Dung mạo dáng vẻ chỉ là vì bề ngoài đẹp xấu thôi sao?
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe người già nói, đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi, ăn có tướng ăn. Lúc đó, tôi không hiểu được hàm ý sâu sắc của những lời nói đó, chỉ là hiểu nông cạn bề ngoài là xấu và đẹp.
Có lúc, tan tầm trở về nhà, tôi liền nằm xuống ghế sofa trong phòng khách. Để thuận tiện, tôi đi dép khi ra ngoài. Đi trên đường phố, cũng thấy người ta để tóc xõa, mặc quần áo ngủ, đàn ông để tóc dài với kiểu dáng kỳ dị. Có người trên ống quần lộ ra 2 lỗ thủng. Có người mặc y phục, mang giày, mũ, ba lô, trang sức có hình đầu lâu. Mãi cho đến ngày nay, sau khi đã đọc những sách cổ có liên quan, tôi mới thực sự hiểu rõ hàm nghĩa chân chính đằng sau câu nói của người xưa “đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi, ăn có tướng ăn”.
Đàn ông cung kính, phụ nữ tươi đẹp
Trong sách “Thượng thư – Hồng phạm” có nói: Có năm việc rất quan trọng, việc thứ nhất là “dung mạo”. Dung mạo yêu cầu đối với đàn ông là cung kính, đối với phụ nữ là tươi đẹp. Người ta có cao thấp sang hèn khác nhau, già trẻ tôn ti có trật tự, hành động hợp với quy củ, chắp tay và vòng tay thi lễ.
Về trang phục, Thiên tử cổ đại Trung Quốc mặc trang phục có hình núi và rồng, chư hầu mặc trang phục có hình lửa, đại phu mặc trang phục có hoa văn hình cái rìu, sĩ phu mặc trang phục có hoa văn hình chữ “kỷ” (bản thân). Đạo đức càng cao thì nội tâm càng phải theo quy củ.
Xe ngựa khi đi ra ngoài, đi lại nhanh chậm cũng có khác biệt.
Khổng Tử nói: “Là người cung kính, phù hợp với lễ nghi, thì sẽ tránh xa khỏi sỉ nhục.”
Dung mạo, y phục, mũ mão không đoan chính, là quy phạm đạo đức của con người khi nội tâm đã mất lễ tiết biểu hiện ra, vì vậy sẽ đem lại những chuyện không may mắn.
Xã hội cổ đại Trung Quốc thấy người ta mặc trang phục kỳ dị, như nam mặc trang phục nữ, nữ mặc trang phục nam, hoặc dùng trang sức, phục sức không phù hợp với thân phận của mình, trang điểm kỳ lạ, những thứ này đều bị coi là “phục yêu” (trang phục, trang sức quái dị). Trong Hán Thư có viết: “Phong tục cuồng loạn ngạo mạn, thay đổi lễ tiết chế độ, đó là trang phục kỳ quái khinh mạn, do đó gọi là phục yêu.”
Trang phục kỳ dị, màu sắc hỗn tạp, là dấu hiệu bất chính
“Tả thị truyện” có ghi chép rằng, năm Mẫn Công thứ 2, Tấn Hiến Công phái Thái tử Thân Sinh dẫn quân xuất chinh vào mùa đông. Hiến Công để Thân Sinh mặc y phục hai bên trái phải có hai màu khác nhau, và đeo vàng.
Đại phu nước Tấn là Hồ Đột thấy vậy thì than rằng: “Thời gian, trang phục và trang sức khi Thái tử xuất chinh đều cho thấy rõ thân phận và sự thành bại của lần xuất chinh này. Đại vương sắp xa lánh Thái tử rồi. Nếu tín nhiệm Thái tử thì đã để Thái tử mặc quan phục có màu sắc thuần chính, đeo ngọc trung thành không đổi thay, và sẽ lệnh cho Thái tử xuất chinh vào đầu năm. Đại vương dùng trang phục và phục sức xa lánh Thái tử, mùa đông xuất chinh, cho thấy trước là bất thành. Mùa đông lạnh giá, sát khí rất mạnh, vàng hình khối có nghĩa là lạnh lùng đoạn tuyệt, màu sắc y phục hỗn tạp có nghĩa là lãnh đạm khinh bạc. Thái tử đã không có chỗ dựa nữa rồi.”
