Em bé Nigeria bị bỏ rơi 5 năm trước giờ đã trưởng thành và khỏe mạnh
Năm 2016, bức ảnh chụp một đứa trẻ Nigeria tiều tụy mới biết đi đang uống nước từ một người phụ nữ đã nhanh chóng lan truyền trên mạng. Cậu bé đang cận kề cái chết ấy đã được cô Anja Ringgren Lovén cứu sống.
Anja Ringgren Lovén đã sống và làm việc ở Nigeria được 8 năm. Chứng kiến tình cảnh đáng thương của cậu bé, cô đã đưa cậu về nhà chăm sóc và đặt tên cho cậu là “Hy Vọng”. Thật diệu kỳ, cậu bé đã sống sót và thay đổi đáng kinh ngạc trong suốt gần 5 năm qua.
“Bất chấp những trải nghiệm mà tôi có, cứu sống Hy Vọng là một trong những nhiệm vụ mang lại nhiều cảm xúc nhất mà tôi từng tham gia,” Anja chia sẻ với The Epoch Times qua email.
Anja đã ở cùng chồng mình, sinh viên luật Nigeria David Emmanuel Umem, và cậu con trai, David Jr. vào ngày họ tìm thấy Hy Vọng. Anja kể lại, David đã hỗ trợ hơn 300 nhiệm vụ giải cứu và đã từng “chứng kiến nhiều nỗi kinh hoàng hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng được”, “nhưng khi chúng tôi tìm thấy Hy Vọng, lần đầu tiên tôi thấy sự hãi hùng trên khuôn mặt David.”
Người dân địa phương đã mách bảo cặp vợ chồng này rằng có một đứa trẻ đã bị cha mẹ và cộng đồng ruồng bỏ, họ buộc tội cậu là phù thủy. Trong 8 tháng ròng, đứa trẻ mới biết đi này phải lang thang trên đường phố, cố gắng tự tìm cách sống sót.
Vào ngày 30/01/2016, Anja và David đã lên đường tìm cậu bé.
Anja nhớ lại: “Tôi cảm thấy đau đớn đến tận xương tủy khi chứng kiến tình trạng của đứa trẻ.” Ôm đứa bé đang thở hổn hển vào lòng, Anja đã đặt tên cho cậu là Hy Vọng – từ viết tắt mà cô đã xăm trên ngón tay của mình – mỗi ngày giúp đỡ một người (HOPE – Help One Person Everyday). Với ý định không để cậu bé qua đời mà không có tên, Anja nghĩ đến cái tên này.
Tuy nhiên, ngược với dự đoán của mọi người, Hy Vọng đã sống sót. Dưới sự chăm sóc của nhóm Anja, cậu bé bắt đầu có dấu hiệu chào đón thế giới xung quanh. Cậu bé ngồi dậy, mỉm cười và tương tác với những người chăm sóc mình tại tổ chức vô vụ lợi của Anja – một trung tâm dành cho trẻ em có tên “Miền đất của Hy Vọng” ở bang Akwa Ibom.
Vào ngày kỷ niệm bốn năm giải cứu Hy Vọng, Anja đã chia sẻ một dòng trạng thái đầy cảm xúc trên Facebook.
“Tôi nghĩ là hầu hết mọi người trên thế giới đã xem hoặc nghe nói về bức ảnh nổi tiếng của Hy Vọng và tôi,” Anja viết. “Tôi không muốn chia sẻ lại bức ảnh đó hôm nay. Thay vào đó, tôi muốn chia sẻ những bức ảnh về Hy Vọng để mọi người biết cậu bé hiện tại trông như thế nào. … Một cậu bé rất mạnh mẽ, thông minh, hài hước và đẹp trai, cậu đã vượt qua mọi khó khăn để sống sót!”
Hy Vọng đã xem bức ảnh về cuộc giải cứu sinh mạng cậu bé nhiều lần. Cậu bé nhận ra chính mình và mỉm cười. Anja nói: “Trẻ em được sinh ra với một lòng vị tha”. Hiện tại, Hy Vọng đi học, vẽ tranh và sáng tác. Cậu bé đang phát triển khỏe mạnh và câu chuyện của cậu là biểu tượng cho sứ mệnh đáng kinh ngạc của trung tâm “Miền đất của Hy Vọng”: cứu những đứa trẻ vô tội, bị buộc tội là phù thủy khỏi sự ruồng bỏ, tra tấn và cái chết.
Cảm giác thôi thúc muốn giúp đỡ người khác của Anja bắt đầu từ thời thơ ấu của cô ở Đan Mạch. Khi Anja lên 3 tuổi, cha mẹ cô ly hôn. Cha cô, một người nghiện rượu, đã để lại cô và hai anh chị em khác cho mẹ cô nuôi nấng.
“Mẹ tôi làm việc trong một viện dưỡng lão và bà đã luôn dạy bảo tôi về sự bình đẳng và quyền con người,” Anja chia sẻ với The Epoch Times. “Bà ấy thường nhắc đến việc trẻ em Châu Phi bị chết đói và phải sống trong cảnh vô cùng nghèo khó”.
Nhờ vậy, ngay từ khi còn nhỏ, Anja đã luôn ấp ủ niềm đam mê tạo ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội và có mối quan tâm đặc biệt lớn đến trẻ em Châu Phi.
Trong các cuộc trò chuyện bên bàn ăn, Anja và chị gái sinh đôi của cô luôn nói về việc chu cấp thức ăn cho trẻ em Châu Phi.
Đáng buồn thay, mẹ của Anja qua đời vì bệnh ung thư năm cô 23 tuổi. Mặc dù rất suy sụp, nhưng Anja đã dựa vào lòng trắc ẩn và sự kiên trì cô học được từ mẹ để theo đuổi ước mơ của mình. Cô nghỉ việc ở Đan Mạch, bán hết đồ đạc và chuyển đến Châu Phi sinh sống.
Kinh hoàng trước việc trẻ em bị buộc tội là phù thủy và bị ngược đãi, Anja muốn nâng cao nhận thức của mọi người về sự mê tín này. Sau đó, cô đã thành lập trung tâm bảo trợ trẻ em mang tên Miền đất của Hy Vọng (Land of Hope) vào năm 2012.
Anja giải thích: “Không có nhà lãnh đạo thế giới nào nói về một thực trạng khoảng 10,000 trẻ em mỗi năm ở Nigeria bị buộc tội mê tín dị đoan dẫn đến bị tra tấn và mất mạng. Tôi cần giúp trẻ em ở Nigeria có tiếng nói.”
Anja cho biết những lời buộc tội trẻ em là “phù thủy” trở thành vấn nạn ngày càng gia tăng ở nhiều nước Châu Phi. Mất mùa, bị sa thải hoặc vô sinh có thể khiến một gia đình quay ra buộc tội ai đó, và trẻ em dễ dàng trở thành mục tiêu.
Đáng báo động là, Đạo luật Quyền trẻ em năm 2003 của Nigeria — một đạo luật có thể nghiêm cấm việc ngược đãi trẻ em — mới chỉ được áp dụng tại 75% các bang của đất nước này.
Cho đến nay, Anja, David và nhóm của họ đã cứu sống hơn 100 trẻ em bị buộc tội là phù thủy, 76 em trong số đó đang sống và phát triển tại trung tâm bảo trợ trẻ em Miền đất của Hy Vọng. Tại đây các em cũng được dạy dỗ. “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất chống lại sự mê tín,” Anja khẳng định, và đồng thời cũng nói thêm rằng tiếp cận cộng đồng là một phần quan trọng trong chiến dịch thay đổi nhận thức của các tổ chức vô vụ lợi.
Đổi lại, việc chăm sóc và giáo dục các nạn nhân là trẻ em sẽ đặt nền tảng cho một tương lai độc lập và năng động tham gia các hoạt động xã hội khi trưởng thành của các em.
Anja góp phần tạo nên sự thay đổi của nhiều đứa trẻ. Những câu chuyện như của Hy Vọng, từ những đứa trẻ “bị tra tấn, bỏ rơi, sợ hãi, cô đơn và có cảm giác không xứng đáng được yêu thương… trở thành một học sinh đứng đầu lớp, đầy lòng tự trọng và mục đích sống”, thực sự khiến cuộc sống của Anja trở nên ý nghĩa và đáng sống hơn.
Louise Bevan
Tâm Phương biên dịch
Xem thêm: