Đứng lên chống lại Trung Cộng: Một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa làm nên lịch sử
Trong ký ức của bà Trương Dật Kiệt, những ngày tháng ở Bắc Kinh luôn có điều gì đó tăm tối và u ám. Ngày hôm đó cũng không ngoại lệ.
Là trưởng phòng của Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế, bà vừa trở về nhà sau một chuyến công du dài một tháng tại Đức. Khi ấy trời đã xế chiều và không có nhiều thời gian. Vừa đặt hành lý xuống, không màng tới chuyện ăn uống, bà háo hức mở điện thoại, nóng lòng được giao lưu với các bạn của mình, những người đã cùng bà học các bài giảng của Pháp Luân Công và luyện tập các bài công pháp hàng ngày.
Nhưng bà đã không liên hệ được với bất kỳ ai.
Sau đó, chồng bà nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ giám đốc Thạch Quảng Sinh (Shi Guangsheng), một đồng nghiệp cũng làm trong Bộ. Chồng bà chạy nhanh tới một căn phòng khác, đóng cửa lại.
Tất cả những điều này khiến bà Trương cảm thấy bất an. Đứng kiễng chân ngoài cửa, bà nghe thấy rằng một nhóm các học viên Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải, khu vực cơ quan của các lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng).
Vị giám đốc nói với chồng bà rằng hãy đến chỗ đoàn biểu tình và nói với tất cả những nhân viên của Bộ ngoại thương tham dự sự kiện đó phải rời đi ngay lập tức.
Nhưng cuối cùng vào ngày 25/04/1999, người ta đã chứng kiến khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công từ khắp nơi trên đất nước [Trung Quốc] tập trung dọc theo các bức tường đỏ bao quanh khu phức hợp của chính phủ trên đường Phủ Hữu, để thỉnh nguyện cho quyền tự do tu luyện Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Được giới thiệu lần đầu với công chúng vào năm 1992, môn tu luyện tinh thần này được khẩu truyền trên khắp đất nước Trung Quốc, cho tới năm 1999 đã có khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người tu luyện. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các học viên luyện tập những bài tập nhẹ nhàng chậm rãi vào mỗi buổi sáng ở các công viên khắp nơi tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các học viên dần cảm thấy áp lực ngày càng gia tăng từ phía các nhà chức trách, với việc sách tu luyện bị cấm phát hành, các chương trình của nhà nước tuyên truyền những thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ thanh danh của pháp môn, và sở công an phát lệnh điều tra kỹ lưỡng đối với môn tu luyện.
Sau đó, Trung Cộng tuyên truyền sự kiện hôm 25/04 là một cuộc biểu tình khiêu khích nhằm kiếm cớ cho một chiến dịch bức hại toàn diện nhắm vào Pháp Luân Công, được phát động vào tháng 7 năm đó—và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Nhưng bà Trương, đã vội leo lên xe đạp để đi đến Trung Nam Hải, và nhìn thấy không có bất kỳ biểu hiện đe dọa nào của các học viên Pháp Luân Công vào ngày hôm đó. Với niềm tự hào, bà và những học viên khác có mặt ở đó nhớ lại những hàng dài, thẳng tắp và ngay ngắn xếp dọc theo con phố. Nhiều người đang đọc sách hoặc ngồi thiền trên vỉa hè. Một số cầm chiếc túi nilon đi quanh để thu gom rác từ những người thỉnh nguyện.
Bà Trương nói người ta chỉ cảm thấy sự khác biệt khi ở giữa một đám đông yên bình như vậy.
Bà Trương, hiện đang ở tại Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, “Quý vị đã nhìn thấy một cuộc thỉnh nguyện như thế bao giờ chưa? Đường dành cho khách bộ hành và đường chính vẫn luôn thông thoáng. Không có tiếng la ó, không có một mẩu rác vụn trên hè phố?”
Ông Sử Tài Đông (Shi Caidong), một thạc sĩ làm việc tại Học Viện Khoa Học Trung Quốc do nhà nước điều hành, là một trong ba đại diện [của những người thỉnh nguyện] đã gặp Thủ Tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) vào sáng ngày hôm sau để bày tỏ nguyện vọng của họ.
Ông Chu đã tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với quyền tự do tín ngưỡng và sắp xếp bốn quan chức đến gặp họ, bao gồm cả phó tổng thư ký của ông và giám đốc văn phòng khiếu nại của nhà nước. Ba người đại diện đưa ra ba nguyện vọng chính: thả tự do cho hàng chục học viên ở thành phố Thiên Tân mới bị đánh đập và giam giữ hai ngày trước đó, cho phép xuất bản và lưu hành các sách của Pháp Luân Công, và khôi phục môi trường để họ có thể tập luyện công khai mà không phải sợ hãi.
Các quan chức cũng đã nhận một vài bản sao cuốn sách chính của pháp môn, cuốn “Chuyển Pháp Luân”, và hứa sẽ chuyển lại những điều này cho lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng.
Mọi người dần dần giải tán vào buổi tối khi nghe tin các học viên ở Thiên Tân đã được thả tự do.
“Nếu nói đó là một cuộc bao vây, thì liệu thủ tướng Chu Dung Cơ có thể xuất hiện bình hòa như vậy không?” ông Sử nói, khi bác bỏ mô tả của các phương tiện truyền thông nhà nước về sự kiện này.
Ông Khổng Duy Kinh (Kong Weijing), một đại diện khác, cho biết sự căng thẳng có gia tăng vào buổi chiều khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện, mang theo súng trường, nhưng không có người thỉnh nguyện nào khuấy động.
Bà Trương ở lại cho đến khi trời tối và lặng lẽ ra về sau khi hầu hết những người thỉnh nguyện đã rời đi.
Sau đó, một số học viên có thông tin nội bộ nói với bà rằng, lúc đầu nhà cầm quyền đã chuẩn bị dùng bạo lực đối với những người thỉnh nguyện vào tối ngày hôm đó. Nhưng sự yên tĩnh phi thường của đám đông đã tránh được một cuộc thảm sát có thể xảy ra tương tự như cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn—một cuộc đàn áp đẫm máu do nhà cầm quyền thực hiện đối với những sinh viên biểu tình, đã diễn ra cách đó chỉ hơn một thập kỷ.
Bà Trương nói: “Họ không thể tìm ra bất kỳ lý do nào để đàn áp.”
Kiên định với lẽ phải
Sang ngày thứ hai sau cuộc thỉnh nguyện, các lệnh chính thức đã được gửi đến các tổ chức trên toàn quốc để cảnh báo người dân về những gì đã xảy ra.
Đây là lần đầu tiên bà Loan Sảng (Luan Shuang), giám đốc nhân sự của một công ty vận chuyển tại thành phố Thâm Quyến, nghe nói về Pháp Luân Công.
Nhiều năm trước đó, khi vẫn còn là một sinh viên, bà đã bàng hoàng về cách Trung Cộng nã súng vào những thanh niên không có vũ khí ở quảng trường Thiên An Môn. Hành vi sát nhân tàn bạo vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bà, [vì thế] sự dũng cảm của những học viên Pháp Luân Công sau này đã khiến bà cảm động.
Cũng như bao phong trào chính trị khác, cũng như bao người khác, bà Loan phải viết cam kết bằng văn bản với cấp trên về việc không tham dự sự kiện và tuyên bố rằng cuộc biểu tình hay diễn hành ở Bắc Kinh là sai. Bà nói: “Không ai sẽ đi cả.”
Bà hồi tưởng lại suy nghĩ lúc đó, “Tôi sẽ không đi ngay cả khi họ cho tiền tôi để làm việc đó—điều đó chẳng phải đặt một dấu chấm hết cho sự nghiệp của quý vị sao?”
Bà quyết định tìm hiểu xem tại sao mọi người lại dám mạo hiểm như vậy, bà đã xin một cuốn sách của Pháp Luân Công từ một đồng nghiệp, tình cờ cũng là một học viên. Sau khi đọc xong cuốn sách một lần, bà quyết định sẽ tu luyện.
Bà chia sẻ rằng những giá trị mà cuốn sách mang lại như một tia sáng chiếu rọi vào cuộc sống “đầy hỗn độn” của bà.
Khi đề cập về các nguyên lý cốt lõi của việc tu luyện, bà cho biết, “Giờ tôi hiểu rằng tôi sẽ dùng tiêu chuẩn ‘chân, thiện, nhẫn’ để nhìn nhận mọi thứ. Vì vậy, miễn đó là điều đúng đắn, tôi sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng.”
Sự trả đũa
Bất chấp lập trường hòa giải của các quan chức hôm 25/04, Trung Cộng đã coi sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa và bắt đầu một chiến dịch đàn áp toàn quốc chỉ ba tháng sau đó, nhằm xóa sổ pháp môn. Trong những năm tiếp theo, hàng triệu học viên đã bị bắt giam vì kiên định với đức tin của mình, theo ước tính từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Dafa Information Center), rất nhiều các học viên không xác định được danh tính đã bị sát hại bằng nhiều hình thức tra tấn khác nhau.
Sau khi gặp gỡ thủ tướng trong buổi thỉnh nguyện, ông Sử đã trở thành mục tiêu của chi bộ Đảng tại nơi làm việc, họ bắt đầu theo dõi các hoạt động của ông. Các nhân viên chấp pháp đã xem xét những hồ sơ về quá khứ của ông ngay trong đêm hôm đó, mặc dù họ chẳng tìm thấy bất kỳ vấn đề nào.
Bà Trương, một quan chức ngoại thương đã phải chịu sự bức hại khốc liệt hơn. Trong vòng hơn bảy năm, bà đã bị bắt bảy lần và bị giam giữ bất hợp pháp 28 tháng tại một trại lao động, nơi bà bị đánh đập, bức thực, cấm ngủ—thời gian dài nhất là 42 ngày liên tiếp. Khi những tháng ngày bức hại kết thúc, tóc bà đã bạc trắng, và răng đã lung lay. Bà nói: “Thực tế, việc tôi sống sót là bằng chứng cho sự kỳ diệu của Pháp Luân Đại Pháp.”
Điều này hoàn toàn trái ngược với cuộc sống trước khi bà bị bức hại, khi đó bà có một công việc tốt trong chính phủ, có một gia đình hoàn hảo, một cô con gái và một cậu con trai sắp vào đại học.
Bà nói: “Nhiều người có thể phải làm việc cả đời mà không đạt được vị trí của tôi. Vào thời điểm đó, nếu tôi đồng ý ngừng tu luyện, tôi sẽ không mất bất kỳ điều gì.”
Còn bà Loan, lúc đó vẫn còn là một học viên mới, cũng phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Ở tuổi 34, cô đang có một cuộc sống thành công của một nhân viên văn phòng, tận hưởng một cuộc sống mà nhiều người ở độ tuổi của bà không dám mơ tới. Không lâu sau đó, bà đã chuyển đến sống trong một ngôi biệt thự rộng 4,300 feet vuông bên bờ biển, sẵn sàng hưởng thụ thành quả từ việc lao động chăm chỉ của mình.
Bà có thể bí mật tu luyện trong tư gia mà không cho người khác biết. Hoặc bà phải nói lên suy nghĩ của mình và mạo hiểm mất tất cả.
Bà Loan đã chọn điều thứ 2.
Năm 2001, vị giám đốc nhân sự đã đến Quảng Trường Thiên An Môn để phản đối cuộc bức hại—chính là nơi mà hai năm trước đó bà từng nghĩ “ngay cả khi họ cho bà tiền thì bà cũng không đi.”
Bà Loan đã bị đưa vào nhiều trại tạm giam khác nhau và phải chịu đựng ba tháng tra tấn. Bà ngủ trên những tấm chăn mà bà cho là chúng chưa bao giờ được giặt vì chúng bốc mùi nồng nặc. Mặc dù không bị đánh đập, nhưng bà đã làm việc nhiều giờ liền mà không được nghỉ ngơi để làm ra những chiếc đèn Giáng Sinh, khiến ngón tay bà không thể duỗi thẳng sau khi ca làm việc kết thúc.
Bà đã toàn vẹn thoát khỏi trại lao động, nhưng những người khác không được may mắn như bà. Một tù nhân đã nói với bà rằng một học viên Pháp Luân Công khác, một giáo viên ngoại ngữ ở cùng thành phố với bà Loan, đã bị phát điên.
Đảng cũng khai trừ bà khỏi tư cách thành viên, cắt bỏ các đặc quyền kinh tế, chính trị liên quan đến đảng. Công ty của bà cũng đã tổ chức một “cuộc họp đấu tố” để thông báo về việc bà bị sa thải. Trong suốt cuộc họp, bà Loan đã phải chịu vô số lời chỉ trích về đức tin của bà từ các cấp trên của công ty.
Bà Loan chỉ mỉm cười khi cấp trên công bố quyết định trước hàng chục đồng nghiệp của mình.
“Cái Đảng tà ác này không thể dung chứa được những người tốt. Ngay cả khi anh không sa thải tôi, tôi cũng ra khỏi đây,” cô nhớ lại những lời cô nói vào lúc đó.
Công ty của Loan không sa thải cô ngay lập tức, mà họ giao những công việc thấp nhất. Cuối cùng cô đã nộp đơn nghỉ việc.
Không hối tiếc
Thời gian lâu sau khi định cư tại Hoa Kỳ, khi kể lại cuộc hành trình, những người học viên này toát lên một vẻ bình thản trước những đau khổ trong quá khứ của họ.
Họ nói rằng họ đã lựa chọn đúng.
Bà Trương, người đã chạy thoát qua Thái Lan từ năm 2006 nói rằng, “Niềm tin vào chân lý, khi đã vượt qua mọi đau khổ, từ cảm xúc đã trở thành lý trí.”
Bà Trương thấy cuộc đời của mình như một “huyền thoại.” Bà cho biết, “Bất kể thử thách và hoàn cảnh nào, tôi đều đã chứng kiến và vượt qua tất cả.”
Hôm 18/04, các học viên cho biết họ đã tập họp cùng với khoảng 1,000 học viên khác ở New York để tham gia một cuộc diễn hành và mít tinh tưởng niệm cuộc biểu tình lịch sử của sự kháng nghị ôn hòa, đồng thời ‘nói không’ với sự đàn áp tiếp diễn của Trung Cộng đối với đức tin của họ.
Mỉm cười như 20 năm trước, bà Loan nói rằng, “Nếu tất cả mọi người đều giống như những người đã thỉnh nguyện vào ngày 25/04, xã hội Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn. Bởi vì ngày 25/04 … cuối cùng tôi đã trở thành một trong số những người tốt đứng lên vì chính nghĩa, điều mà tôi đã khát khao từ khi còn trẻ.”
Do Eva Fu thực hiện
Hồng Xu biên dịch
Xem thêm: