ECB ngạc nhiên: lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung Âu Châu cao 5%
Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung Âu Châu đạt mức cao kỷ lục mới là 5% vào tháng 12/2021, đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), vốn cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời.
Lạm phát đã tăng bất ngờ vào tháng trước, khiến mọi thứ trở nên khó chịu hơn đối với các nhà chức trách ECB, những người luôn đánh giá thấp sức ép về giá và bị một số nhà hoạch định chính sách của chính ECB chỉ trích nặng nề.
19 quốc gia trong khối Euro đã chứng kiến lạm phát tăng lên 5% từ 4.9% trong tháng 11, cao hơn nhiều so với kỳ vọng 4.7% của các nhà phân tích.
Giá năng lượng cao hơn, tăng 26% so với năm trước, vẫn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Theo dữ liệu từ Eurosta, giá thực phẩm, dịch vụ và hàng hóa nhập cảng cũng tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát chung của ECB là 2%.
Dự báo nội bộ cuối cùng vào tháng 12 đưa ra mức lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung Âu Châu trong tương lai là 1.8% trong cả năm 2023 và 2024 một cách lạc quan.
ECB vào thời điểm đó cho biết họ vẫn chưa thấy cần thiết phải nâng lãi suất vào năm 2022, không giống như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ với lập trường tiền tệ cứng rắn hơn.
ECB cho biết trước báo cáo gần đây: “Nới lỏng tiền tệ vẫn cần thiết để lạm phát ổn định ở mức lạm phát mục tiêu là 2% trong trung hạn.”
Vào tháng 12 ECB đã giảm việc mua tài sản hàng tháng của mình nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kích thích chi tiêu vào năm 2022.
Nếu lạm phát tiếp tục tăng nhanh, các nhà quản lý ngân hàng có thể buộc phải thay đổi quan điểm của mình khi Hội đồng quản trị của ECB nhóm họp tiếp theo hôm 03/02.
Tuy nhiên, sẽ không có hành động chính sách nào từ ECB trước tháng Ba.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg của Đức nói với CNBC: “Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng và những bất ngờ về đà tăng kéo dài, các ngân hàng trung ương có thể buộc phải phanh gấp.”
Berenberg cho biết ECB có thể chuẩn bị cơ sở cho đợt tăng lãi suất đầu tiên vào mùa xuân năm 2023.
ECB hiện kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ vượt quá mục tiêu của ngân hàng vào năm 2022, nhưng ở mức 3.2%.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng ở Âu Châu tin rằng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau cú sốc của đại dịch năm 2020, sự gia tăng lạm phát cách đây vài tháng sẽ giảm bớt vào cuối năm nay.
Các nút thắt trong chuỗi cung ứng và lạm phát tiếp theo đã cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm bán lẻ, đồng thời chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Các chuyên gia nhận thấy rằng lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu trong khối Euro đã tăng lên 2.7% trong tháng 12 từ mức 2.6%, trong khi số liệu không bao gồm các sản phẩm rượu và thuốc lá đã giữ ổn định ở mức 2.6%.
Một số nhà phân tích đã nhận định rằng lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung Âu Châu có thể đã đạt đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn có bất đồng về việc lạm phát sẽ giảm nhanh như thế nào và chạm đáy ở đâu khi nền kinh tế này ổn định.
Các nhà hoạch định chính sách Âu Châu lạc quan tin rằng sự gia tăng lạm phát chỉ là tạm thời và áp lực giá cả cuối cùng sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng đặt câu hỏi về quan điểm tiêu chuẩn này, cảnh báo rằng rủi ro nghiêng về các con số cao hơn và lạm phát cao hơn mục tiêu có thể kéo dài đến năm 2023.
Tăng trưởng tiền lương ở Âu Châu còn yếu, trong khi sự gia tăng của biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và gây sức ép lên lạm phát.
Chứng khoán Âu Châu giảm hôm thứ Sáu (07/01/2022), với chỉ số Stoxx Europe 600 ở mức 486.25, xuống -1,91 điểm ở mức 0.39%.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: