Đức tin và tình yêu mạnh mẽ của người cha giúp đứa con ngỗ ngược quay đầu
Zach Southall đã đi theo con đường sai lầm. Đó là vào những năm 1980, anh lớn lên trong một căn hộ ở phía nam California cùng với một gia đình và các thành viên gia đình toàn những người phạm tội và nghiện ma tuý. Giữa những lần ngồi tù họ sẽ trở về với mẹ con anh.
Anh nói với The Epoch Times: “Điều đó ảnh hưởng tới bạn khi bạn còn nhỏ, bạn sẽ học những bài học tệ hại như ‘không lừa lọc dối trá thì không phải là đang cố gắng.’”
Mẹ anh là một người tốt, anh nói. Bà dạy anh giá trị của việc luôn ở bên gia đình khi họ cần, hết lòng chăm sóc cho những đứa trẻ của những thành viên trong gia đình khó khăn này. Bà là một người mẹ đơn thân và làm việc rất chăm chỉ để khiến anh không phải gặp phiền toái. “Thật không may tôi đã tự tìm đến rắc rối và nó đã dẫn dắt tôi đi theo con đường tăm tối,” Southall nói.
Nhưng cha anh, một cựu chiến binh Việt Nam vạm vỡ, đã quay trở lại với anh khi anh mới 15 tuổi và xoay chuyển tình thế bằng một thứ tình yêu khốc liệt nhưng rất cần thiết.
Ông là “một người đáng sợ”, Southall nói. Ông đã từng bị “bắn, đâm và nổ bom – ông là một người thô bạo… Mọi người trong khu phố rất sợ cha tôi. Khi họ nhìn thấy ông, điều đó có nghĩa là một người đàn ông đáng sợ có thể sẽ xé nát bạn.”
Nếu Southall làm điều không nên làm ở nơi nào đó, cha của anh sẽ không ngần ngại đạp cửa và túm tóc anh lôi ra.
Giờ nhìn lại, Southall có thể nói rằng: “Cảm ơn Chúa vì ông ấy đã không ngừng cố gắng. Tôi cuối cùng cũng phải đầu hàng. Tôi đã nghĩ, ‘Người đàn ông này điên rồi. Ông ấy không bao giờ để tôi yên.’”
Sự cứu rỗi tiếp theo trong cuộc đời anh đến từ một người phụ nữ tốt bụng. Anh yêu Michelle, thủ khoa trường y tá. Anh quyết định phải xứng đáng với cô – và anh đã thành công.
Nhưng chính nhà thờ của cô đã tác động tới Southall nhiều nhất – họ hỗ trợ và chăm sóc anh nhiệt tình vào đúng khoảng thời gian anh cần nhất.
Anh đã hiểu được sức mạnh của Chúa và đức tin. Anh cảm nhận được một lời kêu gọi rất rõ ràng và kiên nhẫn rằng hãy giúp đỡ người khác – đặc biệt là những người sống quanh mình.
Phải quay trở lại thế giới của những người nghiện ma tuý, của tội phạm, và phải vật lộn để giúp đỡ mọi người thật khó khăn. Nhưng đó không phải trở ngại duy nhất mà anh phải vượt qua trên con đường của mình.
Sau khi làm việc chăm chỉ để xây dựng cuộc sống cho gia đình, anh đã mất tất cả trong cuộc đại suy thoái. Anh chiến đấu với tử thần khi căn bệnh hiểm nghèo ập đến.
Bây giờ, sau tất cả, ở tuổi 48, người ta thấy anh hàng ngày đi dạo trên các con phố của Anaheim, California cùng với khuôn mặt luôn mỉm cười, giao cà phê và bánh rán cho những người vô gia cư. Anh nói với họ về những điều tổ chức từ thiện Charity on Wheels có thể giúp đỡ.
Anh ấy cũng kiểm tra những người mà anh ấy đã và đang giúp đỡ: “Điểm mấu chốt là sự hỗ trợ liên tục, nó giúp họ không rơi vào cảnh vô gia cư.”
Khi The Epoch Times kêu gọi độc giả đề cử các anh hùng trong cộng đồng địa phương của họ, Karen van Der Watt đã đề cử Southall. “Trái tim anh ấy dành cho mọi người thật kỳ lạ,” cô nói. “Tôi đã thấy anh ấy nỗ lực vô vàn để giúp đỡ ai đó đang gặp khó khăn.”
Southall làm theo lời kêu gọi mà anh cảm nhận được từ Chúa để giúp đỡ người khác. Anh đã biến tuổi trẻ khó khăn của mình thành tài sản vô giá; nó giúp anh kết nối được với những người cần giúp đỡ và tạo dựng được niềm tin nơi họ.
Anh ấy trở thành một người vị tha nhờ những bài học về cách chăm sóc từ cha mẹ, vợ anh, các thành viên trong nhà thờ và Chúa.
Tình yêu thương mạnh mẽ
Mẹ của Southall liên tục đưa anh đi khắp các quận Riverside và Orange. Bà nghĩ anh bị đuổi khỏi trường học là do “đám đông xấu” đáng trách. Bà ấy không nhận ra rằng: “Tôi mới là thủ lĩnh của đám đông tồi tệ đó”, Southall nói.
Năm 14 tuổi, anh đã sống lang thang trên phố nhiều ngày liền. Cha Southall quản thúc anh và chuyển anh đến sống cùng ông khi anh 15 tuổi.
Cha anh đã đốt những bộ quần áo theo kiểu punk-rock của anh theo đúng nghĩa đen. Ông bắt Southall cắt tóc và mặc những bộ đồ “vuông vức, nghiêm túc khó chịu”. Ông đã đưa anh một lịch trình nghiêm ngặt, bao gồm cả việc làm xây dựng sau giờ học, đánh bóng những vết xước trên các bộ phận bằng nhôm – “công việc rất khó chịu và đáng chán.”
Southall nói: “Ông đánh thức tôi mỗi sáng, đưa tôi đến trường và đe dọa tôi. Ông sẽ nói rằng nếu tôi không đứng trên bãi cỏ trước trường trung học Mission Viejo lúc 3 giờ chiều, ông sẽ tìm tôi. Và tôi biết ông sẽ làm được.”
Thật là kinh khủng – Southall trẻ tuổi lúc đó có suy nghĩ như thế.
“Ông đã thực sự cứu lấy cuộc đời tôi.”
Từ ca sĩ nhạc rock thành nhân viên ngân hàng
Southall rất yêu âm nhạc, dù cha anh ngăn cấm phong cách nhạc punk. Anh vẫn mơ ước trở thành ngôi sao nhạc rock, và ước mơ đó dường như nằm trong tầm tay của anh.
Trong những năm 1990, ban nhạc của Southall đã từng là tiền thân cho ban nhạc No Doubt và Mighty Joe Young (sau đổi tên thành Stone Temple Pilots).
Nhưng sau đó vì Michelle, “Tôi thấy cô ấy, đó là tình yêu sét đánh. Bạn biết đấy, đó chính là một nửa của tôi,” anh nói. Và anh biết rằng cuộc đời của một ngôi sao nhạc rock không phù hợp với cô.
Đó thực sự là tình yêu sét đánh – chỉ sau một tuần gặp cô ấy, anh đã rời khỏi ban nhạc và chuyên tâm làm một nhân viên tín dụng tại ngân hàng Lehman Brothers. Họ kết hôn năm 1999 và sự nghiệp của Southall bắt đầu đi lên.
Anh trở thành chủ tịch của một công ty tài chính quốc gia Patriot Financial. Nhưng anh lại sớm lạc lối theo một cách khác so với thời niên thiếu. Anh trở thành một người nghiện công việc, không có đủ thời gian cho vợ con. Anh bị ám ảnh bởi tiền bạc.
“Tôi muốn mua một chiếc máy bay phản lực, đó là mục tiêu của tôi. Tôi đã không nghĩ gì tới người khác, chắc chắn là như vậy… Tôi đã lạc lối.”
Sụp đổ
Năm 2006, Southall nhận thấy khả năng chi trả cho các khoản vay đang suy giảm nhanh chóng. Trong khi các cổ đông hoảng loạn, anh nghĩ đó chỉ là sự suy giảm tạm thời và là cơ hội để mua càng nhiều cổ phiếu càng tốt.
“Đó là một sai lầm lớn,” anh nói. Mọi thứ không tăng trở lại. Mọi thứ rơi vào một cuộc Đại Suy Thoái và anh đã mất tất cả.
Sức khoẻ của anh cũng suy sụp. Khối u trên dây thanh quản khiến anh gần như không thể thở được. Anh không thể nói, thường xuyên phải truyền dịch và anh hầu như không được tỉnh táo.
Căn nhà của anh bị tịch thu, công ty đang rơi vào trạng thái phá sản. Còn bản thân anh phải trải qua một cuộc phẫu thuật đầy rủi ro nếu không anh sẽ chết vì khối u.
Anh không thường cầu nguyện. Trước đó thi thoảng anh cũng cầu nguyện khi thấy cần. Nhưng trong phút giây đó anh đã thật sự thành tâm cầu nguyện. Anh đã thề với Chúa rằng anh sẽ là một người cha và người chồng tốt hơn, và anh sẽ làm bất cứ điều gì Chúa yêu cầu anh làm.
Ngay sau đó, anh được chăm sóc bởi một bác sĩ chuyên khoa mới có phác đồ điều trị khối u bằng thuốc kháng sinh thay vì phải phẫu thuật. Anh được xuất viện, sức khỏe hơi yếu nhưng đang dần hồi phục.
Với số tiền còn lại cuối cùng, anh đã thuê một ngôi nhà khiêm tốn cho gia đình. Nhưng khi đến ngày chuyển nhà, những thành viên trong gia đình dự định giúp chuyển nhà lại không đến. “Đó là một ngày kỳ lạ nhất trên đời,” anh nói. Cho đến bây giờ, những thành viên trong gia đình đó không nhớ là đã không biết hay quên mất ngày đó.
Southall vẫn còn quá yếu để làm được nhiều việc, và Michelle đã cố gắng hết sức khi chăm sóc lũ trẻ. Southall quấn mình trong chăn và khóc. Anh lại cầu nguyện.
“Không bao lâu sau khi tôi kết thúc cầu nguyện, một nhóm người từ nhà thờ bắt đầu lái xe tải xuống nhà tôi,” anh nói. Thật bất ngờ, “cứ như thể họ nhảy dù vào bãi cỏ của tôi vậy.”
Gia đình Southall là một phần của nhà thờ Salem Lutheran ở Orange, chính xác hơn thì là vợ anh.
“Tôi đã không đối xử tốt với những người này, và tôi đã không quan tâm tới nhà thờ chút nào. Nhưng họ xuất hiện, đưa gia đình tôi đi, đưa con tôi đến trường và mang cho chúng tôi bữa tối. Đó thực sự điên rồ.”
Điều này đã củng cố thêm quyết tâm của Southall trong việc thực hiện lời thề với Chúa. Khi nhà thờ đề nghị anh chơi nhạc cho các buổi lễ, mặc dù không thích nhưng anh vẫn làm. Southall nói: “Nếu đó là ý muốn từ Chúa, tôi sẽ sẵn sàng.”
Nhưng đề nghị tiếp theo từ Chúa không hề dễ dàng.
“Hãy chăm sóc các con ta”
Southall tìm được công việc mới là giám đốc SEO của tổ chức Freedom Communication và mọi thứ dần cải thiện.
Sau đó anh bắt đầu bị chứng mất ngủ. Vào những đêm mất ngủ, một câu nói liên tục vang lên trong đầu anh: “Hãy ra ngoài, hãy chăm sóc các con của ta.”
“Tôi biết nghe có vẻ ngốc nghếch khi như thể là Chúa đang nói với tôi,” Southall nói. Nhưng những trải nghiệm đó rất rõ ràng và có ý nghĩa đối với anh.
Anh quyết định sau một đêm mất ngủ anh sẽ đi làm việc đó. Vợ anh đang làm bữa sáng khi anh bước ra cửa.
Cô hỏi: “Anh đi đâu đấy?”
“À, anh sẽ đi đến Walmart. Anh định mua một số xe đạp và có thể một ít thực phẩm và đồ dùng, và anh sẽ lái xe loanh quanh và tìm những người vô gia cư,” anh nói.
“Anh định làm gì cơ? Anh có bị sao không vậy?” cô hỏi.
“Ừ, có thể, Chúa đang nói chuyện với anh. Ngài sẽ không để anh ngủ,” Southall trả lời.
Đi xung quanh chỗ người vô gia cư đã trở thành thói quen vào cuối tuần của anh. Anh thấy nhiều người đã được ra tù mà chỉ có vài USD trong túi, không có gia đình hoặc bạn bè để quay về. Nhiều người là con nghiện, một số người còn được dụ dỗ hút ma tuý sau song sắt.
“Đã có lúc tôi chỉ muốn quên đi quá khứ của mình và hành động như thể nó chưa từng xảy ra,” anh nói. “Tôi không thể chịu đựng được khi chứng kiến có người bị vây quanh bởi những nhân tố tội phạm như vậy.”
Anh đã truyền nỗ lực này cho nhà thờ, nói rằng anh chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà không tham gia như người vô gia cư. Nhưng “chúng giống như thể là, ‘Không, Chúa đã đặt nó vào trái tim anh. Hãy đi và làm điều đó.’”
Cuối cùng anh đã hợp tác với Mickey Jordan, người đứng đầu Bộ Đô thị cho Nhà thờ Salvation Army ở Anaheim. Jordan biết nhiều về cách tiếp cận người vô gia cư và các chương trình hỗ trợ cai nghiện, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tái hòa nhập xã hội.
Anh đã hướng dẫn Southall cách tiếp cận nhanh chóng, đi ra ngoài và tìm kiếm mọi người, Jordan hiện giờ là giám đốc và cố vấn cho tổ chức từ thiện của Southall được sáng lập năm 2012.
Tổ chức từ thiện Charity on Wheels mời những người vô gia cư họp mặt hàng tuần (không thực hiện trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, mặc dù họ vẫn tiếp cận và giúp đỡ), nơi Southall chơi nhạc và các tình nguyện viên chia sẻ các bữa ăn cùng với những người tham dự để tạo nên sự kết nối thân thiết. Mẹ của anh cũng ở đó hàng tuần để giúp đỡ những người vô gia cư.
Trong khi tổ chức từ thiện cung cấp các vé tắm và nhiều nhu yếu phẩm khác cho mọi người, các tình nguyện viên cũng xác định những ai sẵn sàng thay đổi. Họ sẽ giúp những người này liên kết với nhiều chương trình hồi phục và hỗ trợ liên tục.
Danielle (tên ẩn danh) là một trong số những người mà Southall đã giúp đỡ, cô kể cho The Epoch Times nghe câu chuyện của cô.
Vô gia cư cùng ba đứa trẻ
Người chồng nghiện rượu của Danielle đã hành hạ cô và ba đứa con trong nhiều năm. Tới năm 2019, anh ta đã ngừng dùng thuốc kiểm soát bệnh tâm thần, và đó là thời gian anh đe dọa đứa con trai 17 tuổi của họ.
Danielle đã cùng ba đứa trẻ, một đứa nữa 13 tuổi, một đứa còn lại 14 tuổi, ra đi – và họ bắt đầu quãng thời gian hàng tháng trời làm việc cả ngày lẫn đêm 7 ngày/tuần và sống trong các khách sạn.
Cô đã làm việc tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi và đảm nhận công việc giao hàng. Cô cũng thu lượm đồng nát để bán lấy tiền. Cô không bao giờ có ý định đi vào nơi ở tạm cùng các con của mình, và cố gắng thăm chúng càng nhiều càng tốt trong khi vẫn làm việc rất nhiều.
“Khi tôi trở lại, bất kể tôi mệt mỏi thế nào, thậm chí là ba giờ sáng, chúng tôi vẫn nói chuyện. Chúng tôi sẽ tìm thấy niềm vui và cùng cười đùa,” Danielle nói với The Epoch Times. “Tôi giải thích rằng điều này không dễ dàng. Cũng không thoải mái. Nhưng chúng ta là một gia đình và phải cố gắng cùng nhau… Các con tôi rất hiểu chuyện.”
Sau đó xe của cô ấy bị hỏng. Cô cảm thấy bất lực, cho đến khi cô nghe tới tổ chức từ thiện Charity on Wheels. Việc đầu tiên là Southall sửa chiếc xe của cô. Sau đó, cô ấy ra khỏi khách sạn. “Nó tốn quá nhiều tiền,” Southall nói. “Bạn phải ra khỏi đó sau x ngày… tới một khách sạn khác và rồi lại quay lại – đó quả là cơn ác mộng.”
Anh xem xét tình trạng của cô ấy trước, một bước quan trọng sau khi tiếp cận cô. Có hai người cùng tổ chức Charity on Wheel sẽ đánh giá mỗi người vô gia cư trước khi quyết định sự giúp đỡ nào là phù hợp.
Tổ chức Charity on Wheels đã đồng ý ký hợp đồng thuê một căn hộ cho Danielle, họ trả tiền thuê tháng đầu tiên, trang bị nội thất và ghi tên cô vào chương trình giao hàng tạp hoá.
“Đó là điều đã giúp tôi vững vàng trở lại,” cô nói. “Zach đã rất thấu hiểu… Anh ấy dành 300% tâm sức vào đó… Tôi không biết bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào ở quận Cam làm điều anh ấy đã làm.”
Southall cho biết Danielle và gia đình cô đã không còn nhận sự hỗ trợ từ chương trình nữa. Họ đã tự làm tốt việc của mình.
“Cô ấy rất mạnh mẽ,” anh nói. “Người phụ nữ đó là một người chiến thắng. Cô ấy chỉ cần giúp một tay mà thôi.
Channel Philipp
Thuần Thanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: