Đức đảo ngược chính sách, đồng ý gửi xe tăng đến Ukraine
Hôm thứ Ba (26/04), trong một hành động đi ngược lại đáng kể so với chính sách trước đó, Bộ Quốc phòng Đức đã thông báo rằng họ sẽ gửi xe tăng phòng không Gepard đến Ukraine, sau khi Thủ tướng Olaf Scholz lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định này.
Trong một cuộc họp tại Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht đã công bố quyết định gửi các hệ thống phòng không tới Ukraine, quốc gia chiến đấu chống lại Nga trong hai tháng qua.
“Chúng tôi đã quyết định ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine bằng các hệ thống phòng không… đó chính xác là những gì Ukraine cần hiện nay để bảo đảm [an ninh] không phận từ mặt đất,” bà Lambrecht nói trong cuộc họp công khai tại căn cứ này hôm thứ Ba.
Bà Lambrecht cũng cho biết Đức đang chuẩn bị huấn luyện các lực lượng Ukraine tại Đức, nói rằng “chúng tôi đang làm việc cùng với các bằng hữu Hoa Kỳ của mình trong việc huấn luyện quân đội Ukraine về các hệ thống pháo trên đất Đức,” theo Deutsche Welle.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đã không sẵn lòng gửi vũ khí hoặc các hệ thống khác đến Ukraine trong bối cảnh xung đột. Hồi tháng Hai, ông Scholz đã chặn việc bán vũ khí hạng nặng cho chính phủ Kyiv và nói rằng một hành động như vậy sẽ làm leo thang xung đột với Moscow.
Và ông Scholz, người đã tiếp quản quyền lực từ cựu Thủ tướng Angela Merkel vào đầu năm nay, nói với Der Spiegel vào tuần trước (18-24/04) rằng ông sẽ không gửi những vũ khí như vậy tới Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng làm như vậy sẽ dẫn đến xung đột hạt nhân hoặc chiến tranh thế giới thứ ba.
“Chúng ta cần làm mọi thứ để tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và một siêu cường được trang bị đầy đủ vũ khí như Nga, một cường quốc hạt nhân,” ông nói. “Tôi sẽ làm mọi thứ để tránh sự leo thang có thể dẫn đến Đệ tam Thế chiến — không thể có chiến tranh hạt nhân.”
Ông cho biết thêm rằng “tránh sự leo thang đối với NATO là ưu tiên hàng đầu đối với tôi” và ông không “tập trung vào các cuộc thăm dò ý kiến hoặc để bản thân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những lời lẽ khó nghe. Một sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc.”
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến thăm Ukraine vào cuối tuần (23-24/04) và nói với các phóng viên hôm thứ Hai (25/04) tại Ba Lan rằng chính phủ Tổng thống Biden muốn thấy quân đội Nga “suy yếu” do xung đột ở Ukraine.
“Chúng tôi muốn thấy Ukraine vẫn là một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia dân chủ, có thể bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền của mình,” ông Austin nói, theo một bản ghi bài diễn văn của ông. “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc như đã làm khi xâm lược Ukraine.”
Theo một ký giả quốc phòng người Đức, ông Thomas Wiegold, người đã nói chuyện với Deutsche Welle, các hệ thống phòng không Gepard, được phát triển trong những năm 1960 và 1970, đã được đưa ra khỏi biên chế khoảng một thập niên trước.
“Quân đội Đức đã không còn sử dụng chúng từ gần một thập niên trước, không phải vì những xe tăng này đã lỗi thời, mà vì vào thời điểm đó [quân đội] đang thu hẹp và họ không còn lý do để sử dụng chúng nữa,” ông nhận xét.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: