Duy trì đế chế của chúng ta: Thomas Cole và bức tranh ‘The Course of Empire’
Thomas Cole là một họa sĩ ở Hoa Kỳ vào thế kỷ 19, nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh. Sinh ra ở Anh, ông Cole chuyển đến Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ và Hoa Kỳ là nơi tình yêu nghệ thuật của ông thăng hoa.
Khi còn trẻ, ông Cole yêu vùng thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp của dãy núi Catskill ở New York, sau này ông thành lập một xưởng vẽ tại đây. Rặng Catskills là nguồn cảm hứng cho nhiều bức tranh của ông.
Trong thời gian này, ông gặp ông Luman Reed, một thương nhân thành đạt đã mở một phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân trong vùng. Trở thành người bảo trợ của Cole, ông Reed đã ủy quyền cho ông vẽ một loạt năm bức tranh mà sau này được gọi là “The Course of Empire” (Tiến trình của đế chế). Chúng đã trở thành những kiệt tác mang dấu ấn của Cole.
Theo trang ExploreThomasCole.org, ông Cole đã viết về ý tưởng của ông cho loạt tranh đó trong một bức thư gửi ông Reed như sau:
“Một chuỗi bức tranh nên được vẽ để minh họa Lịch sử của thiên nhiên, cũng như là một Tóm tắt hoàn hảo về Con người — thể hiện những thay đổi tự nhiên của Cảnh quan và những thay đổi do tác động của con người trong quá trình phát triển, từ Chưa khai hóa đến Văn minh, đến Xa xỉ, thời kỳ Sa đọa hoặc thời kỳ Phá huỷ và rồi đến thời kỳ Suy tàn và Sụp đổ.”
“Triết lý về chủ đề của tôi được đúc rút từ lịch sử, trong đó chúng ta thấy các quốc gia phát triển từ thời kỳ Hoang dã đến thời kỳ Quyền lực và Vinh quang rồi sụp đổ và bị diệt vong…”
Ông Cole thấy rằng loạt tác phẩm này thể hiện “sứ mệnh” hoặc mục đích của một người nghệ sĩ:
“Tôi đã tìm hiểu về nhiều chủ đề, và mong ước tôi có thể thể hiện chúng trên tranh sơn dầu một ngày nào đó. Chúng là những chủ thể mang bản chất đạo đức và tín ngưỡng. Vì thế, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của nghệ sĩ là sử dụng khả năng của anh ta phục vụ cho sứ mệnh của anh ta, đây là một nhiệm vụ tuyệt vời và nghiêm túc. Tác phẩm của anh ta không nên là một sự bắt chước vô hồn mà không có sức ấn tượng khiến người ta lay động, hoặc truyền tải một sự thật nào đó. ”
The Course of Empires
Bộ tác phẩm “Tiến trình đế chế” bao gồm năm bức tranh mô tả năm giai đoạn phát triển của một nền văn minh.
Giai đoạn đầu tiên của một đế chế là thời kỳ sơ khai. “Thời kỳ Hoang dã” là một bức tranh phong cảnh miêu tả thiên nhiên đang thống trị. Bầu trời che khuất mặt đất, những tán lá phát triển không ngừng. Hình dáng con người nhỏ bé so với tầm vóc của thiên nhiên, họ sống nhờ vào đất mẹ và sử dụng các vật liệu thô sơ để săn bắn.
Giai đoạn thứ hai của đế chế là sự xuất hiện của một số nền văn minh. Trong ‘Thời kỳ thôn quê hay hạnh phúc thanh bình”, ông Cole đã miêu tả một cảnh quan có tổ chức và trật tự hơn so với trong “Thời kỳ Hoang dã”.
Ở đây các nhân vật dường như không bị chi phối bởi thiên nhiên mà thay vào đó, họ sống hòa hợp với nó. Họ nhảy múa, câu cá, thuần hóa động vật và có một ngôi đền ở nền bức tranh, điều này cho thấy rằng họ tôn kính thần và có đức tin. Bầu trời ở đây trong trẻo hơn ở bức “Thời kỳ Hoang dã.”
Giai đoạn thứ ba của một đế chế là đỉnh cao của một nền văn minh, như thể hiện trong tác phẩm “Sự Cực thịnh của Đế chế”. Thiên nhiên gần như hoàn toàn vắng bóng trong bức tranh này. Thay vào đó, các nhân vật lấn át thiên nhiên và nền văn minh đang ở đỉnh cao nhất.
Có những ngôi đền và bức tượng đại diện cho các vị thần, có cả những trang phục lộng lẫy và những đồ trang trí, cùng sự trật tự. Tất cả đều được bao quanh bởi cái đẹp, dường như không ai muốn hay cần gì cả, bầu trời thì quang.
Giai đoạn thứ tư đầy xáo trộn. Trong “Sự hủy diệt”, ông Cole đã mô tả một khoảnh khắc hỗn loạn. Một bầu trời hỗn độn chặn mất ánh sáng của mặt trời. Những ngôi đền có thể từng là nơi ở của các vị thần đang bốc cháy. Mọi người đang nhốn nháo hoặc đánh nhau; tất cả đều ở trong tình trạng bất ổn.
Có một bức tượng lớn không đầu ở trên cùng bên phải của bố cục này. Bức tượng này lao về phía trước và giơ tấm khiên bị vỡ của nó về phía bầu trời.
Thời kỳ cuối cùng của đế chế là sự sụp đổ. Trong “Sụp đổ”, ông Cole đã mô tả những tàn tích của một quốc gia vĩ đại một thời. Tất cả những tiện nghi vật chất mà các cư dân của nó tạo ra đã không còn nữa, và bây giờ trong hoàng hôn, mặt trăng chiếu sáng cho sự hủy diệt của quốc gia này.
Để tránh khỏi thảm họa diệt vong
Khi sự chia rẽ chính trị ở đất nước chúng ta ngày càng gia tăng, có những bất ổn đáng chú ý đang nổi lên. Chúng ta dường như đang đến rất gần với những gì ông Cole đã miêu tả trong thời kỳ hủy diệt.
Tôi phải hỏi: Quốc gia vĩ đại của chúng ta đang hướng về đâu? Có cách nào để hướng đến và duy trì trong tương lai sự thật và vẻ đẹp của một đế chế cực thịnh không?
Hãy xem xét kỹ hơn thời kỳ hủy diệt để biết những đặc điểm của nó là gì, và sau đó hãy xem liệu có bất kỳ mô tả nào trước đó trong chu kỳ cung cấp cho chúng ta các giải pháp khả thi hay không.
Có ba điều nổi bật đối với tôi trong bức “Sự hủy diệt”. Đầu tiên, mây che mặt trời. Thứ hai, các ngôi đền đang bốc cháy. Và thứ ba, bức tượng không đầu lao về phía trước với chiếc khiên hướng lên bầu trời.
Tôi nhìn nhận mặt trời đại diện cho sự soi sáng trước bóng tối. Nói cách khác, mặt trời là biểu tượng của sự sáng suốt. Ở đây, sự sáng suốt bị chặn lại bởi khói bốc ra từ các ngôi đền đang cháy. Tôi tin rằng những ngôi đền ở đây là nhà của các vị thần của quốc gia này, và việc phá hủy chúng cho thấy sự sáng suốt bị che khuất.
Tuy nhiên, người ta có thể tranh luận rằng những tòa nhà này không phải là đền thờ mà là tòa nhà chính phủ, nhà tắm, nhà ở, doanh nghiệp, v.v. Ngay cả khi điều này là đúng, thì trong lịch sử, các vị thần của một quốc gia đã có mặt trong mọi lĩnh vực của xã hội rồi.
Theo tôi, những tòa nhà này đang bốc cháy thể hiện sự mất mát yếu tố thần thánh đã từng thấm nhuần trong xã hội, và do đó, đây biểu hiện cho sự mất đi tính thông tuệ gắn liền với thần thánh.
Những bức tượng các vị thần có mặt trong các bức tranh trước đều vắng bóng. Thay vào đó là bức tượng không đầu, đang lao mình với chiếc khiên chỉ lên bầu trời.
Cái đầu thường gắn liền với sự sáng suốt, vì vậy việc bức tượng này mất đi cái đầu, và thực tế các bức tượng của các vị thần không còn nữa, cho thấy rằng đế chế đã chuyển từ niềm tin vào sự sáng suốt được thần ban cho sang một trạng thái từ bỏ sự sáng suốt và niềm tin vào thần.
Ngoài ra, nhân vật người lao về phía trước và không bảo vệ mình bằng chiếc khiên mà lại hướng chiếc khiên về thiên thượng, như thể đó là nơi anh ta trút sự tức giận.
Có phải bức tượng muốn chống lại hoặc tấn công thiên thượng trong sự ngu ngốc và ngông cuồng của anh ta? Và có phải mong muốn chống lại hoặc tấn công này là một phần nguyên nhân cho sự hủy diệt mà đế chế này đang phải đối mặt? Có phải cư dân của đế chế này đang làm hại nhau vì họ đã quên mệnh lệnh của thiên thượng? Liệu một sự chống đối hoặc một cuộc tấn công vào thiên thượng và trí huệ của thần đã dẫn đến sự hủy diệt và cuối cùng là sự sụp đổ?
Trong bức “Thời kỳ thôn quê hay hạnh phúc thanh bình”, các nhân vật được mô tả sống hài hòa với thiên nhiên, và ngôi đền ở nền bức vẽ đại diện cho sự tôn thờ và đức tin. Đây là những yếu tố tiên quyết cho sự trù phú trong bức tranh “Sự Cực thịnh của Đế chế.”
Sự hòa hợp, tôn kính và đức tin là cần thiết để kéo dài sự tồn tại của một đế chế và tránh khỏi thảm họa diệt vong? Những nghi vấn này có được dự báo dựa trên nền tảng đạo đức của mỗi quốc gia không?
Làm thế nào chúng ta có thể lan tỏa lại các giá trị đạo đức để khôi phục sự hòa hợp với thiên nhiên, tôn kính thiên thượng và bảo vệ đức tin. Những yếu tố này đóng vai trò là nền tảng cho sự duy trì và thậm chí là sự phát triển của đế chế chúng ta.
Ông Eric Bess là nghệ sĩ trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Eric Bess
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: