Đừng cắt giảm ngân sách của cảnh sát. Hãy cắt giảm ngân sách của quân đội!
Thôi được rồi, tôi đã nói dối đấy. Đó chỉ là một “đầu đề” gây tò mò, để thu hút người ta nhấp vào xem thôi (clickbait). Tôi xin lỗi—đại loại là vậy.
Tôi không muốn cắt giảm chi tiêu cho quân đội, không hề, ít ra là chưa—đặc biệt là với một kẻ được nhận định là sát nhân hàng loạt đang đảm nhận chức vụ tổng thống Iran, thì điều đó sẽ không ngăn được chính phủ Tổng thống (TT) Biden xu nịnh khỏi việc mù quáng theo đuổi một thỏa thuận nguyên tử với những kẻ quái vật này đâu.
(Ai sẽ là một Neville Chamberlain của chúng ta [người được biết đến với chính sách ngoại giao nhân nhượng]—ông John Kerry hay là ông Anthony Blinken?)
Tuy nhiên, nếu tôi phải lựa chọn trong thế giới thực giữa việc cắt giảm ngân sách quân đội và cảnh sát, thì tôi sẽ không do dự mà chọn cắt giảm ngân sách quân đội.
Ngày nay, không ai khác cần đến [ngân sách] cấp bách hơn là cảnh sát, với tình trạng tội phạm gia tăng khủng khiếp trên khắp đất nước, phần lớn ở các khu dân cư người Mỹ gốc Phi Châu, nhưng hầu như ở khắp mọi nơi cũng vậy.
Tỷ lệ án mạng đã tăng trung bình 37% tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ.
Nếu có bất cứ điều gì [cấp bách], thì đó là cảnh sát cần được cấp thêm kinh phí—nhiều hơn đáng kể cùng với việc quay trở lại một phiên bản nào đó của chính sách “Cửa sổ vỡ” (“Broken Windows”) thành công của ông Rudy Giuliani.
Biết đâu đội chống bạo động của thành phố Portland có thể bị “dụ dỗ” để không từ chức bằng một mức lương xứng đáng, sau khi vừa phải chống chọi không ngừng nghỉ với những kẻ tâm thần Antifa và Black Lives Matter (BLM), cùng lúc đó lại bị những kẻ cấp tiến co ro điều hành khiến cho thành phố xinh đẹp thuở nào trở thành bình địa.
Và thậm chí đừng để tôi bắt đầu nói về bà thị trưởng Chicago, một kẻ phân biệt chủng ngạo mạn không chịu nói chuyện với các phóng viên da trắng trong khi những đứa trẻ người Mỹ gốc Phi Châu trong thành phố của bà ta lại đang bị các băng nhóm nghiện ngập tiêm nhiễm vào đầu.
[Lưu ý rằng tôi không viết hoa chữ b trong từ da màu (black) đồng thời để chữ w trong từ da trắng (white) là chữ thường, [bởi] một chiêu trò phân biệt chủng tộc hoàn toàn nữa đang được lan truyền trong nền văn hóa bởi những kẻ “phản động” đạo đức giả đứng đầu trong báo giới của chúng ta, như The New York Times và The Associated Press.]
À, mà quân đội thì sao.
Quân đội từng là nơi trú ẩn an toàn—hoặc chúng ta vẫn tưởng vậy.
Nhưng trừ những người ủng hộ nhiệt thành nhất đối với thuyết sắc tộc trọng yếu ra, liệu có ai không khỏi bàng hoàng và chán nản trước những câu trả lời lảng tránh một cách kỳ lạ của Đô đốc Michael M. Gilday trước các chất vấn của Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) tại các phiên điều trần của Ủy ban các Lực lượng Vũ trang Hạ viện hôm 15/06 chứ?
Nếu quý vị nào chưa xem cuộc trao đổi ấy, đã được phát lại thường xuyên trên các kênh truyền hình cáp có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, thì hãy truy cập vào đây.
Như The Daily Signal đã đưa tin:
“Đô đốc Michael M. Gilday, người đứng đầu các hoạt động hải quân, đã không đáp lại các câu hỏi hôm thứ Ba (15/06) về việc liệu sự phản đối của tác gia kiêm nhà hoạt động Ibram X. Kendi đối với việc nhận con nuôi khác sắc tộc và với chủ nghĩa tư bản có phải là cực đoan hay không.”
“Nhưng, ông Gilday đã nói với Ủy ban các Lực lượng Vũ trang Hạ viện rằng cuốn sách ‘Làm thế nào để trở thành một người chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc’ gây tranh cãi của ông Kendi sẽ đưa đến ‘một lực lượng Hải quân tốt hơn’ bằng cách thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận hơn nữa về phân biệt sắc tộc tại Hoa Kỳ.”
Cuốn sách này đã nằm trong danh mục nên đọc của Lực lượng Hải quân và như The Daily Signal đã lưu ý thêm:
“Ông Brent Sadler, chuyên gia cao cấp về thủy chiến và công nghệ tân tiến tại Trung tâm Quốc phòng của The Heritage Foundation cho biết: ‘Quan điểm thụ động của ông Gilday về danh mục nên đọc của ông ấy không hoàn toàn chính xác.”
‘Danh mục [nên] đọc này bị lệch với chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc và nghiêng về thuyết sắc tộc trọng yếu. Một danh mục đọc chính là một sự tán đồng,’” ông Sadler nói với The Daily Signal.
Tôi đã nghe nói về sự lây nhiễm chính trị “thức tỉnh” của quân đội một thời gian, nhưng rồi nó đã hiện hữu trước mắt tôi. Tôi chỉ có thể hình dung việc đó thực sự ra sao trong nội tình các nhóm cao cấp của Ngũ Giác Đài. Hẳn ngài Patton sẽ nổi cơn thịnh nộ đây.
Xin nhắc nhở một cách hãi hùng rằng chính ông Gilday cùng các đồng minh của ông ấy chịu trách nhiệm ngăn chặn Trung Cộng ở Biển Đông và những nơi khác.
Quý vị có thể nhìn thấy sự thôi thúc để cắt giảm ngân sách của quân đội, nhưng, tất nhiên, chúng ta đã bị mắc bẫy. Trung Quốc và Nga không hề có ý định cắt giảm ngân sách quân đội của họ đâu.
Đối với ông Kendi, công việc của ông ta—giống như công việc của người đồng sáng lập BLM, trùm bất động sản đầy tham vọng Patrisse Khan-Cullors vậy—chỉ thuần túy là về tiền bạc. Quý vị mà không viết một cuốn sách bán chạy nhất hay giành được sự ủng hộ của tờ New York Times đã nói ở trên, như ông Kendi đã làm, thì chỉ còn cách là một lần nữa tán thành Ngài Martin Luther King và bài diễn văn về Giấc mơ bình đẳng “mệt mỏi” của ông ấy.
Quý vị phải sốt sắng lên. Thuyết sắc tộc trọng yếu là rất kích động.
Thuyết này còn phân biệt chủng tộc, ngớ ngẩn và gây chia rẽ dữ dội—nhưng không sao cả.
Thuyết này hướng tới đâu?
Khi còn học trung học, tôi nhớ đã đọc cuốn sách đầy uy lực của James Baldwin “Lần tới sẽ là hỏa hoạn” (The Fire Next Time). Nhan đề cuốn sách đến từ một câu ghép trong tinh thần cảm động của bài hát [phúc âm cổ điển] “Mary đừng than khóc” (Mary Don’t You Weep):
“Và Thượng Đế đã ban cho Noah dấu hiệu cầu vồng
Không còn nước, lần tới [sẽ là] hỏa hoạn.”
Kể từ đó, đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra, chủ yếu từ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu do các nhà lãnh đạo phân biệt chủng tộc lợi dụng thúc đẩy, những thứ mà ông Baldwin và ông Ralph Ellison chắc chắn đã nhận ra.
Nhưng như một nam ca sĩ 80 tuổi đã từng hát, “Cho đến lúc họ bắt đầu thay đổi.” Các vai trò đang đảo ngược. Hỏa hoạn có thể đến từ phía bên kia.
Trong một bài báo hấp dẫn trên blog “Gold, Goats ‘n Guns”, ông Tom Luongo đã viết
“Sẽ có những bất ngờ chính trị trên khắp Âu Châu trong năm nay và năm sau. Vào thời điểm họ hoàn thành, Đảng Dân Chủ sẽ giống như Đảng Lao Động ở Anh Quốc, là lớp vỏ ngoài dễ vỡ của một đảng được làm nên từ các bộ phận đầy đố kỵ và nịnh nọt ngang nhau, và Đảng Cộng Hòa, được dẫn dắt bởi ông Trump, sẽ trở lại nắm quyền với một sự báo thù mà chúng ta chưa từng trải qua trong nền chính trị Hoa Kỳ. Điều đó sẽ không dễ chịu đâu.”
Hmm…. Nếu đúng là như vậy, và bắt đầu có vẻ ngày càng có khả năng xảy ra vì nhiều lý do (ông Luongo đang viết về việc ông John Stewart hạ bệ ông Colbert), thì tương lai có vẻ không mấy hứa hẹn cho Đô đốc Gilday và những người thân cận của ông ta ở Ngũ Giác Đài. Tốt hơn là họ nên tỉnh thức khỏi sự “thức tỉnh” và, như họ từng nói trong các thuật ngữ hàng hải thích hợp, hãy chỉnh đốn lại nếu không sẽ bị sa thải.
Tác giả Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia, và hiện là biên tập viên chính cho The Epoch Times. Những cuốn sách gần đây nhất của ông là “The GOAT” (tiểu thuyết viễn tưởng) và “Tôi biết rõ nhất: Sự ích kỷ về đạo đức đang phá hủy nền Cộng Hòa của chúng ta như thế nào, nếu điều đó chưa xảy ra” (sách phi hư cấu). Quý vị có thể tìm thấy ông ấy trên Parler @rogerlsimon.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Roger L. Simon thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: