ESG: Sự hợp nhất quyền lực giữa nhà nước và doanh nghiệp
Các tập đoàn và chính phủ hình thành liên minh để vận động tuyên truyền về xã hội và môi trường
Trong năm 2022, trong bối cảnh diễn ra suy thoái kinh tế, lạm phát kỷ lục, và thị trường chứng khoán lao dốc, một hệ tư tưởng doanh nghiệp được biết đến với tên viết tắt là ESG đã nổi lên từ chỗ ít ai biết để trở thành một chủ đề hàng đầu. Hệ tư tưởng này được gọi bằng nhiều cái tên, từ một công cụ quản lý rủi ro và một phong trào vì thế giới sạch hơn và công bằng hơn, cho đến là “một khái niệm lừa đảo,” một “sự gian lận,” và thậm chí — như trong tweet của ông Elon Musk — “hiện thân của ác ma.”
Bản thân thuật ngữ này cũng không có gì rõ ràng; ESG tập hợp các động cơ về môi trường, xã hội, và quản trị trong cùng một nhóm. Thành phần về môi trường bao gồm những điều như chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang phong năng và quang năng, và chuyển đổi từ các loại xe hơi chạy bằng xăng sang các loại xe điện.
Thành phần về xã hội bao gồm bình đẳng về chủng tộc và giới tính, đào tạo về sự đa dạng cho nhân viên, bình đẳng kinh tế, và kiểm soát súng. Thành phần về quản trị tập trung vào cách các công ty vận hành và bao gồm hạn ngạch về chủng tộc và giới tính cho các hội đồng quản trị, ban lãnh đạo, và nhân viên, và — trong trường hợp của Exxon — đưa những người ủng hộ năng lượng xanh vào hội đồng quản trị.
Nguồn gốc của hệ tư tưởng ESG
Phong trào ESG là một hình thức phái sinh của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDG). Có tất cả 17 mục tiêu SDG, từ “không nghèo, không đói, và sức khỏe tốt” đến “tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm” và “các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững.”
Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp quyền lực nhất thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, đã ký kết một liên kết hợp tác chiến lược với Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy các SDG trong toàn bộ khối doanh nghiệp. WEF, do nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Klaus Schwab dẫn dắt, đã ban hành “Tuyên ngôn Davos 2020: Mục đích Phổ quát của một Doanh nghiệp trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” (“Davos Manifesto 2020: The Universal Purpose of a Company in the Fourth Industrial Revolution”).
Bản tuyên ngôn này tuyên bố rằng “một công ty không chỉ là một đơn vị kinh tế tạo ra của cải. Một công ty phải đáp ứng các nguyện vọng của con người và xã hội như một phần của hệ thống xã hội rộng lớn hơn.”
Trong cuộc họp thường niên đó, ông Schwab nói với giám đốc điều hành các tập đoàn và các lãnh đạo thế giới tề tựu tại đó rằng, “Rõ ràng là tương lai không chỉ đang diễn ra; tương lai là do chúng ta tạo lập, do một cộng đồng hùng mạnh ở đây trong căn phòng này. Chúng ta có các phương tiện để cải thiện hiện trạng của thế giới.”
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC hồi năm 2020, CEO của Bank of America đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Quốc tế của WEF, ông Brian Moynihan, cho biết, “Để giải quyết những vấn đề to lớn mà thế giới đang đối mặt — đây là tuần lễ của Liên Hiệp Quốc và các SDG là bản tuyên bố cho thế giới về những gì chúng ta muốn đạt được tiến triển — quý vị phải hướng sự chỉ trích vào chủ nghĩa tư bản.”
Hôm 04/11, 100 giám đốc điều hành từ Liên minh các CEO Lãnh đạo Khí hậu (Alliance of CEO Climate Leaders) đã ban hành một bức thư chung gửi những người tham dự Hội nghị về Biến đổi Khí hậu (COP27), nêu rõ, “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác song hành với các chính phủ để đưa ra hành động mạnh mẽ về khí hậu.”
“Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang trạng thái phát thải ròng bằng không (net zero) đòi hỏi sự hợp tác đáng kể và chia sẻ trách nhiệm giữa các khu vực tư và công.”
Các bên ký kết vào bức thư nói trên bao gồm Coca-Cola, Dell, Hewlett Packard, Microsoft, Nestle, PepsiCo, Siemens, Sysco, và Unilever.
Trình bày tại hội nghị COP27, cựu Phó tổng thống Al Gore cũng đồng tình, khi cho biết, “Chúng ta cần 4.5 nghìn tỷ dollar mỗi năm để thực hiện quá trình chuyển đổi này, và điều đó chỉ có thể xảy ra bằng cách phóng thích khả năng tiếp cận nguồn vốn tư nhân.”
Cây bút đồng thời là nhà phân tích chính trị Michael Rectenwald nói với The Epoch Times, “Đây là một chiến dịch quy mô lớn đã lan rộng đến gần như toàn bộ thế giới doanh nghiệp. Các hoạt động của WEF mở rộng đến hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội.”
Hơn 500 tập đoàn lớn nhất thế giới đã ký cam kết hỗ trợ các mục tiêu ESG trong các ngành nghề, trong đó có ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài sản, công nghệ, truyền thông, năng lượng, sản xuất, và vận tải. Những cam kết này được ký kết như là một phần tư cách thành viên trong các câu lạc bộ quốc tế như Hành động Khí hậu 100+ (Climate Action 100+), Liên minh Tài chính Glasgow Net Zero (GFANZ), Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA), và Liên minh các Nhà quản lý Tài sản Net Zero. Không có phân khúc nào của nền kinh tế Mỹ nằm ngoài tầm với của phong trào này.
Bắt nguồn từ các viện nghiên cứu chính sách của Liên Hiệp Quốc và các phòng hội nghị của WEF, ESG sau đó đã được chuyển giao cho thế giới doanh nghiệp thông qua Wall Street, được quảng bá như một chiến lược đầu tư cho các công ty để tuân theo, một cách tự nguyện hoặc không tự nguyện.
Bà Carole Crozat, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững của tập đoàn quản lý tài sản BlackRock giải thích với các nhà đầu tư rằng “trong khi đo lường mức độ phù hợp của các khoản đầu tư với các SDG của Liên Hiệp Quốc là một nhiệm vụ phức tạp và đang tiến triển, chúng tôi tin rằng việc tích hợp những mục tiêu này vào trong các quyết định đầu tư có thể giúp bảo đảm hiệu quả tài chính dài hạn.”
“Việc chuyển hướng nguồn vốn sang các SDG của Liên Hiệp Quốc có thể mang lại 12 ngàn tỷ dollar cơ hội thị trường liên quan đến chất lượng cuộc sống lâu dài của chúng ta về mặt xã hội và môi trường.”
ESG trong thực tế
Về nguyên tắc, ESG có nghĩa là các công ty nhìn xa hơn việc tạo ra lợi nhuận và cân nhắc những vấn đề về chính trị và đạo đức cao hơn như phúc lợi của hành tinh này; trên thực tế, ESG có nghĩa là các tập đoàn trở thành các tác nhân chính trị cho các động cơ của cánh tả. Khái niệm này còn được gọi là “chủ nghĩa tư bản vì lợi ích của các bên liên quan” (stakeholder capitalism), đã được các CEO trên toàn giới doanh nghiệp ủng hộ.
Đại diện trình bày cho Bank of America, ông Moynihan cho biết, “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các công ty làm ESG tốt sẽ hoạt động tốt hơn … Điều này định nghĩa chủ nghĩa tư bản theo cách mà mọi người muốn định nghĩa, đó là chủ nghĩa tư bản vì lợi ích của các bên liên quan và giải quyết các vấn đề lớn của thế giới.”
Chủ nghĩa tư bản vì lợi ích của các bên liên quan có nghĩa là, thay vì trả lời riêng cho các cổ đông, thì các CEO sẽ tập trung vào nhân viên, môi trường, và xã hội nói chung. Với tư cách là người đứng đầu Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh (Business Roundtable), một câu lạc bộ gồm các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, CEO ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, đã tán dương tuyên bố của câu lạc bộ này hồi năm 2019 rằng từ đó các giám đốc điều hành tập đoàn sẽ tuân theo tư tưởng vì lợi ích của các bên liên quan, khi tuyên bố rằng giấc mơ Mỹ đang “tan thành mây khói” và “những nguyên tắc hiện đại hóa này phản ánh cam kết kiên định của cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục thúc đẩy một nền kinh tế phục vụ cho hết thảy người dân Mỹ.”
Theo các nguyên tắc của ESG, các ngân hàng định hướng theo hệ tư tưởng vì lợi ích các bên liên quan như JPMorgan Chase đã từ chối cho vay đối với các công ty khoan dầu ở Alaska. Delta Airlines, Coca Cola, và Major League Baseball đã đấu tranh chống lại luật ID của cử tri tại Georgia mà các công ty này cho là phân biệt chủng tộc.
Các công ty thực phẩm lớn nhất thế giới như Nestle, Danone, Kellogg’s, General Mills, và Unilever khuyến khích — và đôi khi là gây áp lực — lên hàng trăm ngàn nông dân, những người cung cấp cho các công ty này, thực hiện phương thức canh tác được Liên Hiệp Quốc chấp thuận gọi là “nông nghiệp tái sinh” (“regenerative agriculture”).
Là một phần của các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc và ESG nhằm giảm thiểu các vụ xả súng, các ngân hàng như Citibank đã hạn chế cho vay đối với ngành công nghiệp vũ khí. Các công ty thẻ tín dụng như Visa, Mastercard, và American Express đã bắt đầu theo dõi các giao dịch mua hàng từ các cửa hàng súng.
Chủ tịch ngân hàng Amalgamated Bank, bà Priscilla Sims Brown, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS rằng “nơi nào có thể có hoạt động bán súng nhắm vào các thị trường chợ đen hoặc chúng tôi thấy các hình thức mua bán súng được thực hiện ở nhiều cửa hàng súng … chúng tôi có thể cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý để điều tra.” PayPal đã tiến một bước xa hơn và từ chối cho phép sử dụng các dịch vụ thanh toán của mình để mua súng hoặc đạn dược.
Tuân theo các tiêu chí xã hội của ESG, Disney đã đấu tranh để bãi bỏ một luật của tiểu bang Florida nhằm cấm giảng dạy các chủ đề về tình dục cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp ba, điều mà Disney cho là vi phạm nhân quyền. Các giám đốc điều hành của Disney cũng đã thông báo trong một cuộc họp nhân viên rằng họ đã “thêm sự kỳ quặc” (gọi là “queerness” của người đồng tính) và “thúc đẩy một nghị trình đồng tính không-quá-bí-mật” trong các chương trình dành cho trẻ em mà công ty này sản xuất.
Các công ty thông qua hội đồng quản trị đã bắt đầu thực hiện đào tạo về sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập cho nhân viên, với việc Coca Cola kêu gọi nhân viên “bớt trắng hơn,” và công ty quản lý tài sản Vanguard hướng dẫn nhân viên nam da trắng của công ty chấp nhận những lời chỉ trích “khó chịu” về thành kiến phân biệt chủng tộc của họ đối với những người thuộc nhóm thiểu số. United Airlines đặt ra hạn ngạch về chủng tộc và giới tính trong việc thuê phi công mới, và Bank of America thông báo rằng họ sẽ cung cấp các khoản cho vay không có khoản trả trước cho những người thuộc nhóm thiểu số muốn mua nhà.
WEF, Bank of America, Disney, Coca-Cola, và PayPal đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Một cỗ máy kiếm tiền mở rộng ra toàn cầu
ESG không chỉ là một hệ tư tưởng, khái niệm này còn là một ngành công nghiệp. Các quỹ đầu tư ESG và những tài sản khác đã nhanh chóng phát triển trong thập niên vừa qua để đạt mức 55 nghìn tỷ dollar trên toàn thế giới. Các tài sản ESG dự kiến sẽ tăng lên 100 nghìn tỷ dollar vào năm 2025.
Theo đúng như triển vọng, toàn bộ GDP của Hoa Kỳ hiện nay là khoảng 21 nghìn tỷ dollar. Ngành ESG là một ngành rất lớn và có sức lan tỏa; ngành này sinh lợi; và đã tạo ra một mạng lưới rộng lớn bao gồm các nhóm lợi ích — các nhà tư vấn, cơ quan xếp hạng tín nhiệm, các kế toán viên, nhà quản lý đầu tư, và đại lý ủy quyền — ủng hộ thuyết bất khả tri. Thông thường, các công ty áp đặt xếp hạng ESG cho các công ty, các quốc gia, và thậm chí là các tiểu bang của Mỹ, cũng sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn có trả phí để giúp các nhóm đối tượng trên cải thiện điểm xếp hạng của mình.
Nhân tố thúc đẩy chính của phong trào ESG là các ngân hàng và các quỹ đầu tư ở Wall Street, những tổ chức kiểm soát vốn của nền kinh tế thế giới. Ba nhà quản lý tài sản lớn nhất, gồm BlackRock, Vanguard, và State Street, cùng nhau kiểm soát hơn 20 nghìn tỷ dollar trong các tài sản được quản lý. Bởi vì các tổ chức này quản lý các quỹ chỉ số, nên họ sở hữu cổ phần trong hầu hết các công ty được đưa vào các chỉ số thị trường như S&P 500.
“Nếu quý vị chỉ nhìn vào BlackRock, thì công ty này là cổ đông lớn thứ nhất, thứ nhì, hoặc thứ ba trong 80% công ty nằm trong S&P 500,” cựu CEO của CKE Restaurants Andrew Puzder nói với The Epoch Times. “Công ty này sử dụng sức mạnh biểu quyết to lớn đó, không chỉ để thúc đẩy nghị trình kinh tế của cánh tả, mà còn đặt nghị trình đó lên trên nghĩa vụ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư.”
BlackRock, State Street, và Vanguard không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Ông Will Hild, Giám đốc điều hành của Consumers’ Research, nói với The Epoch Times rằng “cách mà các nhà quản lý quỹ này sử dụng ESG để thúc đẩy chính trị cấp tiến là đa diện. Cách đầu tiên và có lẽ là công khai nhất chính là họ có quyền bầu chọn trong các cổ phiếu mà họ đang quản lý.”
“Một cách thầm lặng hơn, và ít công khai hơn là các nhà quản lý quỹ có những gì mà họ gọi là các cuộc họp gắn kết với ban lãnh đạo công ty về những vấn đề này,” ông Hild cho biết. “Và khi họ xuất hiện, họ không nói: này, chúng tôi chỉ đang đại diện cho chính mình, mà họ nói chúng tôi đại diện cho quyền sở hữu của 7.5-20% cổ phần được giao dịch công khai của quý vị. Cùng nhau, BlackRock, State Street, và Vanguard sẽ là cổ đông lớn nhất trong 90% của S&P 500.”
Trình bày tại hội nghị của New York Times, CEO BlackRock Larry Fink dường như đã nhấn mạnh điểm này, ông nói rõ: “Các hành vi sẽ phải thay đổi và đây là một điều mà chúng tôi đang yêu cầu các công ty. Quý vị phải thúc ép các hành vi này và ở đây ngay tại BlackRock, chúng tôi cũng đang thúc ép các hành vi.” Ông Fink viết một bức thư thường niên gửi đến các CEO, đưa ra các ưu tiên trong năm tới.
“Nếu quý vị đã đọc bức thư thường niên gửi cho các CEO, thì thật ra ông Larry Fink nghĩ rằng ông cần phải nói với các CEO của thế giới mỗi năm về những gì BlackRock nghĩ,” ông Puzder cho biết. “Ông ấy không phải dự mọi cuộc họp cổ đông, mà chỉ nói cho các công ty những gì cần phải thực hiện trong một bức thư. Và bức thư năm ngoái cho biết chúng ta cần đạt mức phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050, điều này đòi hỏi một sự chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế.”
Bất chấp luận điệu trái ngược và tư cách thành viên trong nhiều tổ chức ESG khác nhau trên toàn cầu, BlackRock đã kịch liệt phủ nhận rằng họ sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy một nghị trình chính trị. Trả lời một bức thư (pdf) từ 19 tổng chưởng lý tiểu bang, những người cáo buộc rằng “BlackRock đã sử dụng tài sản của công dân để gây áp lực buộc các công ty phải tuân thủ những thỏa thuận quốc tế chẳng hạn như Thỏa thuận chung Paris, vốn bắt buộc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch,” BlackRock phản bác (pdf) rằng các quỹ của công ty được đánh giá cao từ khía cạnh hiệu suất và “việc chúng tôi tham gia vào các sáng kiến này là hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ ủy thác của chúng tôi.”
Các tổ chức tài chính khác cũng đã cam kết ủng hộ cho phong trào ESG bao gồm Bank of America, Citibank, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo, HSBC, Deutsche Bank, và UBS. Và khi cam kết trung thành với các mục tiêu ESG, thì các công ty không chỉ liên kết với nhau, mà còn liên kết với các chính phủ.
“Ngày càng trở nên khó khăn để biết được điểm kết nối nơi khu vực tư nhân kết thúc và chính phủ bắt đầu,” ông Alex Newman, CEO của Liberty Sentinal Media, nói với The Epoch Times. “Chúng ta đang chứng kiến sự hợp nhất của cả hai.”
JPMorgan Chase, Citibank, Goldman Sachs, và Morgan Stanley cũng không phúc đáp yêu cầu bình luận.
“Theo kinh nghiệm của tôi, các ngân hàng lớn tại Wall Street không phải là các tổ chức từ thiện,” ông Vivek Ramaswamy, doanh nhân đồng thời là nhà sáng lập Strive Asset Management, nói với The Epoch Times. “Quý vị nhìn vào các công ty được hưởng các gói hỗ trợ từ chính phủ, tương tự như những người nhận được gói kích cầu COVID-19, thì rất nhiều nguồn vốn trong số đó đã chảy qua BlackRock.”
Ông Tom Jones, chủ tịch của American Accountability Foundation, nói với The Epoch Times: “Những gì chúng tôi đang thấy là một cánh cửa quay vòng mới tại Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi đang thấy các nhà hoạt động thiên tả, cho dù họ có làm trong chính phủ hoặc hiện diện ở Capitol Hill hay không, thay vì rời khỏi những vị trí này và đến K Street để trở thành những nhà vận động hành lang ở Hoa Thịnh Đốn, thì những gì chúng tôi thấy hiện giờ là họ sẽ đến Wall Street. Và những người này đang sử dụng sức ảnh hưởng to lớn mà các công ty ở Wall Street sở hữu để thực sự thúc đẩy chính sách ở cấp tiểu bang và cấp địa phương theo cách mà họ chưa từng làm trước đây.”
Ví dụ, ông Brian Deese, người hiện là giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, từng là giám đốc toàn cầu về đầu tư bền vững tại BlackRock, ông Hild lưu ý.
“Và có cả ông Tom Donilon, người hiện đang chịu trách nhiệm về một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của chúng ta với Trung Quốc. Và một lần nữa, ông ta trực tiếp đến từ BlackRock và điều đó vẫn sẽ diễn ra trong tương lai.”
“Chính phủ Tổng thống Biden có rất nhiều người của BlackRock, và trong một số trường hợp, một số vấn đề mà những người này thực hiện lúc còn ở BlackRock thậm chí là rất đáng sợ. Ví dụ, ông Tom Donilon, đã đề nghị với các khách hàng khi ông còn làm việc ở đó rằng các khách hàng cần tăng số lần tiếp xúc với Trung Quốc lên gấp ba lần, và bây giờ ông Tom Donilon đang phụ trách một phần chính sách ngoại giao với Trung Quốc của chính phủ Tổng thống Biden.”
Thiếu sự dân chủ
Điều nổi bật về ESG là khi kết hợp các tập đoàn và chính phủ vì mục tiêu chung, thì ESG đã tạo ra một cơ cấu quyền lực mới mà thường thay thế luật pháp quốc gia và vượt qua Hiến Pháp. Bằng việc phối hợp với các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp đã tham gia vào việc thực thi, kiểm duyệt, và giám sát không có trát lệnh, thường thực hiện những gì mà pháp luật ngăn cấm chính phủ thực hiện.
Một số người tin rằng liên minh công-tư coi thường các thể chế dân chủ này là cần thiết, vì các cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang đối mặt — trong đó có biến đổi khí hậu và phân biệt chủng tộc — là rất nghiêm trọng.
“Khủng hoảng khí hậu là về an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh quốc gia và chính sự sống của hành tinh này,” Tổng thống Joe Biden trình bày trong một bài diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh COP27 của Liên Hiệp Quốc hôm 11/11.
Kêu gọi một “cuộc cách mạng bền vững” tại hội nghị COP27, cựu Phó Tổng thống Al Gore đã lên án “văn hóa chết chóc bao quanh việc chúng ta nghiện nhiên liệu hóa thạch bằng cách đào bới các sinh mệnh đã chết và đốt chúng một cách liều lĩnh theo cách tạo ra nhiều sự chết chóc hơn.”
Nhưng những người khác lại cảnh giác về việc tập trung quyền lực và thẩm quyền vào tay quá ít người, và việc công chúng mất đi tiếng nói hoặc quyền bỏ phiếu trong những quyết định quan trọng như vậy về tương lai.
“Làm thế nào quý vị giải quyết vấn đề bất bình đẳng chủng tộc hoặc biến đổi khí hậu toàn cầu, đây là những câu hỏi đủ quan trọng mà chúng ta nên giải quyết thông qua tự do ngôn luận và tranh luận tại quảng trường công cộng bằng cách đưa người vào cơ quan chính phủ, những người có trách nhiệm giải trình với cử tri Mỹ. Các doanh nghiệp không có trách nhiệm giải trình, ông Larry Fink cũng không có trách nhiệm giải trình,” ông Ramaswamy cho biết.
“Đây chính là trọng tâm của vấn đề có từ năm 1776, khi mà chúng ta nói rằng dù tốt dù xấu, thì người dân quyết định cách giải quyết các vấn đề chính trị phổ biến này thông qua quy trình chính trị nơi tiếng nói và phiếu bầu của mỗi người đều được xem trọng như nhau.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times