EU có thể thanh toán khí đốt bằng đồng rúp mà không vi phạm lệnh trừng phạt
Hôm 21/04, Ủy ban Âu Châu đã ban hành hướng dẫn mới cho các quốc gia thành viên, thừa nhận rằng bên mua khí đốt của Nga ở Âu Châu “dường như có thể” thanh toán theo các điều khoản trong nghị định của Moscow về việc quy đổi đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nhiều quốc gia Âu Châu trong khối Đồng tiền chung Euro phụ thuộc nhiều vào 40% nhu cầu năng lượng từ Nga, đặc biệt là các nền kinh tế quan trọng như Đức.
Có một mối lo ngại len lỏi khắp các thủ đô của Âu Châu, rằng việc cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hoặc thậm chí là một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Hôm 31/03, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một nghị định yêu cầu các nước trừng phạt Nga về cuộc chiến ở Ukraine phải mua khí đốt của nước này bằng đồng rúp thay vì trả bằng đồng dollar hoặc đồng Euro, thông qua hệ thống chuyển đổi tiền tệ mới của họ, nếu không sẽ có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp.
Bản hướng dẫn được gửi tới các quốc gia thành viên tạo một kẽ hở để họ có thể thanh toán khí đốt của Nga mà không mâu thuẫn với luật của EU.
Brussels thừa nhận rằng các quy định mới từ Moscow bổ sung vào khuôn khổ pháp lý theo cách có thể chấp nhận được, đủ để các hợp đồng cung cấp được thực hiện hợp pháp giữa các nhà cung cấp khí đốt của Nga và các nhà nhập cảng phương Tây, nhưng với các nghĩa vụ pháp lý nhất định đối với từng công ty có trụ sở tại EU, mà theo đó không được có mâu thuẫn rõ rệt với các lệnh trừng phạt.
Trong tài liệu tư vấn này, Ủy ban Âu Châu cho biết: “Các công ty EU có thể yêu cầu các đối tác Nga của họ thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng của họ theo cách tương tự như trước khi thông qua nghị định, tức là bằng cách trả số tiền đến hạn này bằng đồng euro hoặc đồng dollar.”
“Nghị định này không loại trừ quy trình thanh toán tuân thủ các biện pháp hạn chế của EU. Tuy nhiên, thủ tục cho các sai phạm theo quy định trong nghị định vẫn chưa rõ ràng.”
Bản ghi nhớ cho biết: “Nghị định đưa ra một thủ tục thanh toán mới, theo đó việc gửi euro hoặc dollar vào tài khoản của nhà cung cấp không còn được coi là việc hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng.”
Họ kết luận, “Thay vào đó, euro hoặc USD mà các công ty EU nhận được cần phải được chuyển đổi thành rúp theo nghị định, và các công ty EU chỉ được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng sau khi quá trình chuyển đổi hoàn tất thành công và thanh toán đã được thực hiện bằng đồng rúp.”
Theo các quy định mới của Nga, Điện Kremlin sẽ cho phép Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện các giao dịch trao đổi tiền tệ liên quan đến tài sản và dự trữ của ngân hàng, vốn trên giấy tờ bị cấm theo lệnh trừng phạt của EU.
Brussels cho biết: “Vì quá trình chuyển đổi có thể mất một khoảng thời gian không xác định, trong thời gian đó ngoại tệ hoàn toàn nằm trong tay các cơ quan chức năng của Nga, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương, nên nó thậm chí có thể được coi là một khoản vay do các công ty EU cấp.”
Ngoài ra, Ủy ban Âu Châu cũng cho biết các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga không cấm các giao dịch với Gazprom hoặc Gazprombank ngoài việc tái cấp vốn.
Theo Ủy ban Âu Châu, “Tương tự như vậy, họ không cấm mở tài khoản với Gazprombank. Tuy nhiên, sự tham gia hoặc tài khoản như vậy không được dẫn đến việc vi phạm các điều cấm khác.”
Trong khi đó, Chính phủ Anh đã ban hành giấy phép tạm thời hôm 21/04, cho phép cắt giảm các giao dịch tài chính hiện có với Gazprombank kể từ việc phát hành hợp đồng cho đến cuối tháng Năm đối với khí đốt tự nhiên nhập cảng vào EU.
Giấy phép do Kho bạc Vương quốc Anh cấp chỉ được cấp “cho mục đích cung cấp khí đốt để sử dụng ở Liên minh Âu Châu.”
Hôm 22/04, tại Hoa Thịnh Đốn, Tòa Bạch Ốc cho biết, họ hoàn toàn tin tưởng rằng các đồng minh Âu Châu của Mỹ vẫn quyết tâm duy trì hơn nữa các nỗ lực chung nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt dầu khí đối với Moscow.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: