EU chính thức trao tư cách ứng viên cho Ukraine
Các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu (EU) hôm 23/06 đã cùng nhau đồng ý trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU, mặc dù không rõ liệu quốc gia Đông Âu này có trở thành một trong những thành viên của liên minh này hay không.
Ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Âu châu, xác nhận rằng các nhà lãnh đạo đã chấp thuận tư cách ứng viên EU không chỉ cho Ukraine, mà cả quốc gia láng giềng Moldova. Khối liên minh này đã không chào đón bất kỳ quốc gia mới nào kể từ khi Croatia gia nhập hồi năm 2013.
Tư cách ứng cử viên của EU không trao tư cách thành viên, có thể còn hàng thập niên nữa, và điều đó không có nghĩa là Ukraine đang cố gắng gia nhập NATO — một tổ chức khác theo định hướng quốc phòng. Tuy nhiên, ông Michel gọi thông báo này là một “thời khắc lịch sử” trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, vốn đã diễn ra khốc liệt từ 24/02.
“Hôm nay đánh dấu một bước quan trọng trên con đường hướng tới EU,” ông viết trong một bài đăng trên Twitter có đề cập đến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hội đồng Âu châu cũng đã quyết định “công nhận quan điểm Âu Châu của Georgia và sẵn sàng cấp tư cách ứng viên khi các ưu tiên hiện có được giải quyết,” ông Michel tiếp tục viết trên trang mạng xã hội.
Đáp lại, ông Zelensky viết rằng quyết định của Hội đồng Âu châu về việc cấp tư cách ứng cử viên cho quốc gia của ông là “một thời khắc lịch sử và độc nhất” trong quan hệ giữa Liên minh Âu châu và Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết rằng, “Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình dài mà chúng ta sẽ cùng nhau bước đi. Người dân Ukraine thuộc về gia đình Âu châu. Tương lai của Ukraine là với EU. Chúng ta sát cánh cùng nhau vì hòa bình.”
Ông Vsevolod Chentsov, trưởng phái bộ của Ukraine tại EU, cho biết thông báo này gửi một thông điệp tới Điện Kremlin trong bối cảnh xung đột kéo dài nhiều tháng qua.
Tư cách ứng cử viên EU là một “cử chỉ thể hiện sự tin tưởng,” ông Chentsov nói với tờ Washington Post hồi đầu tuần này (20-26/06), đồng thời cho biết thêm, “EU tin rằng Ukraine có thể làm được điều này.”
Tuy nhiên, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa mới đây nói với tờ Financial Times rằng tuyên bố ứng viên tạo ra “kỳ vọng sai lầm” cho Ukraine, cho thấy việc gia nhập EU là một tiến trình lâu dài. Ukraine sẽ phải điều chỉnh hệ thống chính trị và tư pháp của mình cho phù hợp với hệ thống của khối liên minh.
Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đăng ký gia nhập EU hồi năm 1987, vẫn chưa được chấp nhận. Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia, Albania, và Bosnia đã đàm phán với EU trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên qua.
Theo The Post, tuần trước, Ủy ban Âu châu đã đưa ra sáu bước mà Ukraine phải thực hiện trước khi có thể tiến lên và thậm chí chỉ để được xem xét, bao gồm giảm ảnh hưởng của các nhà tài phiệt, tạo ra luật mới để bảo đảm việc lựa chọn các thẩm phán tốt hơn, và tăng cường truy tố các vụ án tham nhũng.
Trong tuần này thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết EU phải “cải cách các thủ tục nội bộ của mình” để chuẩn bị cho việc gia nhập các thành viên mới, chỉ ra nhu cầu về các vấn đề quan trọng phải được thống nhất theo đa số đủ điều kiện thay vì toàn bộ đều đồng ý.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.