ căng thẳng với TikTok, ứng dụng này cũng đã bày tỏ sự quan tâm. Vì vậy, tôi rất mong nhận được một lời mời đến trụ sở chính của Bytedance để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của Tiktok.”
Trước đó, Twitter đã đồng ý về một bài kiểm tra mức độ căng thẳng, và ông Breton cho biết ông và nhóm của mình sẽ đến trụ sở chính của công ty này ở San Francisco vào cuối tháng Sáu năm nay để tiến hành thử nghiệm mô phỏng tự nguyện này. Ông Breton đã không nêu chi tiết bài kiểm tra sẽ đòi hỏi những gì.
Ông Breton cho hay, có những quy định đối với nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra, chẳng hạn như video giả như thật và hình ảnh tổng hợp, sẽ phải được gắn nhãn rõ ràng khi chúng xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm. Ông cũng nói rằng theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, các hành vi vi phạm có thể bị phạt với những khoản tiền phạt nặng lên tới 6% doanh thu hàng năm của một công ty.
Ông Breton cho biết các nền tảng sẽ phải “thiết kế lại hoàn toàn” hệ thống của họ để bảo đảm một mức độ riêng tư và an toàn cao cho trẻ em, bao gồm cả việc xác nhận độ tuổi của người dùng.
Ông nói, các Đại công ty Công nghệ (Big Tech) cũng sẽ phải cải tiến các hệ thống của họ để “ngăn chặn sự khuếch đại thuật toán của thông tin giả,” đồng thời cho biết ông đặc biệt lo ngại về hệ thống kiểm duyệt nội dung của Facebook trước cuộc bầu cử tháng Chín ở Slovakia.
Công ty mẹ của Facebook cho biết họ ủng hộ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số mới của EU. “Chúng tôi thực hiện các bước quan trọng để ngăn chặn sự lan truyền của nội dung độc hại trên Facebook và Instagram trên khắp EU,” Meta cho biết hồi vài tuần trước. “Mặc dù chúng tôi làm điều này quanh năm, nhưng chúng tôi nhận ra rằng điều này đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử và thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.”
Sự chỉ trích
Cuối năm 2022, ông Jacob Mchangama, một nhà sử học Đan Mạch, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, viết trong một bài bình luận rằng kế hoạch này sẽ là một ví dụ về việc “thuốc chữa bệnh” còn “tệ hơn cả căn bệnh.”
“Nhưng khi nói đến việc điều chỉnh phát ngôn, thì những ý định tốt không nhất thiết dẫn đến kết quả mong muốn,” ông viết cho tờ Los Angeles Times. “Trên thực tế, có những lý do mạnh mẽ để tin rằng luật pháp là một phương thuốc chữa bệnh còn tệ hơn cả căn bệnh, có khả năng dẫn đến thiệt hại bổ sung nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận trên khắp EU và bất kỳ nơi nào khác mà các nhà lập pháp cố gắng bắt chước.”
Mặc dù “việc xóa nội dung bất hợp pháp nghe có vẻ đủ vô tội,” nhưng ông viết rằng “không phải vậy.” Thuật ngữ đó — “nội dung bất hợp pháp” — được “định nghĩa rất khác nhau trên khắp châu Âu,” ông cho biết. “Ở Pháp, những người biểu tình đã bị phạt vì mô tả Tổng thống Macron là Hitler, và lời nói thù hận bất hợp pháp có thể bao gồm sự hài hước xúc phạm” trong khi “Áo và Phần Lan hình sự hóa hành vi báng bổ.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times