Đức từ chối đề nghị của Volkswagen để được bảo lãnh đầu tư ở Trung Quốc
Hôm thứ Sáu (27/05), một ấn phẩm của Đức đưa tin cho biết Đức đã từ chối các đề nghị của nhà sản xuất xe hơi Volkswagen để được bảo lãnh đầu tư ở Trung Quốc vì những lo ngại về nhân quyền liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tờ Der Spiegel đưa tin nói rằng Bộ Kinh tế Đức đã từ chối “bốn đơn xin gia hạn bảo lãnh đầu tư của một công ty,” trích lời một phát ngôn viên của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck.
Các đơn đề nghị này không nhằm mục đích đầu tư trực tiếp vào các nhà máy đặt tại Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc nhắm vào người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, mà là vào các nhà máy khác có thể liên kết với các tổ chức kinh doanh hoạt động ở đó.
Mặc dù bộ này không tiết lộ tên của công ty có các đơn đăng ký bị từ chối, nhưng bản tin này nêu rõ sự việc liên quan đến Volkswagen, công ty tuyên bố đã nộp các đơn đề nghị trước đó.
Volkswagen nói rằng họ vẫn chưa nhận được một phản hồi từ phía chính phủ và đã biết trước sự từ chối là “kết quả có thể xảy ra.”
Những người Duy Ngô Nhĩ bị bức hại, các nhóm nhân quyền, và các nhà lập pháp dân cử trên khắp thế giới đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức bằng cách giam giữ tùy tiện hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong một mạng lưới các trại tập trung ở khu vực tây bắc Trung Quốc.
Hôm 24/05, ông Habeck cho biết chính phủ Đức “đã thay đổi cách tiếp cận đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc” và đang giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Ông nói trong một tuyên bố: “Từ lâu, điều này cho thấy rõ, mặc dù Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn, nhưng có những vấn đề rất liên quan, đặc biệt là khi nói đến vấn đề tôn trọng nhân quyền. Trong nhiều năm, điều này đã bị bỏ qua.”
Theo ông Habeck, chính phủ Đức sẽ kiểm tra chặt chẽ “các khía cạnh môi trường, xã hội, và nhân quyền trong các đơn xin bảo lãnh đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Đức” để loại trừ khả năng vi phạm nhân quyền.
“Việc xem xét kỹ lưỡng này cũng xem xét liệu khu vực Tân Cương có liên quan hay không. Các đơn đề nghị không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ bị từ chối,” ông nhận xét.
“Ở cấp độ [Liên minh Âu Châu], cũng cần chú ý hơn đến các khoản trợ cấp của nhà nước đối với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc muốn hoạt động tại đây trong một thị trường chung.”
Volkswagen vận hành một nhà máy ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumchi), thủ phủ của vùng Tân Cương. Trung Quốc được coi là thị trường chung lớn nhất của nhà sản xuất xe hơi có trụ sở tại Đức, và một cựu giám đốc điều hành đã gọi Trung Quốc là “mỏ vàng” của công ty.
Là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai thế giới, sau Toyota, Volkswagen đã giao khoảng 3.3 triệu xe cho Trung Quốc và Hồng Kông hồi năm ngoái (2021).
Công ty này là nhà sản xuất xe hơi ngoại quốc đầu tiên đầu tư vào Trung Quốc với liên doanh có tên là Shanghai Volkswagen Automotive Co. hồi năm 1984 và có một danh mục đầu tư đa dạng tại Trung Quốc, bán đầy đủ các loại xe hơi, từ các thương hiệu giá rẻ như Skoda đến các thương hiệu hạng sang như Audi và Porsche.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.