Email qua lại giữa Hunter Biden và Trung Quốc là có thật, cũng như tính thiên vị của các hãng truyền thông thiên tả
Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mà ông Joe Biden đã giành chiến thắng, tờ New York Post đã tung ra một bài báo chấn động căn cứ vào các email của con trai ông Biden là Hunter Biden, trong đó chỉ ra rằng ông Biden đã có hành vi tham nhũng. Bài báo được xuất bản hồi tháng 10/2020, được gói gọn bằng câu châm biếm hài hước là “10% cho ông lớn,” điều mà ông Biden chưa bao giờ phủ nhận, đã bị các kênh truyền thông thiên tả dập tắt và phần lớn là phớt lờ, và còn bị Twitter kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt thiên tả đó có thể đã dẫn đến việc ông Biden đắc cử thay vì cựu Tổng thống Donald Trump. Rõ ràng, đối với họ, việc khiến ông Biden đắc cử quan trọng hơn một cáo buộc tham nhũng liên quan đến Trung Quốc của ông ta. Giờ đây, sau gần một năm trôi qua, một cây viết của tờ Politico cuối cùng đã xác nhận câu chuyện này.
Điều này là một lời khẳng định thêm cho thông tin tờ Wall Street Journal đưa ra vốn chứng thực và mở rộng thêm câu chuyện của tờ New York Post, thông qua các email thu thập được từ đối tác kinh doanh cũ của ông Hunter là ông Tony Bobulinski. “Chúng cho thấy rằng ông Hunter đã tìm cách lợi dụng danh tiếng của bản thân để trục lợi thông qua một thỏa thuận kinh doanh với một công ty có trụ sở tại Thượng Hải có liên hệ với chính quyền và quân đội Trung Quốc. Một email lưu ý rằng thỏa thuận này đã dự tính ‘10 do H nắm giữ là dành cho ông lớn,’ người mà ông Bobulinski xác định là ông Joe Biden,” theo các biên tập viên của The Journal.
Bắc Kinh có thể nhận lại được gì từ số tiền của họ? Hồi tháng 05/2019, ông Biden đã rất nhiệt thành phủ nhận việc Trung Quốc là một mối đe dọa, điều này đi ngược lại quan điểm của cả hai đảng.
“Trung Quốc sẽ đánh bại chúng ta sao? Thôi nào, mọi người…họ thậm chí không thể tìm ra cách ứng phó với thực tế là họ có sự chia rẽ sâu sắc giữa biển Trung Hoa và các dãy núi ở phía đông, ý tôi là ở phía tây”. Ông Biden tiếp tục, “Họ không thể tìm ra cách để giải quyết tình trạng tham nhũng đang tồn tại trong hệ thống [của mình]. Ý tôi là, quý vị biết đấy, họ không phải là những người xấu đâu, mọi người à. Nhưng đoán xem, họ không hề, họ không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng ta.”
Không phải người xấu ư? Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành đất nước bằng nắm đấm sắt, dẫn đến ba cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công. Trung Cộng đã chiếm đoạt lãnh thổ của các chính phủ láng giềng từ những năm 1930, kể cả toàn bộ Trung Quốc vào năm 1949, cũng như tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông vào năm 2009. Kể từ năm 2016, chế độ của ông Tập Cận Bình đã đe dọa chiến tranh đối với Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, và Philippines.
Ngay cả đội ngũ đưa tin của tờ Washington Post thiên tả, những người đã lược bỏ đi chi tiết nhầm lẫn đông tây của ông Biden, cũng phải thú nhận rằng họ đã rất bối rối về những ngọn núi mà người đàn ông có triển vọng trở thành tổng thống này đã đề cập đến.
Sau đó hồi tháng Hai, ông Biden đã cố gắng chuyển hướng mối lo ngại về [khả năng] cạnh tranh quân sự của Trung Quốc với Hoa Kỳ thành mối lo ngại về cạnh tranh cơ sở hạ tầng. Rõ ràng ông ấy không muốn gia tăng đáng kể các khoản chi tiêu cho quân sự để chống lại Trung Quốc, do vậy ông đã nỗ lực định hướng lại thành một cuộc cạnh tranh về phương diện cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, trong khi Hoa Kỳ đang bận rộn xây dựng những con đường được chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trị giá 2 ngàn tỷ USD trên khắp đất nước với bê tông, thép, và silicon nhập cảng từ Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ sử dụng số tiền mà họ kiếm được từ chúng ta để chế tạo các phương tiện tấn công đổ bộ cho một cuộc xâm lược vào Đài Loan, và hàng trăm hầm chứa hoả tiễn hạt nhân có thể phóng tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
“Nếu chúng ta không nhanh chân, họ sẽ đánh bại chúng ta,” ông Biden nói về Trung Quốc. “Họ đang đầu tư hàng tỷ dollar để giải quyết một loạt các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải, môi trường và hàng loạt thứ khác. Chúng ta cần phải tăng tốc.”
Số tiền mà Trung Quốc đầu tư vào môi trường, vào thời điểm đó, là đổ vào các nhà máy nhiệt điện than. Phải chăng ông Biden đang nỗ lực để khiến Hoa Kỳ phải bù đắp cho sự ô nhiễm do Trung Quốc gây ra, bằng cách xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời tốn kém bằng tiền thuế của người dân Mỹ?
Trong suốt chiến dịch này, ông Biden đã đề nghị một gói cơ sở hạ tầng trị giá 2 ngàn tỷ USD sẽ được chi trong vòng bốn năm, bao gồm cả công ăn việc làm và năng lượng sạch. Vào năm 2017, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ (ASCE), một tổ chức có thể mang thành kiến do tính chất nghề nghiệp của họ, đã ước tính rằng có một “sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng” ở Hoa Kỳ trị giá hai ngàn tỷ USD. Họ tuyên bố rằng nền kinh tế sẽ mất gấp đôi số tiền đó nếu những khoản tiền này không được đầu tư.
Mặc dù vậy, tờ Wall Street Journal là kênh thông tấn thiên tả duy nhất đã xem xét các email của ông Hunter Biden một cách nghiêm túc tại thời điểm bầu cử. Họ đã viết về những thông tin bằng chứng mà tờ The New York Post đưa ra trong tháng này rằng: “Một hãng tin muốn nói lên sự thật về cả hai ứng cử viên thì cần phải nỗ lực xác nhận tin tức của tờ The Post và tự mình kiểm tra các email. Thay vào đó, họ gần như chỉ có chỉ trích tờ The Post và tuyên bố mà không có bằng chứng rằng các email đó có thể là thông tin sai lệch của Nga. Đó là một sự lặp lại đáng tiếc về câu chuyện thông đồng với Nga từ năm 2016, mà giới báo chí đã chỉ trích nặng nề trong vòng hơn hai năm nhưng giờ chúng ta biết là nó đã được dàn dựng bởi chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.”
Đồng thời, các biên tập viên của The Journal cũng cáo buộc rằng FBI đã thông đồng với chiến dịch tranh cử của bà Clinton vào năm 2016, đó là “nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng cộng đồng tình báo Hoa Kỳ là một nhóm lợi ích đảng phái vốn không thể tin cậy được. Điều này gây tổn hại cho các thể chế đó và cho quốc gia.”
Cựu phóng viên John Solomon của tờ The Hill cũng lập luận rằng FBI đã thông đồng với các đảng viên Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2016. Nếu đúng như vậy, việc này cần được xem xét một cách nghiêm túc. FBI phải duy trì tính trung lập giữa các đảng phái để bảo tồn tính liêm chính và hợp pháp của mình trong mắt người dân Mỹ.
Tuy nhiên, những lập luận có xu hướng “xóa sổ FBI” đã đi xa đến mức lố bịch. FBI phục vụ các hoạt động phản gián và thực thi pháp luật trọng yếu, nhằm duy trì sự ổn định của nền dân chủ lớn mạnh nhất thế giới này. Những lập luận như vậy có thể đưa đến một lập trường cực đoan nhằm thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo chính trị, nhưng chúng là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm, và làm lợi cho những kẻ độc tài quyền lực nhất thế giới, trong đó có Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Nhưng các đảng viên Đảng Dân Chủ cũng không phải là những người vô tội. Họ thúc đẩy những lập luận như vậy bằng cách phớt lờ những sơ suất của FBI, và tuyên bố rằng các bằng chứng về hành vi tham nhũng của ông Biden ở Trung Quốc là không quan trọng. Họ làm chệch hướng sự đổ lỗi bằng cách chỉ ra những vi phạm bị cáo buộc của chính Tổng thống Trump, chẳng hạn như các khoản thanh toán của các chính phủ ngoại quốc cho các doanh nghiệp khách sạn mang thương hiệu Trump.
Sự thật là cả hai đảng đều đang cạnh tranh gay gắt để sao cho một vấn đề tham nhũng được hợp pháp hóa. Để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, các chính trị gia cần có tiền bạc và sự hỗ trợ mà họ có thể tìm kiếm từ các tập đoàn lớn, những người trong chính phủ và các nhà độc tài quyền lực, chẳng hạn như Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần cải cách bầu cử lưỡng đảng để loại bỏ ảnh hưởng của dòng tiền từ nước ngoài và các lợi ích quyền lực khỏi các chiến dịch bầu cử của cả hai đảng, kể cả việc thông qua các trung gian của Hoa Kỳ. Chúng ta cần đưa ra luật cấm các quan chức cao cấp của chính phủ sử dụng chức vụ của mình, và cánh cửa xoay giữa chính phủ và công nghiệp, để làm giàu cho bản thân và gia đình của họ.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập Trung Quyền Lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không Xâm Phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: