Đức suýt soát tránh suy thoái khi chiến tranh, đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế
Nền kinh tế Đức đã tránh được suy thoái một cách suýt soát trong quý đầu tiên khi chiến tranh Ukraine và những tác động kéo dài của các hạn chế đại dịch đè nặng lên hoạt động kinh tế, nhưng vẫn đủ khả năng để nền kinh tế lớn nhất Âu Châu đạt được tốc độ tăng trưởng 0.2%.
Dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố hôm 25/05 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Đức đã tăng 0.2% so với quý trước trong quý I năm 2022, phù hợp với ước tính của các nhà phân tích.
Ông Georg Thiel, chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang, cho biết: “Chiến tranh ở Ukraine và đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn đã làm gia tăng những đứt gãy hiện có, bao gồm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao.”
Ông nói thêm: “Bất chấp khung điều kiện kinh tế toàn cầu khó khăn, nền kinh tế Đức bắt đầu năm 2022 với sự tăng trưởng nhẹ.”
Nhận xét của ông Thiel về các vấn đề vĩ mô toàn cầu đồng quan điểm với kết quả của một báo cáo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong đó các nhà kinh tế hàng đầu cảnh báo thế giới đang đối mặt với sự kết hợp phức tạp của nhiều thách thức, bao gồm lạm phát cao và tình trạng mất an ninh lương thực lớn hơn mà có thể dẫn đến bất ổn xã hội ở một số quốc gia.
Lạm phát dự kiến sẽ vẫn ở mức cao cho đến năm 2022, gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ gia tăng và thế giới đang trên đà rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, theo báo cáo Triển Vọng Của Các Nhà Kinh Tế Trưởng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý 0.2% có nghĩa là Đức đã xoay xở tránh được suy thoái, thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp nền kinh tế thu hẹp so với quý trước. Sản lượng kinh tế của đất nước đã giảm 0.3% vào cuối năm 2021.
Dữ liệu sản xuất công nghiệp gần đây của Đức cho thấy sản lượng giảm 3.9% trong tháng Ba. Sự sụt giảm mạnh, cao gần gấp bốn lần so với dự đoán của các nhà phân tích, khiến một số nhà kinh tế dự đoán rằng nền kinh tế lớn nhất Âu Châu sắp suy thoái.
Ông Carsten Brzeski, Trưởng Bộ phận Vĩ mô Toàn cầu của ING, viết trong một ghi chú: “Nếu quý vị đang tìm kiếm tin xấu, chỉ cần xem dữ liệu vĩ mô của Đức. Sản xuất công nghiệp vừa tổng hợp một loạt dữ liệu tháng Ba dự kiến sẽ yếu,” đồng thời cho biết thêm rằng dữ liệu chỉ ra rằng nền kinh tế lớn nhất Âu Châu đang suy thoái.
Hôm thứ Tư (25/05), sau khi công bố số liệu GDP của Đức, ông Brzeski đã phản hồi bằng cách bám sát dự báo suy thoái trước đó của mình.
“Tồn kho tăng lên và tiêu thụ yếu trong quý đầu tiên, cũng như niềm tin của người tiêu dùng rất yếu, rõ ràng làm giảm đi sự lạc quan của các chỉ số hàng đầu truyền thống,” ông viết. “Chúng tôi bám vào kịch bản cơ sở của chúng tôi về sự suy giảm nhẹ trong nền kinh tế Đức trong quý thứ hai.”
Các nhà phân tích khác đã đưa ra dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra ở Đức.
Ông Andrew Kenningham từ Capital Economics cho biết trong một lưu ý rằng số liệu sản lượng công nghiệp yếu có khả năng đánh dấu “sự khởi đầu của một cuộc suy thoái sản xuất sâu sắc có khả năng kéo toàn bộ nền kinh tế vào suy thoái.”
Các dữ liệu kinh tế khác của Đức chỉ ra sự suy yếu của nền kinh tế, bao gồm sự suy giảm trong tiêu dùng tư nhân trong quý thứ hai liên tiếp và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng vẫn gần với mức thấp nhất mọi thời đại.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: