Đức: Lạm phát giá thực phẩm tăng cao kỷ lục
Theo cơ quan thống kê nước Đức, lạm phát giá thực phẩm ở Đức đã tăng lên mức cao nhất được ghi nhận trong tháng Bảy mặc dù tốc độ tăng giá chung đã giảm nhẹ.
Hôm 10/08, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, còn được gọi là Destatis, cho biết giá thực phẩm đã tăng 14.8% tính đến tháng Bảy năm nay. Đó là tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi thống kê vài thập niên trước.
Destatis cho biết tháng Bảy đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp giá thực phẩm tăng, với tất cả các nhóm thực phẩm đều có giá cao hơn.
Mức tăng giá 2 con số được ghi nhận ở một số ngành hàng, bao gồm thịt (18.3%), sữa (24.2%), và dầu và các chất béo ăn được (44.2%).
Giá lương thực đã tăng 2.1%, tính theo tháng.
Lạm phát toàn phần giảm
Tốc độ lạm phát chung ở Đức trong tháng Bảy là 7.5%, thấp hơn một chút so với mức 7.6% trong tháng Sáu và giảm so với mức đỉnh gần đây là 7.9% trong tháng Năm.
Chi phí năng lượng cao là nguyên nhân lớn dẫn đến lạm phát ở Đức, với năng lượng gia dụng tăng 42.9% hàng năm trong tháng Bảy, dầu sưởi tăng 102.6%, và nhiên liệu động cơ tăng 23%.
Ông Georg Thiel, Chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao vẫn là do giá các sản phẩm năng lượng tăng”.
Trước tình hình giá cả tăng vọt, chính phủ Đức đã áp dụng một số gói cứu trợ, bao gồm việc cắt giảm thuế nhiên liệu động cơ, bãi bỏ phụ phí để hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng năng lượng tái tạo, và khai triển thẻ giao thông công cộng giảm chi phí.
Ông Thiel nói thêm rằng, “Hai biện pháp của gói cứu trợ đã có một tác động giảm nhẹ tỷ lệ lạm phát chung kể từ tháng 06/2022: vé đi lại có giá 9 euro và giảm giá nhiên liệu. Ngoài ra, phụ phí năng lượng tái tạo (EEG) đã được bãi bỏ hồi tháng 07/2022.”
Cái gọi là thước đo lạm phát cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đứng ở mức 3.2% trong tháng Bảy.
Sắp giảm thuế
Dữ liệu lạm phát hôm 10/08 được đưa ra cùng ngày mà Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner công bố các kế hoạch giảm thuế trị giá khoảng 10 tỷ USD để giúp các gia đình ứng phó với giá cả tăng vọt.
Theo hãng thông tấn Đức The Local, ông Lindner nói trong một cuộc họp báo ở Berlin rằng, “Chúng ta đang ở trong một tình huống buộc phải hành động.”
Ông Lindner cho biết biện pháp này chủ yếu hướng đến những người lao động được tăng lương nhưng hiện phải đối mặt với một gánh nặng thuế cao hơn và sẽ mất phần lớn chênh lệch tiền lương phải nộp thuế. Kế hoạch cứu trợ ảnh hưởng đến khoảng 48 triệu người Đức phải đối mặt với mức thuế cao hơn trong năm tới.
Nhà phân tích Andreas Steno Larsen đã chia sẻ một biểu đồ trên Twitter cho thấy tiền lương thực tế của Đức — được điều chỉnh theo lạm phát — bị đè bẹp bởi giá cả tăng vọt.
“Tiền lương thực tế ở Đức đã lùi về mức 10 [năm trước đây],” ông viết về thước đo tăng trưởng tiền lương tích lũy. “Đó là lý do tại sao lạm phát phải là kẻ thù số 1.”
Đức trên ‘bờ vực của một cuộc suy thoái’
Lạm phát tăng vọt đã đè nặng lên nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất Âu Châu.
Theo Viện Ifo, niềm tin kinh doanh của Đức đã giảm mạnh trong tháng Bảy, khi cả các chỉ số hiện tại lẫn chỉ số tương lai về tâm lý đều giảm dần, với việc chủ tịch của cơ quan này cảnh báo rằng Đức đang trên “bờ vực của một cuộc suy thoái”.
Hôm 25/07, viện nghiên cứu và chính sách của Đức lưu ý chỉ số chung đã giảm xuống 88.6 điểm trong tháng Bảy, giảm so với 92.2 điểm trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ hồi tháng 06/2020.
Chủ tịch Ifo, ông Clemens Fuest, cho biết trong một tuyên bố rằng các công ty Đức bày tỏ sự sụt giảm niềm tin về tình hình hiện tại của họ, và họ dự đoán việc kinh doanh sẽ trở nên “khó khăn hơn nhiều” trong vài tháng tới.
“Giá năng lượng cao hơn và nguy cơ thiếu khí đốt đang đè nặng lên nền kinh tế,” ông Fuest nói. “Nước Đức đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái.”
Các nhà phân tích tại ING cho biết kết quả chỉ số niềm tin kinh doanh ảm đạm của Đức khẳng định lo lắng của họ rằng nền kinh tế nước này có thể đã suy giảm trong quý hai.
Ông Carsten Brzeski, giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô của ING Research, đã viết trong một ghi chú: “Chỉ số Ifo ngày nay cho thấy danh sách các rủi ro bất lợi đối với nền kinh tế Đức ngày càng dài hơn.”
“Nhiều tín hiệu suy thoái hơn” là điểm mấu chốt của ING từ chuỗi kết quả bi quan của thước đo niềm tin.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’