Einstein: Trở thành thiên tài khoa học từ ưu thế của ‘đứa trẻ chậm phát triển’
“Nhưng tôi phát triển chậm đến mức mãi đến khi trưởng thành, tôi mới bắt đầu thắc mắc về không gian và thời gian. Bởi thế mà tôi có thể tìm hiểu vấn đề này sâu hơn một đứa trẻ bình thường.”
Khi còn nhỏ, Einstein là đứa trẻ chậm biết nói. Sau này, ông nhớ lại: “Cha mẹ tôi lo đến mức họ phải nhờ bác sỹ khám”. Ngay cả sau khi ông bắt đầu biết nói, lúc hơn hai tuổi, ông mắc một tật khiến những thành viên khác trong gia đình xem ông “gần như chậm phát triển”. Đó là vì mỗi khi có điều gì muốn nói, ông thử lẩm nhẩm với chính mình trước, cho đến khi nó nghe rành mạch đủ để phát thành tiếng.
Người em gái mà ông rất mực quý mến nhớ lại: “Mỗi câu anh ấy nói ra, bất kể nó thông thường thế nào đi nữa, anh ấy đều lẩm nhẩm lặp lại”. Theo bà, chuyện đó thật đáng lo: “Anh ấy gặp khó khăn với ngôn ngữ đến mức những người xung quanh đều sợ anh ấy chẳng bao giờ học nổi.”
Sự chậm phát triển của ông lại kết hợp với tính nổi loạn bất tuân quyền uy, khiến một giáo viên đuổi học ông còn một giáo viên khác cho rằng ông sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì.
Vậy nhưng ông lại tin rằng chính chuyện chậm biết nói của mình khiến ông giữ được sự ngạc nhiên khi quan sát các hiện tượng hằng ngày mà những người khác cho là hiển nhiên, ông tin rằng đó chính là cơn cớ khiến ông khám phá ra những phát minh hoa khọc quan trọng. Einstein giải thích:
“Khi tôi tự hỏi làm thế nào tôi lại là người khám phá ra Thuyết Tương đối, thì có vẻ nguyên do nằm ở hoàn cảnh sau đây. Những người lớn bình thường chẳng bận tâm suy nghĩ về các vấn đề không gian và thời gian. Đây là những điều mà người ta thường chỉ nghĩ khi còn nhỏ. Nhưng tôi phát triển chậm đến mức mãi đến khi trưởng thành, tôi mới bắt đầu thắc mắc về không gian và thời gian. Bởi thế mà tôi có thể tìm hiểu vấn đề này sâu hơn một đứa trẻ bình thường.”
Ông thường thích suy nghĩ bằng hình ảnh, nhất là trong những thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng, chẳng hạn tưởng tượng ra mình đang quan sát những tia sét khi ngồi trên một tàu lửa đang chuyển động, hoặc trải nghiệm trọng lực khi đứng trong một thang máy đang rơi. Sau này, ông nói với một nhà tâm lý học: “Tôi rất hiếm khi nghĩ bằng lời. Một ý nghĩ nảy ra, và sau đó tôi mới có thể cố diễn tả nó bằng lời.”
Ông may mắn được sinh ra trong một gia đình có trí tuệ, có lối suy nghĩ độc lập, biết xem trọng giáo dục, và cuộc sống của ông chắc chắn chịu ảnh hưởng. Cha của Einstein, ông Hermann, sinh năm 1847 tại ngôi làng Buchau ở Swabia, nơi có cộng đồng người Do Thái phát triển. Hermann thể hiện “thiên hướng toán học rõ rệt”.
Em gái ông Maria, thường được gọi bằng cái tên Maja ngắn gọn hơn lại được dùng suốt đời cô. Khi lần đầu được nhìn cô em gái mới sinh, cậu bé Albert tin rằng cô bé trông như một món đồ chơi tuyệt vời của mình. Cậu nhìn cô bé và thốt lên: “Vâng, thế những chiếc bánh xe ở đâu ạ?”
Dù hồi nhỏ hai anh em cãi nhau vài lần, nhưng sau này Maja đã trở thành người bạn tâm giao thân thiết nhất của ông.
Đứa trẻ thích sự cô độc
Gia đình Einstein sống trong một ngôi nhà tiện nghi có cây cối sum suê và khu vườn đẹp ở vùng ngoại ô Munich, một cuộc sống mang hơi hướng tư sản trung lưu, chí ít là trong phần lớn thời thơ ấu của Albert.
Khu vườn sau nhà Einstein thường tràn ngập tiếng cười nói của những người anh chị em họ và lũ trẻ con. Nhưng ông không tham gia những trò chơi ầm ĩ đó, mà “bỏ hết thì giờ cho những việc trầm lặng hơn”. Nhìn chung, ông là một người cô độc, suốt đời ông đều có khuynh hướng đó. Theo Philipp Frank, một đồng nghiệp khoa học lâu năm của ông: “Ngay từ đầu, ông ấy đã có khuynh hướng tách mình khỏi những đứa trẻ đồng lứa, đắm trong mơ mộng và đăm chiêu suy nghĩ.”
Những nhận thức quan trọng trong thời thơ ấu thường mất dần trong ký ức. Nhưng đối với Einstein, một trải nghiệm diễn ra khi ông chừng bốn hay năm tuổi đã làm thay đổi cuộc đời ông, và khắc sâu mãi mãi trong tâm trí ông – cũng như trong lịch sử khoa học.
Một hôm, ông bị ốm, phải nằm trên giường, cha ông mua cho ông một chiếc la bàn. Về sau, ông nhớ lại mình đã phấn khích khi thấy được sức mạnh bí ẩn của nó, đến nỗi ông run rẩy và lạnh hết cả người. Việc chiếc kim nam châm chuyển động cứ như bị một trường lực ẩn nào đó tác động, thay vì thông qua phương pháp cơ học quen thuộc như chạm vào hay tiếp xúc, đã gây ra cảm giác kinh ngạc, đây chính là động lực thúc đẩy ông suốt cuộc đời. Một lần, khi nhớ lại sự việc này, ông đã viết: “Tôi vẫn có thể nhớ – hay chí ít là tôi tin mình có thể nhớ – rằng trải nghiệm này đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc và lâu dài trong tôi. Phải có cái gì đó ẩn rất sâu đằng sau mọi việc.”
Mãi mãi là một đứa trẻ tò mò về bí ẩn của vũ trụ
Trong cuốn Einstein in love (Einstein khi yêu), Dennis Overbye viết “đó là một câu chuyện mang tính biểu tượng, cậu bé run rẩy trước trật tự vô hình ẩn sau thực tại hỗn độn”.
Bộ phim IQ sử dụng hình ảnh Einstein, do Walter Matthau đóng, đeo chiếc la bàn lên cổ, và hình ảnh đó là trọng tâm trong cuốn sách thiếu nhi có tên Rescuing Albert’s Compass (Giải cứu chiếc la bàn của Albert) của Shulamith Oppenheim, mà cha vợ của tác giả là người đã nghe câu chuyện này từ chính Einstein vào năm 1911.
Sau khi bị mê hoặc bởi sự trung thành của chiếc kim la bàn với một trường vô hình nào đó, Einstein đã cống hiến cả đời cho các lý thuyết trường và xem đây là cách để mô tả tự nhiên. Thuyết Tương đối rộng của ông dựa trên các phương trình mô tả trường hấp dẫn. Đến tận cuối đời, ông vẫn kiên trì viết nguệch ngoạc thêm các phương trình trường với hy vọng chúng sẽ đặt nền tảng cho một học thuyết về vạn vật. Như nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Gerald Holton đã viết, Einstein xem “khái niệm cổ điển về trường là cống hiến lớn nhất cho tinh thần khoa học”.
Trong suốt cuộc đời mình, Albert Einstein luôn giữ được trực giác và sự kinh ngạc của một đứa trẻ. Ông chưa bao giờ mất đi cảm giác ngạc nhiên trước sự kỳ ảo của các hiện tượng tự nhiên như từ trường, lực hấp dẫn, quán tính, gia tốc, tia sáng, mà những người trưởng thành thấy quá đỗi bình thường. Ông vẫn giữ được khả năng đồng thời có hai luồng suy nghĩ, băn khoăn khi thấy chúng mâu thuẫn, cũng như kinh ngạc khi phát hiện một sự thống nhất cơ bản. Sau này, ông viết cho một người bạn: “Những người như anh và tôi chẳng bao giờ già đi cả. Chúng ta không bao giờ chịu đứng yên, giống như những đứa trẻ tò mò, trước cái chốn bí ẩn vĩ đại mà chúng ta được sinh ra.”