EU đề xướng chứng chỉ xanh cho năng lượng hạt nhân và khí đốt
Liên minh Âu Châu đã soạn thảo một đề xướng cho phép xem xét đưa khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân vào phạm vi đầu tư “xanh” khi các quốc gia và các nhà bảo vệ môi trường đấu tranh về hệ thống phân loại phức tạp.
Cuối tháng này, Ủy ban Âu Châu dự kiến sẽ đưa ra các khuyến nghị về các tiêu chí môi trường cần thiết để phân loại một nguồn năng lượng là “xanh” và liệu các dự án có thể được đưa vào “phân loại tài chính bền vững” của EU hay không. Theo các kết luận dự thảo được một số hãng thông tấn đưa tin, ủy ban đã đề nghị bổ sung khí đốt và năng lượng hạt nhân vào hỗn hợp xanh, điều này đã dẫn đến sự chỉ trích tức thời từ một số đảng chính trị và các nhà hoạt động môi trường.
Các dự án khí đốt sẽ tạm thời được dán nhãn xanh nếu chúng được sử dụng thay cho than đá và thải ra ít hơn 270 gam carbon dioxide tương đương mỗi kilowatt giờ (e/kWh), nhận được giấy phép xây dựng trước khi kết thúc năm 2030, và có kế hoạch chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Tương tự như vậy, năng lượng hạt nhân sẽ được xếp vào nhóm xanh nếu các nhà máy điện mới được cấp phép xây dựng vào năm 2045 đáp ứng các tiêu chí cụ thể không gây thiệt hại đáng kể cho môi trường xung quanh, cũng như tài nguyên nước. Hiện nay, các quốc gia Âu Châu đang trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ủy ban Âu Châu cho biết trong một tuyên bố hôm 01/01, “Dựa trên các tư vấn khoa học và tiến bộ công nghệ hiện tại cũng như các thách thức chuyển đổi khác nhau giữa các quốc gia thành viên, Ủy ban cho rằng khí đốt tự nhiên và hạt nhân có vai trò như một phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai chủ yếu dựa trên năng lượng tái tạo.”
Các cố vấn của EU đã tranh luận rằng các dự án khí đốt không nên được dán nhãn xanh trừ khi lượng khí carbon dioxide thải ra dưới 100 gam/e/kWh, nếu không hậu quả có thể rất thảm khốc đối với khí hậu. Tương tự như vậy, năng lượng hạt nhân có thể có những tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là khi liên quan đến việc xử lý chất thải phóng xạ.
Một số quốc gia Âu Châu đang vận hành các nhà máy điện hạt nhân, chẳng hạn như Pháp, muốn khối này cân nhắc lựa chọn hạt nhân được đưa vào cái gọi là hệ thống phân loại để làm cho chúng đủ điều kiện nhận tài chính xanh.
Hôm 02/01, Bộ trưởng phụ trách các Vấn đề Âu Châu của Pháp Clement Beaune cho biết EU không thể trở nên trung hòa carbon nếu không có năng lượng hạt nhân. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Đức, phản đối việc coi các nguồn hạt nhân là một lựa chọn năng lượng tái tạo khả thi. Nước này đang trong quá trình đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.
Những người ủng hộ kế hoạch của EU cho rằng khí đốt sẽ giúp quá trình chuyển đổi từ than đá trở nên suôn sẻ và an toàn hơn, trong khi năng lượng hạt nhân tạo ra lượng khí thải carbon bằng không. Những người phản đối cho rằng kế hoạch này làm suy yếu quá trình chuyển đổi hiện tại theo hướng không phát thải ròng.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck, người đại diện cho các nhà sinh thái học Xanh trong chính phủ liên minh của nước này cho biết: “Các đề xuất của Ủy ban Âu Châu làm suy yếu nhãn hiệu phù hợp cho sự bền vững.”
Ông Habeck cũng cáo buộc ủy ban này đã có hành vi greenwashing – tức đưa ra các chính sách có vẻ thân thiện với khí hậu nhằm mục đích nhận được các khoản đầu tư và ưu đãi trong khi thực tế không phải như vậy.
EU đã trở thành tiên phong trong xu hướng toàn cầu về việc chống lại các nguồn năng lượng gây hại cho môi trường như than đá, và đề xướng mới sẽ xác định cách thức khối này đáp ứng các cam kết trong tương lai. Nếu đa số các quốc gia thành viên ủng hộ đề xướng này, nó sẽ trở thành luật và có hiệu lực vào năm 2023.Follow
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức chuyên đưa tin về kinh doanh và các vấn đề thời sự thế giới tại The Epoch Times.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: