Dưới sức ép dư luận, ĐH Sư phạm Nam Kinh thừa nhận có sinh viên tử vong trong ký túc xá
Vào đêm khuya ngày 19/9, một cư dân mạng đã đăng tải bài viết nói rằng vào ngày 12/9, một sinh viên 20 tuổi đang theo học tại trường Đại học Sư phạm Nam Kinh (Nanjing Normal University) đã tử vong ở ký túc xá của trường.
8 ngày sau khi sinh viên này qua đời, khi sự việc đã trở nên hết sức nóng và được tìm kiếm nhiều trên Weibo. Khi đó, Đại học Sư phạm Nam Kinh mới lên tiếng xác nhận quả thật có sinh viên tử vong. Cư dân mạng đã lên án việc nhà trường bưng bít thông tin.
Theo tin tức tổng hợp từ truyền thông Trung Quốc đại lục, vào đêm ngày 19/9, một cư dân mạng đã đăng bài viết có tiêu đề “Sinh viên 20 tuổi của Đại học Sư phạm Nam Kinh tử vong trong ký túc xá”. Sau đó, đã xác định được rằng người đăng tải bài viết này là anh Lưu (Liu), anh trai của sinh viên quá cố Lưu Thần.
Anh Lưu cho biết, em trai anh là sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành lịch sử của Học viện Phát triển Xã hội thuộc trường Đại học Sư phạm Nam Kinh. Mãi đến ngày 31/8 gần đây, em trai anh mới đi học trở lại. Chưa đầy nửa tháng sau khai giảng, vào ngày 12/9, người em trai đã tử vong trong ký túc xá, hơn nữa trên trán và mặt có ba vết thương không rõ nguyên nhân. Không lâu trước khi xảy ra sự việc, em trai anh Lưu vẫn đang trò chuyện với mẹ mình qua WeChat. Toàn bộ thời gian kể từ khi người em trai vào ký túc xá cho đến khi bạn cùng phòng phát hiện Lưu Thần có chuyện không hay và chạy ra khỏi ký túc xá chỉ khoảng 27 phút.
Anh Lưu cũng nói rằng 7 ngày sau khi em trai mình tử vong, vào ngày 19/9, Đại học Sư phạm Nam Kinh đã hối thúc anh Lưu nội trong 3 ngày phải giải quyết xong tất cả những việc liên quan của em trai.
Sự việc này đã khiến cộng đồng mạng xôn xao thảo luận và nhanh chóng lọt vào danh sách những việc được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo.
Trước sức ép của dư luận, ngày 20/9, trường Đại học Sư phạm Nam Kinh đã chính thức lên tiếng xác nhận vụ việc. Họ cho hay sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 12/9, và đến khoảng 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, bác sĩ tuyên bố anh Lưu Thần đã tử vong.
Hiệu phó nhà trường, ông Tôn Hữu Liên (Sun Youlian), cũng thừa nhận có xảy ra việc sinh viên tử vong trong ký túc xá, và cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến tử vong của người sinh viên này. Trưởng phòng Chu (Zhu), một nhân viên công tác của Đại học Sư phạm Nam Kinh, trả lời anh trai của Lưu Thần rằng, lúc đó nhà trường hối thúc anh chẳng qua chỉ là muốn những việc liên quan nhanh chóng được thực hiện.
Tuy nhiên, cư dân mạng cho rằng lời giải thích này không hợp lý và ra sức chỉ trích Đại học Sư phạm Nam Kinh.
“Sinh viên đã tử vong 8 ngày, nhưng nhà trường và cảnh sát vẫn chưa tiết lộ thông tin liên quan? Mà cũng chưa điều tra ra chân tướng sự việc? Một sinh mạng đang trẻ trung khỏe mạnh mà qua đời không rõ nguyên nhân ở trong ký túc xá của trường đại học, mà trường lại im lìm không có động tĩnh gì. Mãi đến hôm nay, khi sự việc đã quá ồn ào, nhà trường mới buộc phải lên tiếng xác nhận. Điều này thật hết sức vô lý, tại sao suốt 8 ngày qua lại một mực im lặng?”
“Sự việc xảy ra từ ngày 12/9, hôm nay mới lên tiếng phản hồi? Chuyện trọng đại như vậy, liên quan đến tính mạng con người, sao có thể che giấu được. Nếu ngay từ đầu nhà trường không có ý muốn xóa dấu vết sự việc, thì đã không dẫn đến cơ sự này.”
“Nếu không có áp lực dư luận trên Weibo, liệu rằng nhà trường có lên tiếng xác nhận không? Đừng nghĩ rằng chuyện lớn sẽ dần dần thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có, dối trá sẽ gây tác dụng không tốt cho danh tiếng của trường.”
“Vì cớ gì phải che giấu sự thật? Cứ phải đến tận bây giờ khi mọi người đều biết và ồn ào cả lên thì mới ra mặt và nói sẽ điều tra kỹ lưỡng. Nhìn bề ngoài thì có vẻ là để bảo vệ danh dự của trường, nhưng rốt cuộc thì sự việc vẫn bị phanh phui rồi. Như vậy không những không bảo vệ được danh dự, mà ngược lại càng khiến sự việc tồi tệ hơn. Xem ra, hậu quả từ việc che giấu thông tin về những người bị nhiễm virus Vũ Hán vẫn chưa đủ để giáo huấn người ta. Đối mặt với những chuyện không nên che giấu, thì đừng giả bộ như không biết. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề đúng cách, nếu cứ tiếp tục làm như vậy, thì cuối cùng, chẳng phải cũng bằng như chúng ta đang chờ những biến cố lớn hơn nữa xảy ra hay sao! Dù rằng dối trá có thể nhất thời giúp đạt được mục đích, nhưng khi nó bị vạch trần, thì bởi trước đó không được xử lý kịp thời, nên sẽ phải trả giá gấp đôi, thậm chí gấp trăm lần! Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Cứ nhìn hậu quả của đại dịch virus Vũ Hán thì rõ!”
“Bây giờ hễ xảy ra chuyện gì, [nếu] không đưa lên Weibo, không đưa lên Internet thì không có kết quả. Cái xã hội này rốt cuộc làm sao vậy? Mới 20 tuổi, dù nguyên nhân thực sự là gì đi chăng nữa, cũng thật đáng tiếc.”
“Đừng có một mực che đậy tin tức. Hãy mau tìm ra sự thật càng sớm càng tốt! Nhiều trường sợ bị lên danh sách được tìm kiếm nhiều nhất, vì dù bản chất sự việc là thế nào, nhà trường đều sợ có liên quan đến mình.”