Lương Dư Tử Dưỡng nói: “Người dẫn quân tiếp nhận mệnh lệnh ở Thái miếu, tiếp nhận thịt tế ở Thần xã, còn có trang phục quy định. Hiện nay, Thái tử không được lễ phục chính thức, mà mặc trang phục có màu sắc hỗn tạp, hàm nghĩa trong mệnh lệnh thì không cần hỏi cũng có thể biết rồi.”
Hãn Di nói: “Trang phục kỳ lạ với màu sắc hỗn tạp biểu thị sự việc không bình thường, miếng vàng biểu thị có đi mà không có về. Quốc quân có tâm hại Thái tử rồi.”
Bốn năm sau, Thân Sinh bị vu cáo hãm hại phải tự sát, sự việc này đã ứng với những lời nói về phục yêu.
Trang điểm lông mày rầu rĩ, ngấn lệ, yêu phục gây họa
Những năm Nguyên Gia thời Hoàn Đế, phụ nữ kinh thành thịnh hành trang điểm vẽ lông mày rầu rĩ, nhỏ và cong, dưới hai mắt thoa phấn mỏng như ngấn lệ, búi tóc ngã ngựa, tức búi tóc sang phía bên của đầu. Khi đi thì uốn éo phần eo, dường như hai chân không có ở dưới. Khi cười thì giống như đau răng, không lộ ra vẻ tươi cười vui vẻ.
Loại trang điểm này ban đầu do vợ của Đại tướng quân Lương Ký tạo ra, thịnh hành ở kinh thành, các vùng ở Trung Nguyên đua nhau học theo. Điều này gần với phục yêu. Gia tộc Lương Ký hai đời làm Đại tướng quân, có quan hệ hôn nhân với Hoàng thất, quyền hành khuynh loát một thời. Nhưng đến năm Diên Hi thứ 2, toàn bộ gia tộc họ Lương bị xử tử.
Theo “Văn hiến thông khảo” ghi chép, cuối thời Đường, phụ nữ trong kinh thành để hai làn tóc mai ôm mặt, hình dáng búi tóc như cái dùi, mọi người gọi là “phao gia kế” (búi tóc ném nhà). Khi đó còn ưa chuộng dùng lưu ly làm trâm. “Phao gia”, “lưu ly” âm gần giống với “điên bái lưu ly” (điên đảo lưu lạc). Đó là dấu hiệu Đế vương di dời, xã tắc bất ổn. Thế là, kiểu búi tóc ném nhà và trâm lưu ly bị coi là phục yêu.
Nam mặc trang phục nữ, mất hết uy nghi
Những năm cuối nhà Tây Hán, thiên hạ đại loạn, Canh Thủy Đế lên phía Bắc xây dựng kinh đô Lạc Dương. Các quan chức và nhân sĩ trong kinh thành đều đi nghênh đón Canh Thủy Đế, các tướng của Canh Thủy Đế đều đội khăn đầu của bách tính, mặc trang phục nữ ngắn tay, thêu hoa.
Mọi người thấy cảnh tượng này, có người thầm thì, có người bịt miệng cười, có người sợ quá bỏ chạy. Những nguyên lão của triều đình than rằng: “Đây là điềm không lành của phục yêu, không lâu sau sẽ có tai họa giáng xuống đầu Canh Thủy Đế.”
Sau này, Canh Thủy Đế chiến bại bỏ thành tháo chạy, bị quân Xích Mi chặt đầu.
Khi Quang Vũ Đế dẫn quan viên thuộc hạ đến Lạc Dương xử lý công vụ, mặc y phục mũ mão giống như Hán quan thời xưa vào thành. Rất nhiều quan lại trông thấy, đều rất vui mừng rằng trong những năm tháng còn sống, họ đã có thể trông thấy sự uy nghi của Hán quan. Quang Vũ Đế Lưu Tú kết thúc cục diện hỗn loạn cuối thời Tây Hán, kiến lập nhà Đông Hán, kéo dài cơ nghiệp nhà Hán thêm 200 năm.
Bài viết đăng lại từ Minh Huệ Việt ngữ
Quý vị tham khảo bản gốc từ Minghui.org