Đừng tin vào những gì quý vị được nghe
Cuối tuần trước, tôi đã nói chuyện tại một cuộc mít tinh lớn ở Wisconsin. Được tổ chức bởi ông Mike Lindell, người sáng lập tài ba của hãng MyPillow, cuộc mít tinh có sự góp mặt của các diễn giả như ông Charlie Kirk, người sáng lập Turning Point Hoa Kỳ, bộ đôi truyền thông xã hội người Mỹ gốc Phi Châu–ông Diamond và bà Silk, con gái tôi Danielle D’Souza Gill, người dẫn một chương trình hàng tuần mới trên Epoch TV và tất nhiên là có cả ông Lindell ở đó. Ông Donald Trump đã gọi điện thoại và nói chuyện với khán giả qua Jumbotron. Bầu không khí như lễ hội, sôi động, và tràn đầy năng lượng.
Chủ đề của cuộc mít tinh không phải là gian lận cử tri—một chủ đề gần gũi với ông Lindell, đã được đề cập nhiều lần trong cuộc mít tinh—mà là tự do ngôn luận. Theo tôi, đây là vấn đề quan trọng nhất của đất nước hiện nay. Nó có vai trò lớn hơn [vấn đề] nền kinh tế, lớn hơn COVID-19, lớn hơn luật liêm chính của cử tri, lớn hơn Antifa, chủ nghĩa chuyển giới và chính trị bản sắc.
Tại sao? Bởi vì không có vấn đề nào khác thực sự quan trọng nếu chúng ta không thể nói chuyện thẳng thắn và cởi mở về chúng. Tự do ngôn luận là nền tảng của một xã hội dân chủ. Đó là cơ chế mà các vị trí tranh cử được phát sóng, các cuộc tranh luận và thảo luận được diễn ra, và từ đó hình thành nên dư luận. Không có tự do ngôn luận, Hoa Kỳ không phải là một nền dân chủ thực sự.
Hơn nữa, tự do ngôn luận là một phần của những gì tạo nên con người chúng ta. Đó là cách chúng ta giao tiếp không chỉ trong lĩnh vực chính trị, mà còn trong tất cả các lĩnh vực. Trong xã hội hiện đại, chúng ta thể hiện cá tính của mình—điều khiến chúng ta trở nên khác biệt—thông qua cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta cảm nhận và những gì chúng ta nói. Đàn áp tự do ngôn luận làm biến dạng nhân cách con người và hạ thấp con người xuống một mức độ thấp kém hơn. Kiểm duyệt là một hình thức man rợ.
Trong bài diễn văn của tôi tại cuộc tập hợp đó, tôi đã nói về cách các nhà kiểm duyệt kỹ thuật số—một số ít nhân vật như ông Jack Dorsey, ông Mark Zuckerberg và một vài người khác—về căn bản họ kiểm soát bài diễn văn của những người Mỹ tại nơi công cộng. Ai có thể phủ nhận rằng các nền tảng công nghệ từ Facebook, YouTube đến Twitter là nơi công cộng ngày nay? Một khi miễn phí phần lớn, nơi công cộng ngày nay lại được kiểm soát chặt chẽ.
Sự tùy tiện của việc kiểm soát này có thể được nhìn thấy trong một số cuộc tấn công gần đây chống lại tôi. Tôi đã nhận được một cuộc tấn công trên Facebook chỉ vì đăng tuyên bố của ông Joe Biden nói rằng Antifa chỉ là một ý tưởng. Ông ấy đã nói điều đó rồi! Tuy nhiên, Facebook đã dán nhãn cho bài đăng của tôi là “thiếu ngữ cảnh.” Ngữ cảnh nào? Ông Biden có nói những điều gì khác về Antifa mà tôi đã bỏ qua không? Không! Trong mọi trường hợp, làm thế nào người ta có thể đòi hỏi một cách hợp lý rằng tất cả các trích dẫn phải cung cấp đầy đủ ngữ cảnh? Nếu đúng như vậy, không ai có thể trích dẫn câu nói của người khác mà không cung cấp các ghi chú đầy đủ của họ.
Facebook và các nhà kiểm duyệt kỹ thuật số khác cũng ngừng tranh luận hợp pháp về nguồn gốc của COVID-19. Họ đã thực sự gỡ xuống hàng triệu bài đăng vì chúng mâu thuẫn với quan điểm mà những người kiểm chứng thông tin của Facebook chấp nhận. Theo những người kiểm chứng thông tin này, COVID-19 đến từ một khu chợ thực phẩm tươi sống ở Vũ Hán, chứ không phải từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nó là một loại virus tự nhiên, chứ không phải là một loại virus có khả năng được nuôi dưỡng thông qua nghiên cứu “tăng chức năng” nguy hiểm.
Rõ ràng là, giờ đây, những người kiểm chứng thông tin này không kiểm chứng được dữ kiện để đưa ra kết luận này. Chúng tôi biết điều này vì không có dữ kiện nào để kiểm tra. Không có bằng chứng nào cho thấy COVID-19 đến từ ngôi chợ thực phẩm tươi sống này. Ngược lại, các manh mối cho thấy một luận điểm khác đã bị lờ đi. Vì vậy, đây là một quy trình đánh giá gian lận, lừa đảo, không giống với việc kiểm tra thông tin xác thực.
Một số người nghĩ rằng tự do ngôn luận cũng tương đương như Tu chính án thứ Nhất. Nhưng điều này không đúng. Tu chính án thứ Nhất chỉ đơn thuần bảo vệ quyền tự do ngôn luận khỏi sự can thiệp trực tiếp của chính phủ. [Nhưng] với truyền thông kỹ thuật số, chính phủ phối hợp với các ông trùm kỹ thuật số. Tại các phiên điều trần, Đảng Dân Chủ yêu cầu Facebook, YouTube và Twitter kiểm duyệt nhiều hơn. Chính phủ cung cấp các biện pháp bảo vệ pháp lý theo Mục 230 cho các nhà kiểm duyệt này.
Nhưng kiểm duyệt cũng là một vấn đề [xuất hiện] ở ngoài phạm vi chính phủ. Hãy nghĩ đến việc một tên Hồi giáo cực đoan, kẻ đã bịt miệng vợ mình và không cho cô ấy nói. Hoặc một tổ chức chỉ cho phép phụ nữ, hoặc người Mỹ gốc Phi Châu, hoặc bất cứ điều gì tham gia vào. Đây cũng là những hạn chế tự do ngôn luận mặc dù chúng diễn ra trong phạm vi riêng tư. Hoặc xem xét một cộng đồng địa phương buộc những người thợ làm bánh theo đạo Cơ Đốc phải làm bánh với những thông điệp mà họ thấy không ổn về mặt đạo đức, những điều mà họ không muốn nói đến. Lời nói bị ép buộc cũng đáng ghê tởm không kém gì sự ngăn cản ngôn luận.
Một chủ đề khác mà tôi nhấn mạnh tại buổi mít tinh đó là mối nguy hiểm đối với sự tự do ngôn luận do giới truyền thông đảng phái, không trung thực gây ra. Với các phương tiện truyền thông chính thống, chúng ta không còn phải đối mặt với những nhầm lẫn về “thiên lệch” hoặc trung thực nữa. Việc này không chỉ đơn giản là vấn đề của những người tả khuynh xào nấu câu chuyện theo cách của họ, để ủng hộ cho quan điểm của họ. Thay vào đó, đây là [vấn đề về] những kẻ xảo ngôn trơ trẽn cổ vũ cho việc kiểm duyệt kỹ thuật số, sử dụng đe dọa và sỉ nhục để hủy hoại cuộc sống của những người mà họ bất đồng ý kiến, và những người hoạt động như các phương tiện tuyên truyền của phe cánh tả và Đảng Dân Chủ.
Giải pháp của tôi: “Đừng tin vào những gì quý vị đọc và nghe, ngay cả khi nó là sự thật.” Chú ý cụm từ cuối cùng, “ngay cả khi nó là sự thật,” vẫn có thể khiến một số người phải băn khoăn. Tại sao tôi lại nói như vậy? Hãy nghĩ về một người có thói quen nói dối. Người này nói dối trong hầu hết thời gian, cứ cho là 75% thời gian đi. Tất nhiên, phần còn lại—25% thời gian—những gì anh ta nói là đúng. Nhưng chỉ đơn giản là quá rắc rối để cố gắng phân biệt được sự khác biệt. Một nguyên tắc chung là đừng tin vào những điều mà anh chàng này nói. Hãy cho đó là một lời nói dối, và hầu hết thời gian quý vị sẽ đúng.
Nước Mỹ sẽ không còn là một xã hội hoạt động bình thường nữa cho đến khi quyền tự do ngôn luận được khôi phục. Điều này có nghĩa là mọi người có thể tự do nói lên suy nghĩ của mình về các vấn đề, bao gồm các vấn đề gây tranh cãi, mà không bị đuổi học, sa thải, hoặc bị xóa sổ và bị loại khỏi truyền thông xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là một lần nữa chúng ta có một hệ thống báo chí đưa ra các ý kiến quan trọng giám sát chính phủ, hoạt động như một biện pháp kiểm soát quyền lực hơn là một phương tiện tuyên truyền cho chính phủ. Cho tới khi đó, chúng ta [vẫn đang] là một xã hội không tự do, cho dù chúng ta có nhận ra điều đó hay không.
Ông Dinesh D’Souza là một tác giả, nhà làm phim và người dẫn chương trình hàng ngày của kênh podcast Dinesh D’Souza.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Dinesh D’Souza thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: