Đừng để công việc chiếm lấy cuộc sống của bạn!
Jennifer mỗi tuần có 3 ngày làm việc ở bên ngoài, vào các ngày “nghỉ”, cô bận rộn với ba công việc kinh doanh bán thời gian khác. Điều này không hề dễ dàng, thời gian làm việc rất dài, và cũng rút ngắn thời gian dành cho gia đình của cô.
Từng ngày từng ngày trôi qua, Jennifer cảm thấy bản thân mình trống rỗng. Mặc dù kiếm thêm thu nhập là rất quan trọng, nhưng cô dần nhận ra rằng việc trở thành một người mẹ, một người vợ khỏe mạnh (và ổn định) còn quan trọng hơn. Nếu cô không cân bằng được giữa ước mơ và cuộc sống gia đình, thì chắc chắn sẽ có điều gì đó sụp đổ, chẳng hạn như tinh thần của cô. Mà khi điều đó xảy ra, sẽ không có ai vui cả.
Cho dù bạn có kế hoạch trở thành một người trông trẻ, mở một cửa hàng nhỏ, giúp công ty ghi chép sổ sách hay bán thảm dệt tay trên eBay để kiếm thêm tiền, bạn đều phải tính toán xem mình có thể thực sự dành bao nhiêu thời gian để thực hiện. Tất nhiên, điều này sẽ thay đổi tùy theo từng trường hợp.
Nếu bạn là một bà mẹ đơn thân và lại là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, bạn có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi làm toàn thời gian. Nếu con bạn đủ lớn để đi học, thì một ngày sẽ có thêm mấy tiếng nữa để vận dụng. Nếu con bạn vẫn chưa đến tuổi đi học, bạn có thể sẽ có ít thời gian hơn. Nhưng có bao nhiêu thì hãy dùng bấy nhiêu, hãy tranh thủ. Tôi sẽ sớm đưa ra lời khuyên quản lý thời gian dành cho bạn, nhưng trước tiên tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc, cuộc sống và gia đình.
Khi tôi lần đầu tiên thử viết blog, tôi cũng đã kết nối với những người xây dựng sự nghiệp trên Internet khác, trong đó có một gia đình xuất bản tạp chí giáo dục tại nhà mang tính toàn quốc. Họ nói rằng đang tìm kiếm nhân viên hỗ trợ bán thời gian cho công việc kinh doanh tiếp thị. Sau khi tìm hiểu sâu hơn, tôi phát hiện ra rằng công việc này là nghiên cứu và kết nối với các công ty khác nhau để có cơ hội quảng cáo chéo. Tôi chắc chắn rằng đó là một công việc tôi có thể xử lý, hơn nữa chỉ mất khoảng hai giờ một ngày, vì vậy tôi đã điền vào hồ sơ xin việc và đã được nhận.
Công việc này rất nhàm chán, còn thường xuyên bị từ chối trước mặt, nhưng trong quá trình này, tôi đã học được rất nhiều kiến thức liên quan đến tiếp thị. Hơn hết là, tôi được trả tiền cho thời gian mà mình bỏ ra!
Sau một vài tháng làm việc bán thời gian, công ty này đã đề nghị cho tôi một vị trí ổn định hơn: phụ trách một số chương trình khuyến mãi và làm việc với họ về các giải pháp sáng tạo cho tiếp thị. Tôi rất vinh dự và vui mừng khi có cơ hội này, nhưng tôi chưa nghĩ nhiều về việc nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lịch trình vốn đã sắp đặt kín của tôi.
Jesse (chồng tôi) lúc đó đang học luật và có một công việc bán thời gian. Ngoài ra, vì chúng tôi chỉ có một chiếc xe hơi ở nhà và không quen ai trong thị trấn, vậy nên tôi dành phần lớn thời gian trong ngày ở nhà với cô con gái nhỏ Kathrynne. Chúng tôi cần tiền, mà công việc này giúp tôi có thời gian ở nhà, ngoài ra tôi cũng thích thử thách này!
Tôi làm việc chăm chỉ và cống hiến hết sức mình. Sau đó, tôi được thăng chức lên Giám đốc Tiếp thị, công ty còn thăng cho tôi chức Phó quản lý nhóm bán hàng quảng cáo. Tôi đã nắm lấy hai cơ hội này mà không suy nghĩ nhiều. Tôi yêu công việc đó, ngoài mức lương hậu hĩnh, nó còn cho phép tôi sử dụng thời gian và sức lực của mình để làm gì đó trong khi Jesse bận rộn với trường luật và công việc. Bây giờ nhìn lại, lẽ ra tôi nên dành nhiều thời gian hơn để nghiêm túc cân nhắc xem có nên nhận thêm công việc hay không. Đặc biệt là khi tôi đã quá căng thẳng, khi vừa phải điều hành công việc kinh doanh trực tuyến đang phát triển của mình, vừa phải chăm sóc lũ trẻ.
Tôi đặt toàn tâm toàn ý của mình vào những chức vụ mới này; tôi đọc cả bộ sách về tiếp thị; tôi quan sát các công ty khác và phân tích các ví dụ thành công của họ; tôi còn bắt đầu thử nghiệm các chiến lược khác nhau để tìm ra công thức thành công cho công ty.
Thật cảm động khi thấy sự chăm chỉ của mình được đền đáp. Doanh số bán tạp chí tăng lên, nhóm đã tạo ra nhiều quảng cáo bán hàng và tôi còn giúp công ty dẫn đầu một số chiến dịch tiếp thị. Tôi rất thích công việc của mình. Chỉ có một vấn đề: Tôi thân mang trọng trách kinh doanh tạp chí, viết blog và kinh doanh trên Internet, vì vậy không có lúc nào là tôi không đang làm việc.
Tinh lực kiệt quệ là điều không thể tránh khỏi. Tôi thường phải làm việc đến khuya, cầu mong con gái ngủ ngoan suốt đêm mà không quấy rầy tôi, thậm chí có hôm tôi phải thức cả đêm. Làm thêm quá giờ chắc chắn mang đến hậu quả không tốt đối với tôi. Nhìn lại những bức ảnh của mình vào thời điểm đó, tôi không thể tin được mình lại trông thiếu ngủ và tiều tụy đến vậy. Tôi mệt mỏi đến mức cố gắng gượng cười cũng là điều rất khó khăn.
Tin tốt là, những công việc tôi làm ở nhà cộng thêm thu nhập bán thời gian của chồng, đã cho phép tôi ở nhà với con gái. Chúng tôi không chỉ trả hết khoản vay, mà lần đầu tiên kể từ khi kết hôn, ngân sách gia đình của chúng tôi cuối cùng cũng cũng có chút rủng rỉnh. Tất cả đều là chuyện tốt! Tuy nhiên, tôi không thể duy trì nhịp độ làm việc khó thở và phi thực tế này nữa.
Vào đêm trước ngày chồng tôi tốt nghiệp trường luật, chúng tôi quyết định tôi nên bỏ công việc tạp chí và tập trung vào gia đình và sự nghiệp. Tôi rất cảm kích trải nghiệm này, cảm thấy thu hoạch được rất nhiều. Trải nghiệm công việc này xác thực là có chỗ tốt, ngoài việc nhận được bằng cấp về marketing, tôi còn nhận thức rõ hơn về giới hạn của bản thân mình. Tôi nhận ra rằng, dù mức lương có hậu hĩnh đến đâu, thì 60 đến 70 giờ làm việc một tuần cũng không phải là điều tôi muốn!
Vẫn có những ngày mà mối quan hệ giữa công việc-cuộc sống-gia đình của tôi mất cân bằng. Đôi khi tôi dành quá nhiều thời gian cho công việc và không đủ thời gian tận hưởng cuộc sống; hoặc tôi không thể dành hết tâm trí cho gia đình vì dự án mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành; tôi cũng thường tích quá nhiều đồ để chờ giặt. Nhưng khi nhìn lại, tôi sẽ cảm thấy tự tin hơn vì mình đã kiên trì được đến đây, tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn trước, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho con cái, và tôi có thể đầu tư nhiều hơn bao giờ hết cho các mối quan hệ bạn bè bên ngoài.
Nếu bạn không đặt ra ranh giới, sự nghiệp của bạn sẽ chiếm trọn cuộc đời bạn. Bạn nhất định phải nghĩ xem sẽ đầu tư bao nhiêu thời gian cho sự nghiệp hoặc ý tưởng của mình. Hai đến ba giờ một ngày? Mười, hai mươi hay bốn mươi giờ một tuần? Bạn có thể dành bao nhiêu thời gian cho công việc mà không bị cạn kiệt năng lượng và mất đi các mối quan hệ xã hội?
Bí quyết quản lý thời gian
Khi bạn bắt đầu kinh doanh tại nhà, mở một cửa hàng ở địa phương hoặc sản xuất sản phẩm để bán trực tuyến, một trong những thách thức thường gặp là tìm ra sự cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình, thực hiện các chức trách hàng ngày của bạn. Tôi giả định rằng bạn cũng như tôi, muốn tránh bị cảm thấy trống rỗng bởi 60 đến 70 giờ làm việc mỗi tuần, vậy các nguyên tắc sau đây sẽ có thể giúp bạn tận dụng thời gian của mình.
Đặt các tham số thời gian cho riêng bạn
Chia số giờ bạn có thể làm việc mỗi ngày thành các khoảng thời gian. Giống như một vài tháng trước, tôi đã chia thời gian trong ngày khi tôi sử dụng máy tính như sau:
- 45 phút để sáng tác.
- 1 tiếng rưỡi để công bố các sản phẩm ưu đãi đang có hiệu lực.
- 30 phút để nhận và gửi email.
- 15 phút trên Facebook và Twitter.
- 15 phút để viết kế hoạch dự án.
Ngoài ra, thêm 45 phút để đặt hàng trực tuyến, đọc các bài đăng trên blog và các dự án phụ.
Tôi cố gắng linh hoạt nhất có thể tùy theo sự thay đổi của mùa, của nhu cầu kinh doanh và thị trường. Điều này có nghĩa là lịch trình trên không hề bất biến, đó chỉ là một lịch trình sơ bộ trong một quý. Ngay khi có thay đổi, tôi sẽ điều chỉnh lịch trình và thông số thời gian cho phù hợp.
Ví dụ: tôi hiện đang nỗ lực để tăng mức độ tương tác trên Facebook và đăng các liên kết thông qua Facebook để tăng lưu lượng truy cập. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động liên quan đến Facebook (chia sẻ bài đăng của người khác, đặt lịch đăng bài, trả lời tin nhắn Facebook, v.v.), và ít thời gian hơn cho các chương trình khuyến mãi (tôi huấn luyện một đồng nghiệp viết cho tôi một số bản thảo của sản phẩm ưu đãi mỗi ngày, giúp tôi có thời gian để tập trung vào những thứ khác). Hãy lập kế hoạch cho lịch trình của bạn, nhưng vẫn linh hoạt điều chỉnh, điều này sẽ giúp bạn trở thành một nhà kinh doanh thành công hơn.
Ngoài ra, nếu bạn đang làm việc tại nhà, hãy tuân thủ lịch trình của mình, tập trung vào công việc khi đến giờ làm việc. Chuyển hướng tất cả các cuộc gọi không liên quan đến công việc sang hộp thư thoại. Đừng loanh quanh trên Internet hoặc nghĩ đến việc dọn dẹp kỹ lưỡng các tấm ván chân tường trong phòng của bạn, cũng đừng mở thư và trả lời email gửi đến ngay lập tức (đặc biệt là những email không khẩn cấp hoặc không quan trọng). Hãy tập trung tinh lực để giải quyết những ưu tiên hàng đầu của bạn trong giờ làm việc.
Làm chủ các phương tiện truyền thông xã hội
Twitter, Facebook và Skype cho phép chúng ta nói chuyện và tương tác trực tuyến với hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn người mỗi ngày. Khi được sử dụng đúng cách, mạng xã hội có thể là một sự trợ giúp tuyệt vời để phát triển blog hoặc doanh nghiệp, và tiếp cận nhiều đối tượng hơn; ngược lại, nếu không được kiểm soát, mạng xã hội có thể sẽ chiếm rất nhiều thời gian của chúng ta.
Tôi quả thực đã từng đấu tranh với điều này. Là một bà mẹ làm việc tại nhà với một đứa con chưa đi học, sức hấp dẫn của mạng xã hội là rất lớn. Hơn nữa, tôi không thể tắt mạng xã hội. Tôi thường cảm thấy như đã đến lúc kiểm tra các cuộc thảo luận trên Skype hoặc truy cập Twitter để xem tin nhắn nào tôi đã bỏ lỡ, hoặc lướt qua xem các trạng thái vô tận trên Facebook để cập nhật tin tức mới nhất từ các blogger và bạn bè khác.
Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp bạn phát triển doanh nghiệp của mình một cách nhanh chóng và nhận được các cơ hội quảng cáo miễn phí, nhưng đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn.
Thường xuyên nói “không”
Là phụ nữ, chúng ta thường rất sợ từ chối người khác. Chúng ta lo lắng rằng chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời, và lo lắng rằng người khác sẽ đánh giá. Tôi hiểu, vì bản thân tôi đã từng như vậy.
Tôi khuyến khích bạn (và bản thân tôi) hãy nói “không”. Nếu một cơ hội cần nhiều thời gian hơn khả năng đầu tư của bạn, hoặc buộc bạn phải làm theo cách không phù hợp với bạn, không phù hợp với gia đình, sự nghiệp hoặc blog của bạn, vậy thì cứ nói “không”. Đem tinh lực tập trung vào những lựa chọn tốt nhất xứng đáng với câu trả lời “có” của bạn.
Đừng sợ thất bại
Tôi thích câu nói của cầu thủ bóng rổ nổi tiếng kiêm huấn luyện viên John Wooden: “Thất bại không gây tử vong, nhưng không chịu thay đổi thì có thể”. Tôi nhận thấy rằng nỗi sợ thất bại đã ngăn cản nhiều người thử sức với những điều mới mẻ, những điều khác biệt mà có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta.
(Bài viết này được trích từ cuốn “Money-Making Mom: How Every Woman Can Earn More and Make a Difference” của tác giả Crystal Paine)
Trần Chân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: